Tìm cách "đỡ đầu" cho cô đỡ thôn bản

 
Không phải địa phương nào cũng linh động trong việc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của các cô đỡ thôn bản (CĐTB). Và thực tế, những sự hỗ trợ đó vẫn thấp. Do vậy, đã có nhiều trường hợp các cô đỡ đã nghỉ việc, chuyển sang công việc khác.... Trong khi đó, nhu cầu sử dụng đội ngũ này còn rất cao. Nhiều địa phương đã tự đứng ra tổ chức đào tạo nhân sự để bổ sung cho những thôn trắng CĐTB. Và hầu hết các nơi đều rơi vào tình trạng loay hoay tìm nguồn kinh phí cũng như những chính sách để duy trì lâu dài đội ngũ này.

* Khắc phục vấn đề thu nhập

Từ đề án của bệnh viện Từ Dũ, hàng tháng các CĐTB được hỗ trợ 50.000 đồng/người/tháng. Đây là một sự hỗ trợ quá ít so với công sức đội ngũ này bỏ ra. Bên cạnh đó, trong những khóa học đầu, các CĐTB còn được hỗ trợ phương tiện đi lại, sau này sự hỗ trợ này không còn.

Cô đỡ Đặng Thị Thúy, dân tộc Dao, thôn Quảng Hà, xã Nâm N’Đir, huyện Krông Nô (Đăk Nông) chia sẻ: “Trong thôn của em có hơn 200 hộ nhưng lại không sống tập trung, có những nhà ra tới trạm y tế thôn mất hơn 10 km, đường đi toàn đồi núi dốc cực kỳ khó khăn. Trong khi đó, cô đỡ lại không có phương tiện đi lại, chủ yếu đi bộ. Vì thu nhập từ công việc này không cao, nên em phải bố trí sáng đi làm nương rẫy, trưa tranh thủ đi vận động tuyên truyền. Hôm nào người dân gọi đi đỡ, hoặc giúp họ chuyển tuyến là phải bỏ công việc nhà. Nhiều người bảo làm một tháng chỉ có 50.000 đồng thì làm làm gì. Nhưng nếu nghĩ như vậy, ai sẽ giúp dân".

Đây là vấn đề chung cho các CĐTB ở tất cả địa phương, và để duy trì được lực lượng này, một số tỉnh như Đăk Nông, Ninh Thuận… đã chủ động, linh hoạt trong việc tìm kiếm nguồn kinh phí để hỗ trợ thêm cho CĐTB. Hiện tại toàn tỉnh có 112 CĐTB đã được đào tạo, nhưng chỉ có 105 CĐTB còn hoạt động. Bảy CĐTB đã chuyển sang làm những công việc khác và con số này sẽ có nguy cơ tăng lên. Do vậy, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Đăk Nông đã đề xuất với tỉnh tạo điều kiện cho các CĐTB được hưởng chế độ phụ cấp như nhân viên y tế thôn bản. Ngoài ra, cho phép các CĐTB làm cộng tác viên dinh dưỡng, phòng chống sốt rét. Thu nhập từ các chương trình cũng được 300.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó, hàng năm Trung tâm cũng lập kế hoạch xin hỗ trợ kinh phí từ nuồn địa phương cho công tác tập huấn, khen thưởng CĐTB với tổng số tiền hơn 130 triệu đồng/năm.

Ông Huỳnh Thăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Ninh Thuận cũng cho biết thêm, ngoài nguồn hỗ trợ từ Quỹ dân số Liên Hợp Quốc với mức 249.000 đồng/người, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe tỉnh Ninh Thuận cũng đã vận động nguồn hỗ trợ CCĐTB từ chính ngân sách địa phương với mức 415.000 đồng/người. Điều này thể hiện sự quan tâm của địa phương đối với CĐTB để giúp họ ổn định, yên tâm làm việc. Ngoài ra, Trung tâm đã đề xuất ý kiến với Sở y tế tỉnh, tại các thôn bản vùng khó khăn, với địa bàn dân cư đặc biệt nên có hai nhân viên y tế thôn; trong đó một phụ trách về y tế nói chung, và người còn lại phải là CĐTB để thực hiện công tác sức khỏe sinh sản trên địa bàn.

* Phải được xem như nhân viên y tế

Nhận thấy vai trò của cô đỡ thôn bản đối với đồng bào dân tộc thiểu số, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em đã đưa ra chỉ tiêu tăng tỷ lệ thôn bản vùng đặc biệt khó khăn có CĐTB qua đào tạo từ 10% lên 20% vào năm 2015. Cùng với đó, Vụ cũng đề xuất với Bộ Y tế đưa ra những chính sách hợp lý để phát triển nguồn nhân lực này.

Cô đỡ Mùa Thị Kía tư vấn sức khỏe sinh sản tại bản Sán Súi, xã Hừa Ngài, huyện Mường Chà, Điện Biên. Ảnh: Xuân Tiến


Theo ông Huỳnh Thăng Sơn, để các em thực hiện công việc này lâu dài ổn định và không bỏ nghề thì phải công nhận các em như một nhân viên y tế, và có một mức lương tối thiểu khác với CĐTB. Bởi công việc của nhân viên y tế thôn ít liên quan tính mạng và cần nhiều trách nhiệm so với CĐTB. Y tế thôn bản chỉ phát hiện bệnh và chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, hoặc làm công tác thống kê địa phương mình có bao nhiêu dân tộc sinh sống, trẻ em sinh ra, lớn lên.... Trong khi, công việc của cô đỡ thôn bản không chỉ là khám thai, đỡ đẻ, mà khi khám thai phải xác định được tình trạng thai như thế nào, có được đỡ đẻ hay không hay phải chuyển lên tuyến trên? Trong quá trình đỡ đẻ phải xem trẻ như thế nào? Đồng thời phải thường xuyên theo dõi, chăm sóc hậu sản cho người mẹ. Do vậy, cần có chính sách để duy trì đội ngũ như một nhân viên y tế.

Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách phù hợp trong đào tạo nâng cao tay nghề cho CĐTB. Đây vẫn đang là vấn đề gây nhiều khó khăn cho chính các Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản và CĐTB. Mong muốn của các CĐTB là được học hỏi nâng cao kỹ năng trong công việc. Nhưng việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho CĐTB gặp rất nhiều khó khăn, một phần các địa phương chưa đủ điều kiện về trang thiết bị, cơ sở, chương trình giảng dạy. Mặt khác, theo bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Đăk Nông, muốn nâng cao trình độ chuyên môn của CĐTB phải nâng cao trình độ học vấn. Nhưng hầu hết các CĐTB chỉ học đến lớp chín là cao. Do vậy, nhiều khi tỉnh có chương trình tập huấn cho nhân viên y tế nói chung nhưng các cô đỡ không đủ điều kiện nên không thể gọi đi học được.

Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Lưu Thị Hồng, Phó Vụ trưởng, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cho biết, một khó khăn đối với các cô đỡ thôn bản là thiếu một số chính sách hỗ trợ về lương, mức thưởng động viên, phí đi lại, hỗ trợ nhà ở, ngân sách thường xuyên để đào tạo lại. Sắp tới, Vụ sẽ cùng với các cơ quan ban, ngành bàn về việc chuẩn hóa chương trình, tài liệu đào tạo, ban hành chính sách tuyển dụng và hỗ trợ CĐTB đã qua đào tạo.

Lan Phương

Lặng thầm những cô đỡ thôn bản
Lặng thầm những cô đỡ thôn bản

Những nơi thuộc vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc như xã Hừa Ngài, huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên) phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản được ngành y tế đánh giá là một giải pháp hữu hiệu trong công tác giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh;

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN