Thoát vị đĩa đệm, khi nào cần phẫu thuật?

Chưa có số lượng thống kê cụ thể nhưng theo các chuyên gia y tế, bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm có xu hướng ngày một tăng. Đau đớn, nhức buốt là nguyên nhân khiến nhiều người bệnh cầu mong tìm được một phương pháp điều trị dứt điểm.

Khoảng 10% bệnh nhân có chỉ định mổ


Bị thoát vị đĩa đệm 3 năm nay, anh Nguyễn Anh Tuấn (Vĩnh Tuy, Hà Nội) lắm lúc đau, phải nằm nhà gần cả tháng vì đau nhức, không tự ngồi dậy được.


“Tôi đã từng đi kéo giãn, châm cứu, bấm huyệt, điều trị đông tây y kết hợp tại một bệnh viện công. Nghe nói Bắc Giang có người chữa được tôi cũng lên đó để xếp hàng chờ đến lượt nắn lưng. Nhưng chỉ được một thời gian, cứ thời tiết thay đổi là tôi lại bị đau khủng khiếp, nhiều khi đau lan cả xuống chân như sắp liệt”, anh Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.


Theo anh Tuấn, lúc đầu anh còn có ý định “sống chung với lũ” nhưng với tần suất tái phát các cơn đau ngày một nhiều hơn, anh chỉ muốn đi khám để phẫu thuật, trị dứt điểm các cơn đau. Tuy nhiên, anh rất băn khoăn vì không rõ mình đã thuộc diện được phẫu thuật hay không và liệu phẫu thuật có ảnh hưởng gì đến khả năng lao động?


Trao đổi về băn khoăn của anh Tuấn, cũng là thắc mắc của nhiều người bệnh bị thoát vị đĩa đệm, BS Trần Quốc Khánh, Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, cho biết, mỗi ngày tại Bệnh viện khám, điều trị cho khoảng 150 bệnh nhân thoát vị đĩa đệm và mắc các bệnh cột sống. Tuy nhiên, chỉ 10% bệnh nhân trong số đó có chỉ định mổ.

Hình ảnh đĩa đệm nhân tạo sau khi được thay cho bệnh nhân. Ảnh: BS Trần Quốc Khánh.


Các sĩ chỉ khuyên nên phẫu thuật sớm trong trường hợp bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng phù hợp với hình ảnh thoát vị đĩa đệm trên phim chụp cộng hường từ, kèm theo có biểu hiện các triệu chứng: Yếu cẳng-bàn chân, tê bì đau buốt vùng mông và cùng cụt, bí tiểu; yếu liệt hai chân tiến triển, có biểu hiện teo cơ; hoặc đã điều trị nội khoa và phục hồi chức năng tích cực 6 tháng không cải thiện triệu chứng…


Một yếu tố cân nhắc phẫu thuật nữa đó là bênh nhân mới bị thoát vị đĩa đệm nhưng biểu hiên quá đau, ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động sinh hoạt cũng như công việc hằng ngày.


Theo BS Trần Quốc Khánh, trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ chỉ can thiệp tối thiểu đến mức có thể để bảo tồn tối đa các cấu trúc giải phẫu cũng như các chức năng cột sống của bệnh nhân. Do đó, những người trong độ tuổi lao động (20 - 40 tuổi) không nên quá lo lắng cột sống của mình sẽ bị “yếu” đi sau phẫu thuật. Thực ra, chính việc người bệnh do dự khi có chỉ định phẫu thuật, đi tìm các phương pháp điều trị khác (đông y, thuốc nam, châm cứu, kéo giãn cột sống...) đã làm lỡ khoảng thời gian quý báu của việc phẫu thuật và giải phóng chèn ép thần kinh sớm, yếu tố quan trọng giúp phục hồi hoàn toàn chức năng cột sống sau phẫu thuật.


Phương pháp phẫu thuật tùy tình trạng bệnh


Hiện nay, trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã có rất nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau như: Phẫu thuật lấy nhân thoát vị, giải phóng chèn ép rễ thần kinh đơn thuần bằng kỹ thuật mổ mở; kỹ thuật mổ ít xâm lấn qua hệ thống ống nong; kỹ thuật mổ nội soi qua lỗ liên hợp, kỹ thuật mổ nôi soi qua liên cung sau. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể lựa chọn phương pháp phẫu thuật mổ mở lấy nhân thoát vị đĩa đệm phối hợp đặt dụng cụ silicon liên cung sau giúp hỗ trợ cột sống sau mổ, hoặc khi thoát vị đĩa đệm có kèm theo mất vững cột sống, hẹp ống sống nặng hoặc đĩa đệm của bạn bị “hỏng”, bị xẹp quá nhiều, phương pháp phẫu thuật mổ mở lấy bỏ đĩa đệm hỏng và nhân thoát vị kết hợp đặt miếng ghép thay thế và bắt vít cố định cột sống sẽ được đặt ra.


Hơn nữa, thời gian gần đây tại khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), các bác sĩ đã triển khai phẫu thuật thay thế đĩa đệm nhân tạo cột sống thắt lưng-cùng và bước đầu cho kết quả rất khả quan, hoặc sử dụng kỹ thuật bắt vít cột sống có sử dụng sự hỗ trợ định vị chính xác của robot, một công nghệ rất tiên tiến với độ chính xác và an toàn rất cao.


BS Trần Quốc Khánh cho biết, cũng như tất cả các phẫu thuật khác, các phương pháp phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống đều có những nguy cơ chung của một ca phẫu thuật thông thường như tai biến của gây mê, gây tê (dị ứng thuốc, sốc thuốc..), của phẫu thuật (nhiễm trùng, chảy máu..) và thậm chí là tử vong. Với phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng-cùng còn phải đối mặt với những tai biến, biến chứng đặc thù như rách màng cứng trong mổ gây rò dịch não tủy, gây nhiễm trùng và viêm màng não, tổn thương các dây thần kinh gây yếu chân, rối loạn đại tiểu tiện, tổn thương các mạch máu trong ổ bụng…


“Tuy vậy, bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cũng chớ quá lo lắng, hãy đưa ra quyết định phẫu thuật sớm khi khi tình trạng bệnh lý thoát vị đĩa đệm cột sống của mình đã có chỉ định phẫu thuật. Việc phẫu thuật một cơ thể con người là một vấn đề rất quan trọng và đòi hỏi độ an toàn rất cao, tất cả các phẫu thuật viên cũng như toàn bộ ê-kíp phẫu thuật luôn chuẩn bị hết sức chu đáo trước mỗi ca mổ nhằm hạn chế tối đa các tai biến và biến chứng có thể xảy ra”, BS Trần Quốc Khánh chia sẻ.


Phương Liên/Báo Tin Tức
Bệnh nhân thoát vị đĩa đệm phục hồi nhanh nhờ phương pháp phẫu thuật bắt vít qua da
Bệnh nhân thoát vị đĩa đệm phục hồi nhanh nhờ phương pháp phẫu thuật bắt vít qua da

Ngày 7/4, các bác sĩ bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật điều trị thành công ca thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp bắt vít qua da. Đây là phương pháp điều trị tiên tiến, ít xâm lấn giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN