'Tẩy chay vắc xin' là vi phạm Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm

Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện trào lưu "Nói không với vắc xin”, chia sẻ các thông tin chưa kiểm chứng về việc vắc xin gây động kinh, tự kỷ ở trẻ. Đặc biệt, họ cho rằng như vậy hệ miễn dịch trẻ vẫn có thể tự đối phó được với mọi dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh vấn đề này.

Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu, giúp trẻ phòng tránh nhiều bệnh dịch nguy hiểm. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN


Đứng trên phương diện pháp luật, những người kêu gọi "Tẩy chay vắc xin" có vi phạm quy định Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm không, thưa bà?


Theo Quy định tại Điều 29, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm ban hành ngày 21/11/2007 quy định: Trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng. Cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em và mọi người dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ sở y tế có thẩm quyền trong việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.


Như vậy, việc tiêm chủng các vắc xin cơ bản trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng là cần thiết và là yêu cầu bắt buộc đối với trẻ em và phụ nữ có thai để đảm bảo những thế hệ trẻ em khỏe mạnh. Đồng thời, đưa trẻ đi tiêm chủng không chỉ là quyền lợi của trẻ mà còn là trách nhiệm của cha mẹ đã được Luật quy định.


Việc tuyên truyền sai sự thật về lợi ích của việc tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý của các bậc cha mẹ và sự việc sẽ rất nghiêm trọng nếu nhiều trẻ không được tiêm chủng đầy đủ. Khi đó, trẻ nhỏ, cộng đồng không được bảo vệ vì hệ lụy tất yếu là bệnh dịch sẽ quay trở lại.


Vậy bà có nhận định gì về trào lưu tẩy chay vắc xin trên mạng xã hội với sự tham gia của không ít các bà mẹ (qua các fanpage anti vắc xin)?


Thời gian vừa qua, trên mạng xã hội cũng như báo chí đã phản ánh về việc một số người có quan điểm cá nhân trái chiều đối với việc phòng bệnh bằng vắc xin. Đây là những tư tưởng sai lầm và có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho trẻ nhỏ và cả cả cộng đồng.


Khi đạt tỷ lệ cao, tiêm chủng không chỉ giúp cho những người được tiêm chủng không mắc bệnh mà còn phòng bệnh cho những người không thể tiêm chủng do chống chỉ định, do đang điều trị các bệnh cấp tính, trẻ nhỏ chưa đến độ tuổi tiêm chủng…


Tôi khẳng định, nếu không tiêm chủng hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp thì bản thân trẻ và những đối tượng nêu trên sẽ là những người có nguy cơ cao mắc bệnh. Trẻ nhỏ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong khi sức đề kháng của các cháu còn yếu dễ bị các biến chứng nguy hiểm của bệnh. Tình hình dịch sởi xảy ra trong năm 2014 với các trường hợp tử vong đáng tiếc ở trẻ nhỏ cho thấy việc tiêm chủng muộn, không tiêm chủng đủ mũi hoặc không tiêm chủng khiến cho nhiều trẻ có nguy cơ mắc bệnh và dịch có cơ hội lây lan ra cộng đồng.


Trong suốt 30 năm triển khai công tác tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam đã cho thấy việc sử dụng vắc xin là an toàn, một vài phản ứng nghiêm trọng chỉ là hãn hữu. Vắc xin trước khi đưa ra sử dụng tiêm chủng cho cộng đồng đều được kiểm tra rất nghiêm ngặt và phải đảm bảo chất lượng và an toàn.


Cùng với việc duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao thì chất lượng tiêm chủng ngày càng được tăng cường, đặc biệt ở những vùng miền núi khó khăn. Nhờ đó mà Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được thành quả tiêm chủng, góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe trẻ em Việt Nam.


Nhưng nhiều bà mẹ chia sẻ, dù không tiêm chủng song con cái họ vẫn khỏe mạnh nê khuyến khích người khác hành động tương tự. Vậy nếu trẻ nhỏ không được tiêm vắcxin phòng các loại bệnh thì hệ miễn dịch có thể chống chọi được với tình hình bệnh dịch hiện nay không?


Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh chủ động cho cá nhân người được tiêm. Khi tỷ lệ tiêm chủng ở mức cao thì cộng đồng được bảo vệ phòng chống những tác nhân gây bệnh là vi khuẩn và virút.


Nhờ vậy, một tỷ lệ nhỏ các cá nhân trong cộng đồng mặc dù không được tiêm chủng do các nguyên nhân chống chỉ định (suy giảm miễn dịch bẩm sinh, mắc phải, dị ứng với các thành phần vắc xin, đang mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính…) hoặc chưa đến tuổi tiêm chủng cũng được bảo vệ nhờ hiệu quả gián tiếp của vắc xin ở một số thời điểm nhất định.


Nhưng khi tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng giảm xuống, hiệu quả gián tiếp bị phá vỡ, những người không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ này trở thành nhóm nguy cơ cao mắc bệnh.

Nhờ tỷ lệ tiêm chủng đạt mức cao trên 90% trong nhiều năm qua, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, đạt mục tiêu loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và đến nay vẫn tiếp tục duy trì thành quả này. Thành công của công tác Tiêm chủng mở rộng đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em. Nếu so sánh năm 2016 với năm 1984, tỷ lệ mắc các bệnh trong tiêm chủng trên 100.000 dân giảm rõ rệt: Bệnh bạch hầu giảm 410 lần; bệnh ho gà giảm 844 lần; bệnh sởi giảm 3.010 lần.


Trẻ nhỏ không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ có nguy cơ cao nhất mắc bệnh truyền nhiễm và có thể để lại các di chứng nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Ví dụ như trẻ mắc Viêm não Nhật Bản sẽ rất dễ ảnh hưởng đến tâm thần và trí tuệ; trẻ mắc bệnh bại liệt sẽ để lại di chứng liệt suốt đời, trẻ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh sẽ mắc đa dị tật và là gánh nặng cho gia đình và xã hội…


Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp do biến đổi khi hậu, mật độ dân cư, giao lưu quốc tế ngày càng lớn thì bệnh dịch luôn tiềm ẩn nguy cơ lây truyền và bùng phát trong cộng đồng. Bên cạnh đó, nguy cơ xâm nhập bệnh truyễn nhiễm từ các quốc gia lân cận cũng rất cao.


Ví dụ như Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt - không còn vi rút bại liệt hoang dại ở nước ta trong 17 năm nay; tuy nhiên, trước bối cảnh giao lưu hiện nay chúng tôi vẫn khuyến cáo việc xâm nhập vi rút bại liệt hoang dại vào Việt Nam là rất cao. Chỉ có duy trì miễn dịch cộng đồng cao trên 95% đặc biệt ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi mới có thể phòng tránh được căn bệnh nguy hiểm này.


Xin cảm ơn bà!


Phương Liên/Báo Tin Tức
Bộ Y tế nói gì trước trào lưu phản đối vắc xin?
Bộ Y tế nói gì trước trào lưu phản đối vắc xin?

Gần đây, mạng xã hội xuất hiện nhiều cá nhân, hội nhóm kêu gọi chống tiêm vắc xin cho trẻ, chia sẻ các thông tin chưa kiểm chứng của tổ chức nước ngoài về việc vắc xin gây động kinh, tự kỷ ở trẻ. Do vậy, nhiều bà mẹ hoang mang, dao động, không cho con đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN