Sốt xuất huyết và viêm não Nhật Bản đang gia tăng, tình trạng bệnh nặng hơn

Thời tiết thất thường đang là điều kiện thuận lợi giúp cho một số loại bệnh truyền nhiễm gia tăng nhanh chóng như bệnh sốt xuất huyết, vi rút zika, viêm não và bệnh tay chân miệng.

Qua ghi nhận tại bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), số bệnh nhi nằm viện do mắc sốt xuất huyết đang gia tăng, đặc biệt có nhiều ca nặng. Chỉ tính trong ngày 28/6, bệnh viện có 116 bệnh nhi đang nằm điều trị nội trú, trong đó có 9 ca bị sốc sốt xuất huyết với các biểu hiện như mạch nhanh, khó bắt mạch, tụt huyết áp.


Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết các trường hợp sốc sốt xuất huyết là do tình trạng thất thoát huyết tương, xuất hiện trong thời điểm bé bắt đầu hạ sốt nhưng tình trạng bệnh của bé không đỡ với các triệu chứng như đau bụng nhiều, nôn ói, bé không chịu ăn uống, không chịu chơi, quấy khóc, bứt rứt khó chịu… Tuy nhiên, hầu hết các ca sốc này đều được phát hiện và điều trị kịp thời.


Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, bắt đầu từ tháng 6, các ca sốt xuất huyết bắt đầu tăng 10% – 15% so với tháng trước, trung bình có 70 – 72 ca nhập viện mỗi tuần vì sốt xuất huyết, trong đó 10% là các ca nặng và đang có xu hướng tăng nhẹ. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã có 2 ca tử vong do sốt xuất huyết, đều là các ca được chuyển đến từ các tỉnh và diễn tiến bệnh quá nặng.

Số bệnh nhi bị sốt xuất huyết nặng phải nhập viện điều trị nhiều hơn so với những năm trước.

Tương tự, tại khoa Nhiễm C bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP Hồ Chí Minh, các bác sĩ điều trị cho biết chỉ trong thời gian ngắn, số ca mắc sốt xuất huyết tăng gấp đôi so với cùng kỳ và các ca mắc điều trị lâu hơn, phức tạp hơn do tự ý điều trị tại nhà trước khi nhập viện.


Phác đồ của bệnh sốt xuất huyết, thông thường sau khi được điều trị khoảng 7 ngày bệnh nhân có thể xuất viện và thường sau ngày thứ 3 bệnh nhân sẽ hết sốt. Theo đó, tiểu cầu chỉ giảm sâu vào những ngày bệnh nặng, tới ngày thứ 6 hoặc 7 sẽ hồi phục. Tuy nhiên, theo bác sĩ Lương Thị Huệ Tài, Trưởng khoa Nhiễm C bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP Hồ Chí Minh, số bệnh nhân bị nặng nhiều hơn so với năm trước, tỷ lệ xuất viện sau ngày thứ 8 khá cao. Nhiều bệnh nhân tới ngày thứ 6-7 vẫn còn sốt, thậm chí tiểu cầu không đi theo đường biểu diễn thông thường mà nó trồi sụt, giảm rất sâu.


Bên cạnh đó, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế Dự Phòng TP Hồ Chí Minh, cho biết hiện nay đang trong giai đoạn mùa mưa bão bắt đầu, thậm chí mưa sớm hơn lúc trước và trên bối cảnh bệnh sốt xuất huyết đang lưu hành ở khu vực miền Nam cho nên đây sẽ là điều kiện làm gia tăng nguy cơ bệnh sốt xuất huyết, đồng thời có thể làm gia tăng đến những bệnh khác liên quan đến muỗi như vi rút zika, hay bệnh viêm não Nhật Bản cũng có thể xuất hiện đặc biệt là ở những khu vực có khả năng mầm bệnh.


Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh, trong khoảng 5 tuần gần đây số ca sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng hàng tuần. Trung bình số ca nhập viện tăng lên khoảng 20 -30% ca/tuần. Ghi nhận tuần 25, thành phố có 339 ca sốt xuất huyết phải nhập viện, tăng 38% so với những tuần trước đó. Trong tuần cũng ghi nhận một trường hợp tử vong do sốt xuất huyết tại quận Bình Tân. Tổng số ca mắc sốt xuất huyết nhập viện tại TP Hồ Chí Minh từ đầu năm đến nay là  8.672 ca, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 3 ca tử vong.


Không chỉ sốt xuất huyết mà bệnh tay chân miệng cũng đang có dấu hiệu gia tăng. Trong tuần qua, thành phố ghi nhận 114 ca mắc tay chân miệng, tăng 20% so với tuần trước đó. Bên cạnh đó, theo các bác sĩ, số ca nhập viện do viêm não Nhật Bản cũng đang gia tăng và tình trạng bệnh cũng nặng hơn. 


Từ đầu năm đến nay tại khoa Nhiễm - Thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận 25 ca viêm não Nhật Bản, chiếm 50% tổng số ca mắc các bệnh viêm não, viêm màng não. Còn tại bệnh viện Nhi Đồng 2, từ đầu năm đến nay cũng điều trị cho 7 trường hợp trẻ mắc viêm não Nhật Bản và đa số trẻ đều ở tình trạng bệnh nặng.


Đan Phương/Báo Tin Tức
Không kiểm soát được dịch bệnh, đừng nói tới xuất khẩu thịt lợn
Không kiểm soát được dịch bệnh, đừng nói tới xuất khẩu thịt lợn

Mọi xúc tiến thương mại để xuất khẩu lợn chính ngạch đều vô nghĩa nếu ngành thú y hai nước không thông thương. Bài học “xương máu” của chúng tôi là hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu sang Singapore nhưng cơ quan thú y nước này trả lời là không xem xét hồ sơ của Việt Nam vì còn dịch lở mồm long móng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN