Rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân

Sau một năm triển khai thực hiện Quyết định số 1313/QĐ-BYT về hướng dẫn qui trình khám bệnh tại bệnh viện, ngành y tế đã có nhiều đổi mới về thủ tục hành chính, thời gian chờ đợi; đặc biệt là tại khoa khám bệnh của các bệnh viện bước đầu đã giảm phiền hà và thời gian chờ đợi cho người dân.

"Lòng vòng" qui trình khám bệnh - đâu là nguyên nhân?

Tiến sỹ Nguyễn Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Trực tiếp thị sát tại các bệnh viện cho thấy tình trạng "lòng vòng" trong qui trình khám bệnh, người bệnh phải thực hiện nhiều bước, làm nhiều thủ tục trước khi được vào khám, kéo dài thời gian chờ đợi không cần thiết của người bệnh (trung bình 12 - 15 bước). Tại các khoa khám bệnh, người bệnh phải chờ đợi, chen lấn khi làm thủ tục và thường phải chờ đợi từ 6 - 10 tiếng mới đến lượt vào khám, thậm chí chờ lâu mà không có thông tin đến lượt được vào khám bệnh. Những bệnh đơn thuần không yêu cầu nhiều xét nghiệm hiện đại cũng phải mất cả ngày.

Ảnh minh họa. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát đánh giá qui trình khám bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh và xác định nguyên nhân cơ bản của tình trạng chờ đợi kéo dài của người bệnh. Qua đó cho thấy các nguyên nhân chính là: Thiếu thông tin hướng dẫn, thiếu bộ phận, người hướng dẫn ban đầu cũng như các bước của qui trình khám bệnh; người bệnh phải tự photocopy nhiều giấy tờ trước và trong khi khám bệnh để nộp cho bệnh viện (như: bảo hiểm y tế, chứng minh nhân dân, giấy chuyển viện...). Bệnh viện chưa tiến hành phân loại người bệnh theo mức độ ưu tiên về tuổi, tình trạng nặng - nhẹ của bệnh; người bệnh phải tự lấy kết quả xét nghiệm cận lâm sàng, thăm dò chức năng để chuyển về cho bác sỹ khám trước khi chẩn đoán bệnh. Bên cạnh đó, qui trình khám bệnh không bảo đảm tính liên hoàn, tiện lợi giữa các bộ phận (tiếp đón, khám bệnh, lấy bệnh phẩm xét nghiệm, thăm dò chức năng và chẩn đoán hình ảnh; đặc biệt là nơi lấy bệnh phẩm xét nghiệm (máu, nước tiểu...) có tần suất sử dụng lớn nhưng lại được đặt ở vị trí xa hoặc khó tìm. Người bệnh phải nộp tiền quá nhiều lần, đặc biệt là đối tượng có bảo hiểm y tế. Ngoài việc phải làm thủ tục xác nhận thẻ bảo hiểm y tế, giữ thẻ nhưng vẫn phải đóng tiền tạm ứng trước khám và lẻ tẻ trong khi khám, sau mỗi lần được chỉ định xét nghiệm. Thiếu sự phối hợp giữa y tế và bảo hiểm xã hội trong việc ràng buộc trách nhiệm trước nguy cơ thất thoát viện phí trong trường hợp người bệnh vì chủ quan hoặc khách quan không nộp bù viện phí (người có thẻ bảo hiểm y tế); các biểu mẫu thanh toán giữa bệnh viện với người bệnh, chứng từ giữa bệnh viện với bảo hiểm xã hội phải được ký xác nhận bởi quá nhiều đối tượng (5 chữ ký/phiếu thanh toán ra viện).

Qui trình khám bệnh đã giảm trung bình 40 phút/người bệnh

Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1313/QĐ-BYT về hướng dẫn qui trình khám bệnh tại bệnh viện nhằm thống nhất qui trình khám bệnh của các bệnh viện; hướng dẫn thủ tục trong khám bệnh, rút ngắn thời gian chờ, tránh gây phiền hà và tăng sự hài lòng của người bệnh, đặc biệt đối với người bệnh bảo hiểm y tế; đồng thời giúp người bệnh biết rõ qui trình để cùng phối hợp với bệnh viện trong quá trình khám bệnh. Nội dung cải tiến tập trung vào một số nội dung như: Thống nhất qui trình khám bệnh tại tất cả các bệnh viện đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế và người bệnh khám chữa bệnh theo yêu cầu (qui trình cơ bản gồm 4 - 8 bước tùy theo tính chất của bệnh và yêu cầu của bác sỹ đối với các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán). Cắt giảm một số thủ tục hành chính như: Bệnh viện phải photocopy giấy tờ cần thiết thay vì yêu cầu người bệnh phải tự photocopy; người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế không phải đóng tiền tạm ứng (trừ trường hợp người bệnh đề nghị được khám chữa bệnh theo yêu cầu); bệnh viện phải bố trí người tiếp đón, chỉ dẫn kèm theo công khai qui trình khám bệnh, bảng giá viện phí ở nơi dễ quan sát. Sau khi làm xét nghiệm người bệnh không phải chờ để tự lấy kết quả xét nghiệm (trừ kết quả chẩn đoán hình ảnh); cắt giảm 2/5 chữ ký trong phiếu thanh toán viện phí khi ra viện. Đồng thời, bệnh viện tăng số bàn khám để giảm số lượng khám trên mỗi bàn, giúp bác sỹ có thể tăng thời gian khám, tư vấn cho người bệnh...

Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Ân (Bình Định), 7 phòng khám chưa có bác sĩ. Các y sĩ phải khám, chữa bệnh cho khoảng 170 - 200 lượt bệnh nhân/ngày. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN.


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Sau 1 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1313/QĐ-BYT về hướng dẫn qui trình khám bệnh tại bệnh viện, ngành y tế đã đổi mới nhiều thủ tục hành chính như rút ngắn thời gian chờ đợi, mở thêm nhiều phòng khám, giảm bớt thủ tục hành chính, đặc biệt ở khoa khám chữa bệnh, tránh phiền hà cho người bệnh, khuyến khích người tham gia bảo hiểm y tế.

Tiến sỹ Nguyễn Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Bộ Y tế đã khảo sát sơ bộ 320 bệnh viện (khoảng 25% tổng số bệnh viện trên cả nước) cho thấy 62% số bệnh viện tiến hành cải tạo, mở rộng, bố trí thêm buồng khám tại khoa khám bệnh; 470 buồng khám được bổ sung so với thời điểm trước cải tiến; 75% số bệnh viện có tiến hành khảo sát đo lượng thời gian khám bệnh. Đặc biệt, việc cải tiến qui trình khám bệnh đã giảm được thời gian khám bệnh trung bình là 40 phút/người bệnh. Thời gian tới, ngành y tế tiếp tục cải cách thủ tục hành chính nhằm hạn chế tối đa các thủ tục không cần thiết, giảm bớt phiền hà cho người bệnh; đặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan đến bảo hiểm y tế (chuyển viện, tạm ứng, thanh quyết toán bảo hiểm y tế); rà soát, sắp xếp lại các qui trình lấy mẫu, vận chuyển và trả kết quả, tiếp tục rút ngắn thời gian chờ đợi cho bệnh nhân; đồng thời đầu tư thiết bị và nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai các hoạt động khám bệnh; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện cải tiến qui trình khám chữa bệnh. Bộ Y tế đang nghiên cứu rà soát và xây dựng kế hoạch cải tiến, chuẩn hoá qui trình tiếp nhận, xử lý đối với các ca cấp cứu, hồi sức, phẫu thuật, nhằm giảm tối đa thời gian chờ - thời gian "vàng" của người bệnh trước khi được cấp cứu, hồi sức và phẫu thuật.


Thu Phương
Quá tải bệnh viện: Không tin tuyến dưới, dồn lên tuyến trên
Quá tải bệnh viện: Không tin tuyến dưới, dồn lên tuyến trên

"Hơn 30% bệnh nhân vượt tuyến để khám và điều trị khiến cho các bệnh viện tuyến trên ở phía Nam trở nên quá tải hơn các bệnh viện phía Bắc. Vấn đề ở chỗ người dân vẫn chưa tin tưởng vào y tế tuyến dưới".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN