Nơi nuôi hy vọng cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo

Tuy mới thành lập chính thức hơn một năm nhưng Đơn vị lọc máu thuộc Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng (tại thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng) đã trở thành địa chỉ tin cậy, nuôi dưỡng niềm hy vọng cho các bệnh nhân mắc bệnh suy thận mãn tính, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo ở địa phương.

Chạy thân nhân tạo cho bệnh nhân tại Đơn vị lọc máu bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng.

Bệnh nhân như người nhà

Gần 12 giờ đêm, điều dưỡng Nguyễn Thị Nga Hương và ekip trực vẫn đang miệt mài chuẩn bị máy móc, thiết bị lọc máu cho bệnh nhân. Trong phòng của Đơn vị lọc máu, không khí ấm áp dường như xua đi từng đợt gió lạnh nửa đêm.

Vừa đặt ven lấy máu cho bệnh nhân xong, điều dưỡng Hương bộc bạch: “Bệnh nhân suy thận mãn phải đối diện với rất nhiều khó khăn cả về gia cảnh và sức khỏe nên hầu hết anh chị em làm việc tại đây đều sẵn lòng chia sẻ về vật chất lẫn tinh. Lịch lọc máu đều đặn 3 lần một tuần nên mọi người cứ như người trong nhà, khi thì chúng tôi giúp họ lấy cơm miễn phí, khi lại huy động tiền bạc, vận động mạnh thường quân tặng quà cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn”.

Giữa mỗi lượt lọc máu, máy sẽ được nghỉ khoảng 45 phút để lọc rửa và thay dụng cụ. Gọi là được nghỉ nhưng cả máy lẫn người vẫn làm việc để chuẩn bị cho lượt bệnh tiếp theo. Mỗi lượt lọc móc kéo dài từ 3 - 4 giờ đồng hồ gồm quy trình rút máu, lọc máu sau đó trả máu lại người bệnh. Đây cũng là thời gian mà các y bác sỹ phải căng mình theo dõi, trò truyện với bệnh nhân để họ quên đi lo lắng.

Nữ điều dưỡng Lại Thị Thu Thủy cho biết: “Khi chu trình lọc máu bắt đầu thì phần việc chủ yếu do máy móc làm. Tuy nhiên những thông số kỹ thuật, chỉ số huyết áp đều phải được theo dõi sát sao để tránh những tai biến trong quá trình rút đi một lượng máu lớn của người bệnh”.

Trong câu chuyện của mình, bác sỹ Moul Thoàn (Trưởng Đơn vị lọc máu, Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng) nhắc đi nhắc lại “làm trên tinh thần phục vụ là chính”. Bởi lẽ, đến đây điều trị chủ yếu là người nghèo, họ chỉ chi trả theo đúng chế độ bảo hiểm y tế, còn không phải trả bất cứ một khoảng nào như khi đi chạy thận ở những nơi khác.

“Thường thì giữa bệnh nhân và y bác sỹ ở đây có sự liên hệ rất mật thiết. Có bất kỳ dấu hiệu gì bất thường khi đang ở nhà là họ gọi ngay để hỏi. Ngược lại, chúng tôi cũng hay gọi cho người bệnh để nhắc họ đến lọc máu khi thấy bỏ tua”, bác sỹ Moul Thoàn tâm sự.

Cần thêm những “quả thận nhân tạo”

Đơn vị lọc máu là tên gọi mới kể từ khi bộ phận lọc máu được tách riêng ra khỏi Khoa Hồi sức Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng. Đây cũng được xem là bước đệm để chuẩn bị cho việc thành lập Khoa thận nhân tạo của bệnh viện trong thời gian tới.

Hiện tại, đơn vị có 9 máy lọc máu, 2 bác sỹ và 10 điều dưỡng chia thành 2 ca trực/ngày. Bình quân mỗi ngày, một chiếc máy chạy thận tại đây phải hoạt động 5 ca, tương ứng với 5 lượt bệnh nhân. Từ 4 giờ 30 sáng đến tận 24 giờ, có khi đến 3 giờ sáng hôm sau, hai ca làm việc của các y bác sỹ cứ thế tiếp diễn không một phút nào ngưng nghỉ.

Dù mới 35 tuổi nhưng chị Ka Soa (xã Gia Bắc, huyện Di Linh, Lâm Đồng) đã có đến 9 năm phải chạy thận nhân tạo. Trong suốt những năm qua, bình quân mỗi tháng chị phải đi lọc máu 12 lần. Kể từ khi có máy lọc máu tại bệnh viện Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng, quãng đường Ka Soa đi điều trị rút ngắn lại chỉ còn 80km nhưng cũng không ít lần chị thấy nản lòng.

“Bệnh tật, sức khỏe yếu nên lúc nào tôi cũng nghĩ mình là gánh nặng cho gia đình. Đôi khi muốn từ bỏ chữa trị nhưng được các y bác sỹ và người nhà động viên nên tôi cố gắng điều trị cho đến nay”, bệnh nhân Ka Soa tâm sự.

Ngoài chị Ka Soa, hơn 80 bệnh nhân suy thận mãn đang phải sống nhờ vào những quả thận nhân tạo tại đơn vị lọc máu này. Người gần thì ở ngay trung tâm thành phố Bảo Lộc, xa hơn thì có Di Linh, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Cát Tiên...

Ngoài số bệnh nhân điều trị cố định, danh sách chờ chính thức để được chạy thận là 87 người, còn số người đến hỏi rồi đi nơi khác chạy thận là nhiều vô kể.

Như trường hợp của bệnh nhân Đoàn Thị Rõ (43 tuổi, ở huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng) đang điều trị tại Bảo Lộc nhưng con trai của bà phải chạy thận ở TP Hồ Chí Minh.

“Trước đây tôi cũng điều trị ở TP Hồ Chí Minh mất mấy năm nhưng từ khi được về Bảo Lộc đỡ tốn kém nhiều lắm. Giờ tôi chỉ mong sao bệnh viện có thêm máy chạy thận để con tôi có thể chuyển về điều trị cho gần”, bà Rõ nói.

Theo thông tin từ bác sỹ Huỳnh Ngọc Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng, khi chuyển về vị trí mới bệnh viện sẽ chính thức thành lập Khoa thận nhân tạo. Đến lúc đó Khoa sẽ được đầu tư, trang bị máy móc đáp ứng nhu cầu điều trị của nhiều bệnh nhân tại địa phương.

Đây là tin vui cho những bệnh nhân đang lọc máu tại Bệnh viện II Lâm Đồng và cả những người bệnh đang mong muốn được về điều trị lâu dài tại Bệnh viện.

Bài và ảnh: Nguyễn Dũng (TTXVN)
Bệnh nhân chạy thận cần biết điều này để tránh tử vong
Bệnh nhân chạy thận cần biết điều này để tránh tử vong

Việc bổ sung hoa quả vốn rất tốt cho cơ thể nhưng với bệnh nhân chạy thận nhân tạo nhiều khi lại là một vấn đề rất nguy hiểm, sẽ khiến bệnh nhân tăng kali máu và tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN