Nỗ lực tầm soát bệnh lao

Để khắc phục tình trạng tỷ lệ trẻ em mắc lao còn cao và người mắc lao kháng thuốc, bỏ điều trị dẫn đến điều trị không đạt hiệu quả, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chương trình dự phòng cho trẻ và giúp người mắc lao tuân thủ quy trình điều trị.

Sử dụng phần mềm tin nhắn

Từ năm 2014, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Chương trình Chống lao TP Hồ Chí Minh đã kết hợp với Tổ chức sáng kiến Tiếp cận Y tế Clinton (CHAI) triển khai hệ thống phần mềm hỗ trợ bệnh nhân bằng tin nhắn SMS. Nghĩa là, hàng tháng trước ngày tái khám 2 ngày, người bệnh sẽ nhận được tin nhắn nhắc nhở về việc tái khám, uống thuốc; cung cấp thông tin cần thiết cho bệnh nhân… Chương trình này đã được triển khai cho cả 24 quận, huyện của thành phố.

Khám cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Lao Phạm Ngọc Thạch (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Phương Vy-TTXVN


Theo ông Đặng Minh Sang, Trưởng phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, đối với người bị lao kháng thuốc, sau 6 tháng điều trị liên tục tại các tổ chống lao, bệnh nhân được gửi về các Trạm y tế để nhận thuốc. Mặc dù vậy, hàng tháng người bệnh vẫn phải tới các phòng chống lao của quận, huyện để tái khám và xét nghiệm (trong vòng 19 - 24 tháng). Với quy trình điều trị như vậy, việc “mất dấu” bệnh nhân khi chuyển bệnh nhân giữa các cơ sở y tế cũng như người bệnh không nhớ ngày nào phải tái khám, ngày nào phải xét nghiệm là điều dễ xảy ra. Trên thực tế, trước đây, việc người bệnh không quay lại các khoa lao quận, huyện để tái khám và xét nghiệm vẫn còn. Bên cạnh đó, không ít trường hợp mắc lao kháng thuốc sau một thời gian điều trị thấy mình không còn dấu hiệu của bệnh, sức khỏe tốt hơn nên đã tự bỏ điều trị giữa chừng. Từ khi triển khai dự án hỗ trợ bệnh nhân bằng tin nhắn, việc điều trị cho người mắc lao kháng thuốc đi vào ổn định, tỷ lệ tái khám tăng lên. Tại quận 8, nhờ triển khai dự án mà tỷ lệ bệnh nhân tái khám tăng 10% so với trước đây.

Vốn từng được điều trị hết bệnh lao (do lây từ người thân) nhưng sau đó lại tái phát, Lưu Tuấn C, sinh năm 1989 ngụ tại quận Tân Phú tham gia dự án chia sẻ: “Việc điều trị kéo dài do mắc lao kháng thuốc khiến em thấy rất phiền toái. Nhưng từ khi tham gia chương trình, nhận được tin nhắn “nhắc nhở” em thấy mình được quan tâm, chia sẻ nên càng có thêm quyết tâm điều trị bệnh. Hơn nữa, nhờ có tin nhắn, em đã không quên uống thuốc và luôn tái khám đúng quy định”.

Dự phòng cho trẻ

Cuối năm 2013, TP Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai chương trình dự phòng lao cho trẻ em. Đối tượng của chương trình là trẻ em từ 0 - 4 tuổi tiếp xúc trực tiếp với người thân mắc lao. Đến nay, nhiều trẻ có tiếp xúc trực tiếp với người bị lao đã tiếp cận với các tổ phòng chống lao để được uống thuốc dự phòng lao.

Cũng theo ông Đặng Minh Sang, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đang điều trị cho 360 trẻ mắc lao (bao gồm cả trẻ ở thành phố và các tỉnh khác ở miền Nam), trong số đó có nhiều trường hợp trẻ bị lao do lây từ người thân. Do vậy, việc cho trẻ có tiếp xúc thường xuyên với người bị lao uống thuốc dự phòng lao trong vòng 6 tháng là vô cùng cần thiết. Vì thế, chương trình phòng chống lao thành phố đã phối hợp với các đơn vị chăm sóc sức khỏe sinh sản và trẻ em lên danh sách trẻ ở những gia đình có người mắc lao. Dựa trên danh sách đó, các nhân viên y tế đã tới từng gia đình vận động họ đưa con em đến các cơ sở y tế xét nghiệm lao, đồng thời tư vấn cho họ lợi ích của việc trẻ được uống thuốc dự phòng lao. Sau khi xét nghiệm, nếu bị lao trẻ sẽ được điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Còn trường hợp trẻ âm tính sẽ được đưa về các khoa phòng chống lao ở các quận, huyện để được uống thuốc dự phòng lao. Tuy mới triển khai nhưng hiện đã có hơn 62% số trẻ có tiếp xúc trực tiếp với người thân bị lao được uống thuốc dự phòng lao.

Anh Đoàn Hữu Ph, một người bị lao ở quận Tân Phú chia sẻ: “Sau khi biết mình bị lao tôi rất lo lắng vì sợ con của mình sẽ bị lây nhiễm. Do vậy, khi được nhân viên y tế khuyên nên cho con uống thuốc dự phòng lao tôi đã thực hiện ngay. Nhờ được uống thuốc dự phòng lao mỗi ngày trong vòng 6 tháng, đến nay sức khỏe của bé vẫn bình thường, gia đình tôi cũng cảm thấy an tâm”.

Bên cạnh việc triển khai phần mềm nhắc nhở bệnh nhân lao và dự phòng lao cho trẻ, TP Hồ Chí Minh cũng thực hiện việc mở rộng tầm soát và xét nghiệm chẩn đoán bệnh lao trên diện rộng. Các tổ phòng chống lao sẽ tổ chức khám bệnh kết hợp xét nghiệm cho người lao động tại các đơn vị sản xuất làm việc trong môi trường có nguy cơ gây bệnh lao cao như ngành dệt, may…

Lan Phương

Không để thiếu thuốc trong công tác điều trị bệnh lao
Không để thiếu thuốc trong công tác điều trị bệnh lao

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại hội nghị triển khai chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN