Nỗ lực đổi mới để nâng cao hiệu quả toàn hệ thống y tế

Bước vào năm 2017, Bộ Y tế tiếp tục triển khai hàng loạt các giải pháp đồng bộ để bảo đảm phát triển hệ thống y tế Việt Nam hướng tới Công bằng – Hiệu quả và Chất lượng bền vững.

“Trong thời gian vừa qua, tôi đã đi hết 63 tỉnh, thành phố, trong đó nhiều tỉnh, thành phố đã đi 2, 3 lần, tìm hiểu hoạt động của các trạm y tế xã, trung tâm y tế, bệnh viện huyện, trung tâm dân số, các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến tỉnh và thấy rằng đúng là ngoài những kết quả, thành tích đã đạt được, ngành y tế vẫn còn một số vấn đề cần phải tập trung chỉ đạo giải quyết...”.

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trước thềm năm mới 2017 về những kết quả ngành Y tế đã đạt được trong năm 2016, cũng như những những nhiệm vụ cần triển khai trong năm 2017. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm các bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Ngay từ những ngày đầu năm 2016, ngành Y tế đã khẩn trương thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm mà ngành đã đề ra, xin Bộ trưởng đánh giá vài nét về những việc ngành đã đạt được trong năm 2016. Điều gì làm Bộ trưởng tâm đắc nhất? 

Điều mang lại nhiều niềm vui nhất cho tôi là khi đi kiểm tra đột xuất tại các bệnh viện, người bệnh đã tìm gặp và trực tiếp nói với tôi về sự chuyển biến trong tinh thần, thái độ của nhân viên y tế đối với người bệnh đã tổ hơn trước; quy trình khám, chữa bệnh đã từng bước được đơn giản, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Chất lượng khám, chữa bệnh đã được nâng cao, tình trạng quá tải, nằm ghép tại một số bệnh viện lớn đã giảm, các bệnh viện huyện, tỉnh đã tăng được công suất sử dụng giường. 

Chúng tôi cũng rất mừng là các tỉnh, thành phố rất ủng hộ và quyết tâm cùng Bộ Y tế sắp xếp, kiện toàn hệ thống các đơn vị sự nghiệp y tế từ trung ương đến địa phương theo hướng tinh giản đầu mối nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, đặc biệt là tuyến cơ sở và cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống y tế. 

Toàn ngành đã làm tốt công tác phòng, chống bệnh dịch, không để dịch lớn xẩy ra ở các vùng mua lũ, hạn hán. Hiện nay chúng tôi đang tích cực chỉ đạo phòng, chống dịch tại các tỉnh miền trung bị lũ lụt như Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi… 

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký quyết định phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Đây là cơ sở để đổi mới, thay đổi hoạt động của trạm y tế xã theo hướng thực hiện việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, theo dõi, quản lý sức khỏe đến từng người dân. 

Một vấn đề nữa là Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt, ngành Y tế, Bảo hiểm xã hội cố gắng, người dân quan tâm đến sức khỏe nên đã có 80,8% dân số có bảo hiểm y tế. 

Bên cạnh những việc đã làm được, ngành y tế vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nào thưa Bộ trưởng? 

Bên cạnh những việc đã làm được, ngành y tế vẫn đang đối mặt với nhiều vấn đề đáng quan tâm. 

Thứ nhất, hiệu quả hay công suất hoạt động của các cơ sở y tế tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu dẫn đến người dân phải vượt tuyến lên tuyến trên, vừa tốn kém, lãng phí vừa làm quá tải tuyến trên. 

Thứ hai, mặc dù chúng ta nói phòng bệnh hơn chữa bệnh nhưng cả người dân và hệ thống y tế vẫn chưa thực hiện tốt chủ trương này, chưa nói đến hiện nay phải nâng cao sức khỏe để hạn chế bệnh tật, tư tưởng có bệnh mới chữa vẫn còn. Nhiệm vụ của ngành Y tế là làm thế nào để mọi người dân và toàn xã hội đều hiểu là phải nâng cao ý thức, tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe trước, thực hiện tốt công tác phòng bệnh, dự phòng tích cực. 

Thứ ba, chúng ta có hệ thống hơn 11.000 trạm y tế xã nhưng chưa có cơ chế hoạt động hiệu quả. Trong thời gian tới, phải đổi mới toàn diện hoạt động của trạm y tế xã để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, phấn đấu để mọi người dân đều phải được theo dõi và quản lý sức khỏe ngay tại trạm y tế xã. 

Thứ tư, cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là các bệnh viện cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, không thể để tư duy quản lý bệnh viện thời bao cấp trong khi chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bệnh viện phải xanh – sạch – đẹp, là cơ sở để cung cấp dịch vụ, để phục vụ người bệnh chứ không phải là nơi ban ơn cho người bệnh. 

Thứ năm, về bảo hiểm y tế toàn dân, với một xã hội phát triển, tôi mong ước rằng mọi người dân đều có bảo hiểm y tế, khi đi khám, chữa bệnh chi phí do bảo hiểm y tế chi trả. Người nào không có khả năng mua bảo hiểm y tế, Nhà nước mua hoặc hỗ trợ; người có khả năng kinh tế phải tự bỏ thu nhập, tiền túi để mua bảo hiểm y tế. 

Còn nhiều vấn đề nữa nhưng tôi nghĩ rằng không thể làm ngay hết được, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt, theo đúng phương châm: chủ trương một, biện pháp mười, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các giải pháp mà Bộ Y tế đã đưa ra. 

Bước vào năm 2017, Bộ Y tế tiếp tục triển khai hàng loạt các giải pháp đồng bộ để bảo đảm phát triển hệ thống y tế Việt Nam hướng tới Công bằng – Hiệu quả và Chất lượng bền vững. Tuy vậy, ngành vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua. Đó là nguồn ngân sách cho y tế còn hạn hẹp, các dự án ODA ngày càng giảm mạnh trong khi nhu cầu bệnh viện, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng cao. 

Việc đổi mới cơ chế tài chính, huy động nguồn xã hội hóa công tác y tế đã được triển khai nhiều năm và có kết quả đáng khích lệ, song việc đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, cơ chế tổ chức quản lý, tái đầu tư cho y tế còn là những vấn đề cần nghiên cứu, hoàn thiện. 

Việc giảm quá tải bệnh viện và nâng cao sự hài lòng của người bệnh đã đạt được kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn một số nơi, một số cán bộ y tế chưa có chuyển biến tốt nên vẫn còn hiện tượng làm người bệnh không hài lòng. Qua đợt kiểm tra một số bệnh viện, một số cán bộ y tế thuộc bệnh viện Trung ương đã bị kỷ luật. Do đó, công tác truyền thông, giáo dục y tế và thanh tra, kiểm tra y tế cần phải tiến hành thường xuyên và phải nâng mức kỷ luật đối những cán bộ cố tình làm sai trái quy định và đạo đức của ngành. 

Nâng cao thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế là một trong những giải pháp trong việc đổi mới phong cách thái độ, phục vụ tại cơ sở y tế. Vậy Bộ Y tế đã và đang thực hiện việc này như thế nào? 

Điều đó là hoàn toàn đúng. “Có thực mới vực được đạo” nên việc triển khai đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế phải được gắn liền với việc nâng cao đời sống vật chất và mức thu nhập cho cán bộ y tế. 

Để nâng cao đời sống cho cán bộ, nhân viên y tế, hiện nay, Bộ Y tế đang tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, môi trường làm việc tại các bệnh viện; xây dựng môi trường bệnh viện xanh, sạch, đẹp; đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại... 

Bộ quan tâm, triển khai thực hiện lộ trình nâng giá viện phí, điều chỉnh giá dịch vụ y tế; đổi mới cơ chế tài chính tại các bệnh viện, đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, tài chính và yêu cầu các bệnh viện quan tâm đời sống vật chất cho cán bộ y tế… 

Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ có các giải pháp và chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế phù hợp với khả năng của Nhà nước và điều kiện kinh tế xã hội nhằm nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế để đáp ứng chăm sóc sức khỏe nhân dân. 

Bên cạnh nỗ lực đổi mới phong cách thái độ, phục vụ tại cơ sở y tế, vấn đề tai biến y khoa luôn là vấn đề nóng mà ngành Y tế đặc biệt quan tâm. Bộ trưởng có giải pháp gì để hạn chế tối đa những trường hợp tai biến y khoa? 

Luật Khám bệnh, chữa bệnh 40/2009/QH12 đã nêu rõ : Tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh là hậu quả gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh do sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh hoặc rủi ro xảy ra ngoài ý muốn trong khám bệnh, chữa bệnh mặc dù người hành nghề đã tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật. Luật Khám chữa bệnh cũng dành hẳn một mục trong chương 7 để quy định về “Sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh chữa bệnh”. 

Tuy nhiên, tai biến y khoa có thể do sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh như nhầm thuốc, nhầm phẫu thuật (người bệnh, vị trí, phương pháp, sót dụng cụ), chẩn đoán sai/chậm; phác đồ/quy trình không cập nhật, do nhân viên y tế (Nhân viên mới, tắc trách…). Nhưng tai biến y khoa cũng có thể do xảy ra ngoài ý muốn trong khám bệnh, chữa bệnh mặc dù người hành nghề đã tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật”. 

Trong các trường hợp xác định nguyên nhân thuộc về phía nhân viên y tế, bệnh viện, Bộ Y tế đều đã khẩn trương, nghiêm túc chỉ đạo xem xét, xử lý nghiêm minh. Điển hình là vụ mổ nhầm chân ngày 9/7/2016 tại bệnh viện Việt Đức, Giám đốc bệnh viện Việt Đức đã ký quyết định tạm đình chỉ hoạt động phẫu thuật với bác sĩ Phan Văn Hậu – phẫu thuật viên chính cho người bệnh. Vụ việc cháu Lê Thị Hà Vi (Đắc Lăk) bị cưa chân có thiếu sót trong quá trình điều trị do trình độ chuyên môn hạn chế, khi có diễn biến xấu không được xử trí kịp thời, Sở Y tế tỉnh Đắc Lắk đã kỷ luật Ban Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin, đồng thời đưa ra khung xử phạt vi phạm hành chính đối với bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin theo Nghị định 176 của Chính phủ… 

Để hạn chế tối đa xảy ra tai biến y khoa, Bộ Y tế đã đề ra nhiều giải pháp như xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Y tế hiện đang tiếp tục xây dựng Thông tư hướng về quản lý rủi ro, sự cố y khoa tự nguyện, trong đó chú trọng việc thiết lập hệ thống thu thập, báo cáo rủi ro sự cố bắt buộc và tự nguyện trong bệnh viện, dự kiến sẽ ban hành trong năm 2017. 

Bộ xây dựng các hướng dẫn, quy định cụ thể bảo đảm an toàn bệnh nhân và nhân viên y tế theo 7 lĩnh vực tại Điều 7 Thông tư 19/2013/TT-BYT. Hiện đã có dự thảo của hướng dẫn an toàn phẫu thuật, thủ thuật và phòng ngừa kiểm soát nhiễm khuẩn. 

Bên cạnh đó, Bộ xây dựng chuẩn chất lượng bệnh viện, các chuẩn chất lượng chuyên môn (hiện đang xây dựng được cho một số chuyên ngành như đơn vị đột quỵ, mổ đục thủy tinh thể…); thiết lập Tổ chức chứng nhận chất lượng bệnh viện độc lập thực hiện việc đánh giá, giám sát, kiểm định chất lượng bệnh viện một cách khách quan và được chuẩn hoá; Thực hiện đào tạo, tập huấn thay đổi văn hóa an toàn người bệnh, thay đổi tư duy xử phạt, quy lỗi cá nhân sang khuyến khích báo cáo tự nguyện. 

Bộ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để nghiên cứu, xây dựng các hướng dẫn, quy định cụ thể mức bảo hiểm, định mức cơ sở dữ liệu khác nhau về mức rủi ro, mức trách nhiệm bảo hiểm theo vụ việc, chuyên khoa/đa khoa, hạng bệnh viện..., giúp chung sức giải quyết trách nhiệm cho người hành nghề, cho cơ sở khám, chữa bệnh khi xảy ra tình huống tai biến không mong muốn. 

Tuy vậy, cũng cần thay đổi tư duy trừng phạt sang khuyến khích động viên báo cáo tự nguyện rủi ro, sự cố y khoa. Quán triệt quan điểm “nhân vô thập toàn”, học hỏi, rút kinh nghiệm từ sai sót để hạn chế lặp lại từ các cấp lãnh đạo. Các bộ, ngành và người dân phối hợp cùng Bộ Y tế kiểm tra, giám sát chất lượng bệnh viện và an toàn người bệnh. Bộ Tài chính phối hợp cùng Bộ Y tế tìm giải pháp để Nghị định 102/2011/NĐ-CP thực sự có hiệu lực, giúp cho người hành nghề và cơ sở khám chữa bệnh trước những nguy cơ, rủi ro, sự cố không mong muốn. 

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng! 

Nguyễn Bích Thủy ( thực hiện) (TTXVN)
Y tế tư nhân giúp giảm quá tải bệnh viện công
Y tế tư nhân giúp giảm quá tải bệnh viện công

Hệ thống y tế tư nhân ở Đồng Nai không ngừng phát triển, góp phần giảm tải tại bệnh viện công lập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN