Nhiều dịch bệnh diễn biến phức tạp

Thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài nên tại nhiều địa phương, một số dịch bệnh như đau mắt đỏ, tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản... đang có xu hướng gia tăng.

Bệnh dịch “vào mùa”

Theo Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Nai, trong tháng 6, trung bình mỗi tuần tỉnh ghi nhận hơn 50 ca mắc tay chân miệng. Số trẻ mắc tay chân miệng trong tháng 6 tăng so với những tháng trước đó và cao hơn khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Nai cho biết: Số ca mắc tay chân miệng tăng do đây là thời điểm các trường mần non, mẫu giáo nghỉ hè, trẻ không đến lớp, các bậc phụ huynh gửi con ở những điểm trông trẻ tư nhân, việc vệ sinh (rửa tay bằng xà phòng) cho trẻ không được tiến hành đúng cách, thường xuyên.

Điều trị cho bệnh nhi viêm não tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.Ảnh: Lâm KHánh - TTXVN

Như vậy, từ đầu năm 2016 đến nay, Đồng Nai ghi nhận hơn 1.000 ca mắc tay chân miệng, bệnh xuất hiện tại 11/11 huyện, thị trong tỉnh. Trong đó, thành phố Biên Hòa có số ca mắc nhiều nhất với hơn 300 ca. Điều tra dịch tễ cho thấy, trẻ mắc bệnh chủ yếu là những cháu ở nhà với gia đình hoặc gửi ở những điểm trông giữ trẻ tự phát.

Tại Hà Nội, bệnh đau mắt đỏ, viêm não Nhật Bản cũng đang “vào mùa”.

Theo thống kê, trung bình mỗi ngày tại Bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận khoảng 150 bệnh nhân đau mắt đỏ, chiếm khoảng 10% tổng số bệnh nhân đến khám. Thực tế, số người mắc bệnh sẽ cao hơn rất nhiều vì họ tự điều trị tại nhà. Đây là vấn đề đáng lo ngại vì bệnh đau mắt đỏ thường lây lan nhanh, dễ gây thành dịch.

Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cũng đã phải “lên tiếng” khuyến cáo về xu hướng gia tăng bệnh viêm não Nhật Bản. Theo thông báo của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, tính đến ngày 25/6, thành phố ghi nhận 9 trường hợp viêm não Nhật Bản. Số mắc gia tăng nhanh trong tuần qua với 6 ca bệnh. Đây là bệnh hay gặp vào các tháng mùa hè, đặc biệt ở những trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm không đầy đủ vắcxin phòng bệnh.

Vì thế, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và trung tâm y tế cấp quận, huyện, xã tăng cường giám sát dịch tại các bệnh viện và cộng đồng, kịp thời phát hiện các ca mắc để khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch.

Lo ngại lây lan bệnh dại và sốt xuất huyết

Hiện nay, Long An đang chuyển sang mùa mưa, đây là thời điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát bệnh sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm như sốt phát ban, tay chân miệng, sởi...
Chị Nguyễn Thị Út, phường 5, thành phố Tân An chia sẻ: "Cứ đến mùa mưa là lại lo bị muỗi tấn công, đặc biệt là muỗi vằn. Năm nào vào mùa mưa, gia đình tôi cũng có người bị sốt xuất huyết. Để đề phòng, tôi phải đốt nhang muỗi, nhắc mọi người mặc quần áo dài tay và ngủ trong mùng, kể cả ngủ trưa. Thế nhưng sơ hở một chút là có thể bị 5 - 7 vết muỗi cắn".

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Long An, trong 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 207 ổ sốt xuất huyết với gần 1.200 ca nhiễm bệnh, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2015 (611 ca). Các địa phương có nhiều khu công nghiệp, tập trung nhiều công nhân, mật độ dân cư đông đúc như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước...

Thời điểm này, tại tỉnh Phú Thọ, tình hình bệnh dại cũng đang diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 22 ổ dịch dại, trong đó 9 ổ tại thành phố Việt Trì, 8 ổ tại huyện Phù Ninh, 4 ổ tại huyện Lâm Thao và 1 ổ tại huyện Đoan Hùng. Tại các ổ dịch đã phát hiện 27 con chó có biểu hiện của bệnh dại, 43 người bị chó nghi dại cắn, cào.

Trước tình hình trên, Chi cục Thú y đã tổ chức lấy mẫu kiểm tra, kết quả đến nay đã phát hiện 16 mẫu dương tính với bệnh dại tại thành phố Việt Trì, huyện Phù Ninh, huyện Lâm Thao phát hiện 3 mẫu dương tính tại xã Cao Xá và Hợp Hải.

Chi cục Thú y tỉnh phối hợp với chính quyền các huyện triển khai một số biện pháp cấp bách tại những địa phương có nguy cơ bùng phát dịch cao; tiến hành kiểm tra rà soát đàn chó, mèo, phát hiện nhanh các trường hợp nghi bệnh dại và tổ chức tiêu hủy theo quy định; tiêm phòng vắcxin dại cho đàn chó, mèo. Cùng với đó theo dõi, giám sát chặt chẽ số người bị chó cắn hoặc tiếp xúc với chó nghi mắc bệnh dại...

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, thời tiết nắng, nóng làm cơ thể ra mồ hôi nhiều nếu không được bù nước đầy đủ sẽ gây mất nước, điện giải; việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp. Đặc biệt, môi trường nắng nóng là điều kiện rất thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, lây lan trong cộng đồng.

Để chủ động phòng bệnh, người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể. Chú trọng vệ sinh môi trường, cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Đặc biệt, cần đưa trẻ đi tiêm chủng với những bệnh đã có vắcxin phòng ngừa.
Phương Liên - TTN
Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa nắng nóng
Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa nắng nóng

Trước hiện tượng các loại dịch bệnh trong thời tiết giao mùa, nắng nóng đang có dấu hiệu phát triển, ngành y tế Hà Nội đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống và khám, điều trị cho người dân trên địa bàn, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN