Nhiều ca tử vong do sốt xuất huyết tại TP Hồ Chí Minh

Theo trung tâm y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 3 ca tử vong do sốt xuất huyết. Hiện thành phố vẫn còn nhiều quận huyện nằm trong mức báo động đỏ có số ca mắc sốt xuất huyết cao.

Riêng tại quận 12, từ đầu năm đến nay đã có 2 ca tử vong do sốt xuất huyết. Cụ thể, gần đây nhất vào ngày 4/3, bé N. 9 tháng tuổi, ở khu phố 1A, phường Đông Hưng Thuận đã tử vong tại bệnh viện Nhi Đồng 2 với chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng và suy đa tạng. Trước đó, ngày 27/2 chị N.T.N.T  36 tuổi, ngụ phường Hiệp Thành cũng đã tử vong do sốt xuất huyết. Hiện còn 1 ca tử vong ở quận 5 đang chờ kết quả xác minh của bệnh viện.

Hiện nay, vẫn còn nhiều quận huyện nằm trong tình trạng báo động đỏ về sốt xuất huyết.

Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, qua khảo sát vãng lai cho thấy, việc diệt muỗi, diệt lăng quăng trên địa bàn còn nhiều hạn chế. Đây không phải ổ dịch mới bộc phát gần đây mà trước đó đã là điểm nguy cơ sốt xuất huyết, Zika với nhiều ca mắc bệnh.


Cụ thể, tại phường Hiệp Thành, từ tháng 10/2016 đến tháng 2/2017, mỗi tuần ở phường đều ghi nhận 3 ca sốt xuất huyết, chưa kể những trường hợp bị sốt đi điều trị ở cơ sở tư nhân nhưng không báo cáo.


Bác sĩ Nga nhận định: "Việc lây lan chủ yếu là tại chỗ. Khi đi khảo sát, đoàn khảo sát cũng đã phát hiện những ổ chứa lăng quăng. Đặc biệt là tình trạng xả rác nhiều, thêm nữa các hộ dân nuôi bò, gà, chim chóc nhỏ lẻ làm nguy cơ dịch bệnh gia tăng".


Đại diện ngành y tế Quận 12 cho biết, công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết được đẩy mạnh nhưng ý thức người dân chưa cao, gây khó khăn cho công tác này. Cán bộ y tế cùng các khu phố đã vận động người dân đổ bỏ các vật chứa có thể phát sinh lăng quăng, nhưng rất nhiều người dân không thực hiện, không thay đổi hành vi. Đặc biệt là khi nhắc nhở, yêu cầu thực hiện thì người dân lại chỉ mong chờ vào việc phun hóa chất diệt muỗi. Ngoài ra, việc xử phạt các hành vi vi phạm còn chưa thực hiện quyết liệt.


Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, không có thuốc đặc trị nhưng người dân còn chủ quan. Việc truyền thông phải hướng tới mục tiêu hiệu quả là nhiều người biết đến sự nguy hiểm của bệnh này, biết cách phòng tránh và diệt trừ lăng quăng.


Đan Phương
Chủ động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết
Chủ động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết

Để phòng bệnh, cần đảm bảo ăn chín uống chín; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là rửa tay cho người chăm sóc trẻ, rửa tay cho trẻ mỗi ngày nhiều lần, sau khi đi vệ sinh, trước khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ và cho trẻ ăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN