Nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố

Giá cả sinh hoạt tăng cao khiến nhiều người dân chấp nhận “sống chung” với các loại thức ăn đường phố. Bên cạnh đó, kể từ khi Bộ Y tế hủy bỏ cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cho các loại thức ăn đường phố, thì loại hình này ngày càng phát triển và đang bị buông lỏng. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ các loại thức ăn đường phố là rất cao.

Tiềm ẩn mầm bệnh

Theo quy định của Bộ Y tế, nơi chế biến và buôn bán thức ăn phải bảo đảm 10 tiêu chuẩn, như: Đủ nước sạch, nơi chế biến thực phẩm phải sạch, người chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức và khám sức khỏe định kỳ, không sử dụng phụ gia và màu thực phẩm, thức ăn phải được bày bán trên giá cao hơn 60 cm, phải được bày bán trong tủ kính... Tuy nhiên, qua khảo sát của phóng viên, hầu hết những quán ăn đường phố đều không thực hiện được một tiêu chí nào như trên.

Thức ăn đường phố từng ngày đe dọa đến sức khỏe người dân.


Tại một quán cơm di động trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy, chiếc khăn đã bị ố màu được chủ quán sử dụng tối đa: Vừa dùng để lau khô chén đũa, vừa dùng để lau dao thớt, lau tay và... lau kệ của chiếc xe đẩy. Bên cạnh đó, chậu nước nhỏ khoảng 5 lít cũng được sử dụng hết công suất, như: Rửa “sạch” cả một đống tô chén nằm ngổn ngang dưới lòng lề đường với công đoạn chủ yếu là nhúng sơ qua một lần nước rồi tiếp tục được sử dụng, hay dùng để rửa tay, rửa nồi...

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP TP Hồ Chí Minh, cho biết: Thời tiết nắng nóng như hiện nay phù hợp để vi sinh phát triển. Nếu như không chế biến thức ăn sạch thì có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Hiện thức ăn đường phố đang đe dọa đến sức khỏe của người dân và cũng là nguyên nhân dẫn đến các mầm bệnh về tiêu hóa, dịch tả... Hơn nữa, các điều kiện về vệ sinh chế biến, nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng và nhiều thực phẩm không đảm bảo vệ sinh là những nguy cơ tiềm ẩn ngộ độc thực phẩm rất cao.

Khó quản lý

Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, ngộ độc thực phẩm xảy ra ở bếp ăn tập thể còn có thể kiểm tra và xử lý được, chứ thức ăn trên xe đẩy và gánh hàng rong thì thanh tra thực phẩm đành “bó tay”. “Về luật, chúng ta không thể cấm, hơn nữa việc xử phạt hàng rong, xe đẩy là đặc biệt khó khăn nên trong giai đoạn hiện nay chúng ta đành phải chấp nhận hoạt động của loại hình thức ăn đường phố này”.

Trong một cuộc điều tra của Chương trình mục tiêu quốc gia về VSATTP ở 15 tỉnh, thành cho thấy nhận thức, thái độ về VSATTP “đúng” của người kinh doanh đạt tỷ lệ khá cao (gần 90%), nhưng thực hành “đúng” những quy định về đảm bảo VSATTP thì chỉ đạt 37,1%. Trước đây, Bộ Y tế đã có quy định gánh hàng rong, xe đẩy cũng phải có giấy chứng nhận VSATTP, thế nhưng thực hiện được vài năm không thấy hiệu quả, Bộ đã hủy bỏ vì không thể kiểm soát nổi. Từ khi hủy bỏ quy định trên, các loại hình kinh doanh này ngày càng mọc lên như nấm và tha hồ vi phạm những quy định về VSATTP mà không sợ bị kiểm tra, xử phạt.

Để chấn chỉnh loại hình hoạt động này, Chi cục VSATTP TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các quận, huyện rà soát, thống kê, lập danh sách những khu vực tập trung buôn bán thức ăn đường phố, hệ thống kinh doanh thực phẩm nhằm nghiên cứu xây dựng khu vực thức ăn đường phố tập trung có tổ chức, có hệ thống kiểm soát để từng bước sắp xếp, chấn chỉnh và quản lý tốt hoạt động buôn bán này. Hiện, Chi cục VSATTP TP Hồ Chí Minh đang có kế hoạch trong năm 2011 sẽ xây dựng 5 khu thức ăn đường phố điểm của thành phố và mỗi quận, huyện cũng sẽ xây dựng 1 khu thức ăn đường phố điểm.

Bài và ảnh: Đan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN