Ngăn chặn tình trạng kháng thuốc kháng sinh

Việc lạm dụng kháng sinh tại Việt Nam đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, nguy cơ dẫn tới sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc điều trị cho người bệnh.

Ths Cao Hưng Thái (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Tin Tức  về các giải pháp cho vấn đề này. 

Việt Nam có thuộc nhóm các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới không, thưa ông? 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới.

Kháng sinh là thuốc kháng khuẩn có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh cho người và động vật. Kháng sinh không chỉ được sử dụng trong điều trị mà còn được sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản nhằm mục đích tăng trưởng. Tuy nhiên, vấn đề kháng thuốc kháng sinh đã xuất hiện ngay từ khi kháng sinh ra đời và ngày càng trở nên trầm trọng do nhiều vi sinh vật thích nghi và trở nên kháng với nhiều loại thuốc.

Trên thế giới hàng năm có hàng trăm ngàn người tử vong về kháng thuốc. Ở Việt Nam, tại cộng đồng theo kết quả khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc cho thấy nhận thức về kháng sinh và kháng thuốc kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp, đặc biệt ở vùng nông thôn. Có đến 98% nhà thuốc thành thị và 91% nhà thuốc ở nông thôn bán thuốc kháng sinh không có đơn. Kháng sinh đóng góp 13,4% (ở thành thị) và 18,7% (ở nông thôn) trong tổng doanh thu của hiệu thuốc. Theo kết quả kiểm tra bệnh viện hàng năm của Bộ Y tế cho thấy trong chi phí điều trị người bệnh có đến 48% là tiền thuốc, trong số đó thuốc kháng sinh chiếm 33%. Còn theo thống kê chi phí tiền thuốc trung bình cho người bệnh là 33 USD/năm. 

Sinh viên cổ vũ truyền thông phòng, chống kháng thuốc.

Đáng báo động hơn ở Việt Nam vi khuẩn kháng thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng, đặc biệt nhóm vi khuẩn gram âm, thường xuất hiện trong các bệnh viện đã kháng cả kháng sinh carbapenem. 

Mặc dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ, song hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng gia tăng, đang ở mức báo động. Gánh nặng do kháng thuốc ngày càng tăng do chi phí điều trị tăng lên, ngày điều trị kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, cộng đồng và sự phát triển chung của xã hội. 

Vậy trong thời gian tới, Bộ Y tế  có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh? 

Việc phân phối, quản lý và sử dụng kháng sinh theo quy định của Luật Dược và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, kháng sinh phải được thực hiện theo đúng quy định. Song trên thực tế, việc tổ chức triển khai còn nhiều bất cập như người dân chưa có hiểu biết về kháng sinh, vai trò của kháng sinh, chưa biết hết tác dụng phụ của kháng sinh và vấn đề kháng thuốc. Bác sỹ biết vấn đề kháng thuốc nhưng do tâm lý và thói quen kê đơn kháng sinh để giảm thời gian điều trị cũng là nguyên nhân gây kháng thuốc. Dược sỹ biết quy định nhưng vẫn bước qua quyết định để bán kháng sinh. Do đó, sự phối hợp về chính sách và hành động giữa các bộ, ngành dưới sự chỉ đạo của Chính phủ với sự hỗ trợ toàn diện của cộng đồng và các đối tác phát triển trong phòng chống kháng thuốc là hết sức cần thiết. 

Về phía Bộ Y tế, việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động Quốc gia phòng chống kháng thuốc đã được cụ thể hóa bằng các hoạt động của các tiểu ban, các đơn vị. Đơn cử: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương triển khai các nghiên cứu song phương về thuốc kháng sinh, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện nhân dân Gia Định đã triển khai chương trình quản lý kháng sinh tại bệnh viện.

Bên cạnh đó, ngành chú trọng xây dựng và ban hành văn bản pháp quy về hoạt động dược lâm sàng; kê đơn, sử dụng thuốc trong điều trị; thông tin thuốc; kiểm chuẩn xét nghiệm; kiểm soát nhiễm khuẩn BV. Tập trung chuẩn hóa các tài liệu chuyên môn như: Xây dựng tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, hướng dẫn sử dụng kháng sinh; thường xuyên tổ chức hội thảo, tập huấn, đào tạo liên tục cho cán bộ y tế để nâng cao trình độ, kỹ năng về thực hành kê đơn thuốc tốt, thực hành dược lâm sàng, đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị,... Xây dựng tài liệu hướng dẫn quản lý sử dụng kháng sinh tại bệnh viện (QĐ số 772/QĐ-BYT ngày 04/3/2016) và tổ chức tập huấn cho các bệnh viện. 

Đặc biệt, chúng tôi tiếp tục tăng cường nhận thức về kháng sinh và kháng thuốc nhằm kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội đối với việc phòng chống kháng thuốc. 

Bộ Y tế cũng đề nghị các sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra việc sử dụng thuốc tại các bệnh viện, phòng khám tư nhân và các hiệu thuốc trong cộng đồng. Thắt chặt việc quản lý bán thuốc theo đơn. Tại các bệnh viện phải triển khai các hoạt động tăng cường quản lý và sử dụng kháng sinh tại bệnh viện. Tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện, xây dựng hướng dẫn kiểm soát lây nhiễm của vi khuẩn đa kháng. Nâng cao năng lực xét nghiệm vi sinh trong bệnh viện nhằm theo dõi, cung cấp bằng chứng cho việc chỉ định, sử dụng kháng sinh hợp lý tại bệnh viện… 

Xin cảm ơn ông!

Lê Hoàng (thực hiện)
Báo động gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh
Báo động gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh

Kháng thuốc kháng sinh đang là mối lo của các bác sỹ, chuyên gia y tế khi số bệnh nhân nhiễm vi khuẩn kháng thuốc và đa kháng thuốc ngày càng gia tăng đến mức báo động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN