Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Để ngành y tế vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục phát triển theo hướng bền vững trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn về nhân, vật lực đồng thời phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tất cả các tuyến, nhất là tuyến y tế cơ sở.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Quan tâm đến tất cả các tuyến

Nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao đối với tất cả các tuyến, nhất là vùng sâu, vùng xa và tuyến y tế cơ sở, những năm qua, công tác đầu tư cho ngành y tế đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, 600 bệnh viện huyện trong toàn quốc đã được đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa với các trang thiết bị khang trang cùng với chuyển giao kỹ thuật và đào tạo cán bộ. Cũng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, một số bệnh viện tuyến tỉnh, những vùng khó khăn vùng sâu, vùng xa và một số bệnh viện tuyến trung ương… cũng đã được đầu tư, nâng cấp.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy-TTXVN


Trong quy hoạch phát triển cũng như chiến lược phát triển, ngành y tế luôn quan tâm đến công tác khám chữa bệnh ở tất cả các tuyến, kể cả tuyến xã, trong đó chú trọng mạng lưới y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu và công tác phòng chống dịch bệnh… Đối với tuyến huyện, tuyến tỉnh, tuyến trung ương sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và áp dụng các kỹ thuật cao.

Ông Võ Trọng Hữu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Xã hội BCĐ Tây Nam Bộ: Cần có chính sách đặc thù

Với cơ chế đặc thù trong đào tạo nguồn nhân lực khu vực Tây Nam Bộ, chúng tôi đề nghị Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế cho phép tăng chỉ tiêu lên 20 - 25% đối với ngành Khoa học sức khỏe và 25 - 30% đối với các ngành khác cho khu vực Tây Nam Bộ… Đối với lĩnh vực y tế, nhiều tỉnh, thành và các trường cùng đề nghị Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế giao cho ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh, ĐH Y dược Cần Thơ, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đào tạo hệ chính quy và liên thông theo địa chỉ sử dụng với số lượng 314 bác sĩ ở 5 chuyên ngành hiếm (lao, phong, tâm thần, giải phẫu bệnh và pháp y)… Đặc biệt cần có cơ chế chính sách cho các tỉnh trong vùng để có thể đẩy nhanh tốc độ nguồn nhân lực y tế, nhất là các chuyên khoa hiếm. Bên cạnh đó cần phải tạo môi trường làm việc thuận lợi cũng như chính sách thu hút nguồn nhân lực của địa phương thật hấp dẫn mới có thể tuyển và giữ chân cán bộ y tế phục vụ lâu dài. Để làm được điều này, ngoài nỗ lực từng địa phương, cần sự vào cuộc của trung ương với chính sách ưu đãi cán bộ y tế và kèm theo là chế tài làm sao cán bộ sau khi học phải về phục vụ địa phương.

Bà Nguyễn Thị Thà, huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang: Người dân chưa tin tuyến y tế cơ sở

Nhiều năm nay, bà con chòm xóm xung quanh khu vực tôi sinh sống khi có bệnh đều đi khám trên TP Hồ Chí Minh. Cứ mỗi lần đi khám bệnh, chúng tôi thường góp tiền thuê xe đi chung để vừa tiết kiệm chi phí vừa dễ giúp đỡ nhau. Việc đi khám bệnh như thế rất tốn kém nhưng cũng phải đi vì bệnh viện ở đây chữa bệnh rất kém, chữa hoài không khỏi, thậm chí có người bị bệnh mà bác sĩ chuẩn đoán không ra bệnh. Chính vì chất lượng chữa bệnh kém nên niềm tin của bà con đối với bệnh viện ở địa phương chưa có. Tâm lý của bà con là có bệnh thì “vái tứ phương”, nghe đồn ở đâu khám, điều trị tốt là đến. Nếu chất lượng khám, điều trị ở địa phương tốt thì bà con chúng tôi cũng sẽ đỡ vất vả hơn nhiều. Chúng tôi mong ngành y tế của tỉnh cần đầu tư máy móc hiện đại và tăng cường bác sĩ giỏi chuyên môn về các tuyến huyện, thị xã để công tác khám, điều trị bệnh ngày càng tốt hơn. Điều quan trọng là thông tin về những đổi mới, tiến bộ của các cơ sở y tế từ xã, huyện, tỉnh rất cần thông báo rộng rãi cho bà con nhân dân biết, việc này rất quan trọng để dần xóa bỏ những suy nghĩ tiêu cực về chất lượng y tế của địa phương.

Ông Nguyễn Thế Anh, Học viện Chính trị Khu vực 4, thành phố Cần Thơ: Chất lượng đào tạo phải đặt lên hàng đầu

Ngành y tế tại ĐBSCL đang được xem là có tỷ lệ thấp so với các khu vực khác trong cả nước, nhưng việc quy hoạch đào tạo cũng có nhiều điều lo ngại. Việc thành lập hàng loạt trường đại học ở khu vực ĐBSCL với mục đích giải quyết bài toán nhân lực lại dẫn đến tình trạng bất cập là các trường tìm mọi cách cạnh tranh nhau trong tuyển sinh đào tạo bằng cách hạ điểm chuẩn để tuyển sinh, khiến chất lượng đào tạo không đáp ứng với nhu cầu thực tế. Nhiều trường ngoài công lập ở ĐBSCL được đào tạo những ngành “nóng” (y, dược), nhưng các trường này chấp nhận hạ điểm chuẩn để tuyển sinh với mức học phí ngất ngưởng vài trăm triệu đồng/năm như một kiểu kinh doanh giáo dục, khiến xã hội hết sức lo ngại về chất lượng của các bác sĩ tương lai này. Riêng khu vực Cần Thơ hiện có 4 trường ngoài công lập được đào tạo nhân lực ngành y, dược gồm: Đại học Võ Trường Toản, đại học Tây Đô, đại học Quốc tế Tân Tạo và đại học Nam Cần Thơ, nhưng điểm đầu vào các ngành bác sỹ đa khoa, dược sĩ chỉ bằng hoặc cao hơn điểm sàn từ 1 - 2 điểm. Trong khi đó các trường công lập, muốn vào học những ngành này, thí sinh phải đạt số điểm ít nhất từ 24 - 27 điểm.

Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ: Rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao

Hiện Cần Thơ có nhiều bệnh viện, trung tâm y tế của Trung ương và địa phương nên rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân Cần Thơ và cả khu vực ĐBSCL. Đặc biệt, nhiều bệnh viện như: Bệnh viện Lao, bệnh viện Tâm thần, bệnh viện Đa khoa Bình Thủy, Vĩnh Thạnh... đang xây dựng cũng cần nhân lực để phục vụ khám, chữa bệnh khi đưa vào hoạt động. Thời gian tới, trường đại học Y dược Cần Thơ tiếp tục phối hợp với ngành Y tế Cần Thơ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao hiệu quả khám và chữa bệnh cho người dân Cần Thơ và khu vực ĐBSCL.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế:Tiếp tục phát triển đề án bệnh viện vệ tinh

Những kết quả ban đầu của bệnh viện vệ tinh đã khẳng định mô hình bệnh viện vệ tinh phù hợp trong điều kiện kinh tế xã hội, là mô hình sáng tạo kết nối giữa khả năng của tuyến trên và nhu cầu của tuyến dưới. Thời gian tới, để đẩy mạnh triển khai đề án bệnh viện vệ tinh góp phần giảm tải bệnh viện, các đơn vị, cơ sở y tế cần đẩy mạnh việc thực hiện bệnh viện vệ tinh, khoa vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật (không phân biệt bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân). Coi đây là một trong những giải pháp căn bản để đào tạo đội ngũ cán bộ y tế chất lượng cao cho tuyến dưới, đồng thời phát huy hiệu quả, hiệu suất của các bệnh viện hiện có; tổng kết mô hình làm tốt nhất để nhân rộng ra toàn tỉnh.

Đối với các tỉnh đã có đề án bệnh viện vệ tinh, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh và tăng cường tào tạo đội ngũ cán bộ tuyến dưới tiếp nhận kỹ thuật. Đối với các bệnh viện các tỉnh, cần tăng cường đầu tư, chuẩn bị cán bộ có khả năng tiếp nhận, cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị để hoàn thành đề án bệnh viện vệ tinh đã được phê duyệt.

BS Nguyễn Hùng Vĩ, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang: Cơ chế cho các phòng khám bác sĩ gia đình

Tiền Giang là một trong 8 tỉnh, thành phố được chọn làm mô hình bác sĩ gia đình thí điểm. Từ giữa tháng 7/2014, tỉnh triển khai thí điểm đề án mô hình bác sĩ gia đình, trong đó thực hiện khám chữa bệnh cho cả người có thẻ bảo hiểm y tế. Đề án đã góp phần làm tăng niềm tin của người dân đối với bác sĩ tuyến y tế cơ sở và an tâm khi đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở, không vượt tuyến nhiều như trước khi triển khai chương trình. Qua triển khai đề án, các bệnh viện tuyến tỉnh như Bệnh viện đa khoa trung tâm Tiền Giang, Bệnh viện khu vực Cai Lậy và Bệnh viện khu vực Gò Công không còn tình trạng quá tải như trước nữa.

Anh Đức
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN