Mua thêm thuốc, thiết bị điều trị bệnh sởi

Những ngày gần đây dư luận hoang mang cho rằng dường như dịch sởi nặng hơn so với mức độ Bộ Y tế công bố rất nhiều, số ca tử vong do sởi tại các bệnh viện cũng rất lớn, lớn hơn hẳn con số được Bộ thống kê. Những thông tin “nghe nói” này đã khiến các bậc làm cha mẹ, ông bà… đều như “ngồi trên lửa”. “Đỉnh điểm” là chuyện hạt mùi già có nguy cơ cháy hàng dù giá tăng vọt vì được cho là có thể phòng được bệnh dịch sởi.


Trước thực tế này, ngày 15/4, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định: “Bộ Y tế đã công bố khá đầy đủ số ca tử vong do sởi, 25 ca tử vong mà chúng tôi công bố là những trường hợp tử vong do biến chứng của sởi; còn những ca bệnh tử vong khác tại bệnh viện có thể do các nguyên nhân khác, tức là vừa mắc sởi và vừa mắc các bệnh khác”.


Theo ông Trần Đắc Phu, thời điểm giao mùa hiện nay có rất nhiều dịch bệnh song hành, trong đó có nhiều dịch bệnh có triệu chứng, biến chứng tương tự như bệnh sởi nên nhiều khi rất khó khẳng định nguyên nhân các ca tử vong. Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế cũng rất băn khoăn về việc tại sao số ca tử vong do sởi trong mùa dịch năm nay chỉ tập trung chủ yếu ở phía Bắc; hơn nữa, kết quả nghiên cứu virút sởi chưa phát hiện thấy sự biến đổi về gen và độc lực.


Về việc liệu dịch sởi năm nay có nặng hơn những năm trước không, ông Trần Đắc Phu cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, Việt Nam ghi nhận 6.611 trường hợp sốt phát ban dạng sởi, trong đó có 2.492 trường hợp được xác định mắc bệnh sởi và 25 trường hợp tử vong. Như vậy, số ca mắc sởi ghi nhận đến nay thấp hơn so với vụ dịch sởi năm 2009 - 2010 khoảng gần 2.000 trường hợp và hiện tượng quá tải bệnh nhi cũng chủ yếu chỉ xảy ra ở Bệnh viện Nhi Trung ương, khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội).


“Bộ Y tế đang tiếp tục chỉ đạo tăng cường các nghiên cứu về virút học, đặc điểm lâm sàng, dịch tễ học của bệnh để có những kết luận chính xác nhất về nguyên nhân bệnh dịch sởi đang diễn ra. Bộ trưởng Bộ Y tế đã giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với các bệnh viện ở phía Bắc và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh phối hợp với các bệnh viện ở phía Nam thực hiện các nghiên cứu này”, ông Trần Đắc Phu khẳng định.


Theo ông Phu, để tránh lây nhiễm thêm bệnh sởi cho trẻ, trong thời điểm hiện nay, người dân nên đưa trẻ đến khám ở các cơ sở y tế tuyến cơ sở chứ không nên đưa ngay lên bệnh viện tuyến trung ương. Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện tuyến dưới không chuyển các bệnh nhân lên tuyến trên trong khả năng điều trị của mình để tránh các việc trẻ em bị lây nhiễm thêm bệnh sởi; ngay những trẻ em mắc sởi nhẹ cũng chỉ cần điều trị tuyến dưới vì tuyến trên bao giờ cũng có bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm nặng và nguy hiểm hơn so với tuyến dưới.


Lá và hạt mùi khô “cháy chợ” do bệnh sởi


Lo lắng trước thông tin dịch sởi lan rộng, các chị, các mẹ đổ xô đi mua hạt mùi khô, khiến giá loại hạt này bị “đẩy” lên chóng mặt, thậm chí có chợ không đủ bán.


Tại chợ Thành Công chiều 15/4/2014, một chủ hàng lá “hét giá” hạt mùi khô là 200.000 đồng/kg, bán lẻ 25.000 đồng/lạng. Thông thường, hạt mùi dùng để tắm chỉ được bán với giá hơn 8.000 đồng/lạng.


Người bán hàng thản nhiên: “Do người mua đông, hàng còn không có mà bán. Mẹ nào cũng muốn mua để phòng hay chữa bệnh cho con, tiếc gì vài chục ngàn đồng?”.


Tính từ thời điểm bệnh sởi hoành hành, giá của quả mùi khô tăng lên từng ngày. Trong ngày 13-15/4, khi trên mạng lan tràn thông tin về việc bùng phát dịch sởi, sự quá tải trong các bệnh viện và con số bệnh nhi tử vong vì biến chứng của căn bệnh này, thì từng giờ, giá hạt mùi khô dùng để tắm cho các bé tăng chóng mặt.


Trên fanpage “Hội Làm cha mẹ”, từ sáng tới chiều 15/4, đã có 4 mức giá được rao bán cho hạt mùi khô. Ban đầu là 80.000 đồng/kg, sau tăng lên 90.000 đồng, rồi 120.000 - 150.000 đồng. Thậm chí, tới 200.000 đồng - 220.000 đồng/kg hạt. Người bán cam đoan “hạt mùi ta chính hãng”, nên giá cao hơn của “hạt mùi Trung Quốc” (chỉ khoảng 80.000 đồng). Tinh dầu mùi cũng được rao bán, giá khoảng 180.000 đồng/lọ 5 ml.


Dù giá hạt mùi tăng cao, nhưng hầu như phụ huynh nào cũng cố gắng mua ít nhất một vài lạng cho con. Theo họ, việc tắm bằng lá mùi, hạt mùi và uống nước đun của loại cây này có khả năng phòng và chữa trị bệnh sởi.


Trong tình hình dịch bệnh lan rộng với các biến chứng nguy hiểm và cơ sở vật chất các bệnh viện chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị của người dân, thì việc các gia đình “tự điều trị” theo kinh nghiệm dân gian là điều không tránh khỏi. Tác dụng của hạt mùi khô dù đã được đông y kiểm nghiệm, song việc điều trị theo đúng phác đồ của tây y, đặc biệt khi bệnh nhân đã có những biến chứng, là điều các vị phụ huynh rất cần lưu ý.


Phương liên - Anh Đức

Phòng ngừa dịch bệnh sởi bằng tiêm chủng
Phòng ngừa dịch bệnh sởi bằng tiêm chủng

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết chỉ có tiêm chủng mới là biện pháp phòng chống hiệu quả, giải quyết dứt điểm dịch bệnh sởi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN