Lần đầu tiên tại Việt Nam 'người máy' tạo hình bàng quang bằng hồi tràng

Ngày 24/8, các bác sĩ bệnh viện Bình Dân cho biết, lần đầu tiên bệnh viện thực hiện phẫu thuật robot tạo hình bàng quang bằng hồi tràng (đoạn dưới của ruột non).

Phẫu thuật ứng dụng robot cắt bàng quang tận gốc do ung thư, tạo hình bàng quang bằng hồi tràng thành công đã giúp bệnh nhân vượt qua căn bệnh ung thư bàng quang.


Với các biểu hiện như khó tiểu, tiểu rát, thỉnh thoảng nước tiểu có máu, anh L.K.P (46 tuổi, Khánh Hòa) cứ nghĩ mình chỉ bị viêm đường tiết niệu thông thường. Sau khi uống thuốc mãi không khỏi, anh P. đi khám tại một bệnh viện tuyến tỉnh và lập tức được chuyển đến bệnh viện Bình Dân vì nghi ngờ có bướu bàng quang.


Tại đây, anh P. rất bất ngờ khi kết quả chẩn đoán hình ảnh trên CT bụng, phát hiện 2 khối bướu bàng quang kích thước khoảng 4x5cm và 3x1,5cm. Kết quả mô học sau mổ cắt đốt nội soi sinh thiết cho thấy, đây là dạng ung thư tế bào chuyển tiếp bàng quang giai đoạn T2b, đã xâm lấn vào lớp cơ của bàng quang.


Với tình trạng của anh P., các bác sĩ Tiết niệu tại bệnh viện Bình Dân đã khuyên anh chấp nhận phẫu thuật cắt bàng quang tận gốc càng sớm càng tốt để ngăn chặn nguy cơ ung thư di căn. Bên cạnh đó, anh P. cần được tạo mới một bàng quang nhân tạo làm nơi chứa nước tiểu để đảm bảo chất lượng sống cho người bệnh sau điều trị.

Tính đến nay bệnh viện Bình Dân đã thực hiện 172 ca phẫu thuật bằng robot.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng, với các phẫu thuật trong vùng khung chậu nhỏ hẹp, khó thao tác như cắt bàng quang và thực tế ung thư bàng quang là một loại có tỉ lệ tái phát cao, ứng dụng robot phẫu thuật sẽ tối ưu hiệu quả điều trị vì cho phép thực hiện bóc tách, cắt lọc hiệu quả các mô quanh bàng quang.

Nhờ khả năng xâm lấn tối thiểu, phẫu thuật robot sẽ giảm mất máu, giảm thời gian nằm viện cũng như giảm biến chứng phẫu thuật, hạn chế tối đa nguy cơ di căn, tái phát ung thư và giúp bảo tồn tốt chức năng của các cơ quan xung quanh nơi phẫu thuật cho người bệnh.


Ngay sau khi được các bác sĩ trao đổi về các phương pháp phẫu thuật đối với trường hợp của mình, anh P. đã quyết định lựa chọn phẫu thuật robot. Cuộc phẫu thuật được tiến hành sau đó 2 tuần đã giúp cắt bàng quang tận gốc và tạo hình bàng quang bằng hồi tràng, đảm bảo chức năng tiểu tiện qua đường niệu đạo cho người bệnh.


Sau khi hoàn tất bước cắt bỏ và đưa bàng quang ra ngoài, các bác sĩ tiếp tục thực hiện tạo hình bàng quang bằng hồi tràng. Cánh tay robot uyển chuyển đã khâu nối mỏm niệu đạo với cổ bàng quang tân tạo bằng ruột non chính xác và nhanh chóng.


Anh P. được xuất viện 2 tuần sau phẫu thuật và trở lại với công việc 15 ngày sau. Hiện anh đang tập luyện từng ngày việc tiểu tiện để dần thích nghi với bàng quang mới.


Theo các bác sĩ, phẫu thuật robot được đánh giá là đỉnh cao mới của ngành ngoại khoa thế giới và là bước đột phá mới trong lĩnh vực y tế hiện khá phổ biến ở các nước phát triển. Phẫu thuật đòi hỏi êkíp các bác sĩ phẫu thuật phải có trình độ chuyên môn cao, thuần thục cả mổ mở và nội soi tiêu chuẩn, đồng thời được đào tạo chuyên sâu và có chứng chỉ về sử dụng robot phẫu thuật.


Đến nay, bệnh viện Bình Dân vẫn là nơi duy nhất ứng dụng công nghệ này để điều trị bệnh cho người lớn tại Việt Nam. Tính đến ngày 24/8/2017, bệnh viện Bình Dân đã thực hiện tổng cộng 172 trường hợp phẫu thuật robot, trong đó có 12 trường hợp phẫu thuật cắt bàng quang.


Đan Phương/Báo Tin Tức
Tăng cường diệt bọ gậy để phòng chống sốt xuất huyết
Tăng cường diệt bọ gậy để phòng chống sốt xuất huyết

Mặc dù công tác phòng chống sốt xuất huyết được triển khai đồng bộ, quyết liệt với nhiều giải pháp song năm 2017, bệnh sốt xuất huyết vẫn có xu hướng gia tăng tại một số địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN