Khống chế ổ dịch lỵ trực trùng tại Lai Châu

Từ tháng 2 đến ngày 20/5/2017, trên địa bàn xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã bùng phát bệnh lỵ trực trùng trên người với 60 trường hợp được khám lâm sàng, điều trị tại cơ sở y tế. Hiện dịch bệnh đã được khống chế nhưng chưa được dập tắt hoàn toàn ở địa phương này.

Theo kết quả giám sát dịch của Trạm y tế xã Ma Ly Chải, cuối tháng 2/2017, có một số trường hợp trên địa bàn có triệu chứng nghi mắc bệnh lỵ trực trùng như sốt, đau bụng, đau quặn, đi ngoài phân lỏng 5-6 lần/ngày, phân nhầy…

Đặc biệt, vào cuối tháng 4, số trường hợp mắc bệnh lỵ trực trùng tăng lên 27 ca, bùng phát thành ổ dịch. Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ đã tiếp nhận 11 ca lỵ trực trùng ở xã Ma Ly Chải chuyển xuống điều trị; trong đó, có một trường hợp là bà Chang Lở Mẩy, 74 tuổi ở bản Tả Chải đã tử vong do tuổi cao và mắc bệnh lỵ trực trùng.

Ngay sau khi xuất hiện các trường hợp mắc bệnh lỵ trực trùng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lai Châu đã thành lập đoàn điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với trực khuẩn Shigella flexeneri - lỵ trực trùng.

Nguyên nhân mắc bệnh được xác định do tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc còn lạc hậu, việc ăn, ở mất vệ sinh, phóng uế bừa bãi. Khí hậu mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều cũng là cơ hội cho các loại côn trùng truyền bệnh, vi sinh vật gây bệnh.

Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ đã cử Đội Y tế dự phòng tăng cường giám sát dịch bệnh tại xã Ma Ly Chải, sớm phát hiện các trường hợp nghi mắc lỵ trực trùng để điều trị, xử lý triệt để ổ dịch, tránh lây lan ra cộng đồng; thực hiện giám sát, điều tra dịch tễ, lập danh sách, quản lý, theo dõi tất cả trường hợp nghi mắc bệnh tại cơ sở y tế.

Cơ quan chuyên môn cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, kiểm tra, khử khuẩn môi trường, khử khuẩn nguồn nước sinh hoạt tại các hộ bằng Cloramin B; đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân xã Ma Ly Chải thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, ăn chín, uống sôi; khuyến cáo những trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc lỵ trực trùng phải đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Bác sỹ Trần Thị Liên, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Lai Châu khẳng định: Vùng ổ dịch lỵ trực trùng tại xã Ma Ly Chải cơ bản đã được kiểm soát. Về lâu dài, ngành cũng đã có công văn đề nghị chính quyền huyện Phong Thổ hỗ trợ người dân thùng chứa nước ăn tại gia đình, hỗ trợ xà phòng để thực hiện rửa tay thường xuyên, hỗ trợ hóa chất để khử khuẩn.

Ngoài ra, ngành cũng đã hỗ trợ thuốc kháng sinh điều trị dự phòng cho các đối tượng nguy cơ cao tại xã để hạn chế các ca bệnh mắc mới. Chính quyền địa phương hỗ trợ người dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Xã Ma Ly Chải có 4 bản, 99% người dân là đồng bào dân tộc Hà Nhì sinh sống, phong tục tập quán còn lạc hậu, tình trạng phóng uế bừa bãi ra môi trường còn khá phổ biến, trong khi tỷ lệ người dân sử dụng nhà tiêu chỉ đạt 7%.

Nguồn nước sinh hoạt được lấy từ các mạch nước ngầm trong đất dẫn trực tiếp vào bể chứa tập trung, không qua xử lý. Trong khi đó, người dân đi làm nương dài ngày, uống nước trực tiếp không qua nấu chín.

Bác sỹ Phùng Thị Lai, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Phong Thổ cho biết : Trung tâm chỉ đạo cán bộ Trạm y tế xã điều tra đối tượng, rà soát yếu tố dịch tễ. Các trường hợp mắc bệnh lỵ đến khám, điều trị và người nhà bệnh nhân đều được tư vấn, hướng dẫn thực hiện các khâu vệ sinh ăn chín, uống sôi, rửa tay thường xuyên trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Các cán bộ y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Tuy nhiên, để khống chế hoàn toàn bệnh lỵ trực trùng cần có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương trong công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân.

Mùa hè là thời điểm dễ mắc các bệnh đường tiêu hóa, tiêu chảy, tả lỵ, thương hàn, tay chân miệng, đau mắt đỏ...,vì vậy ngành Y tế Lai Châu đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của tỉnh xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh.

Các huyện, thành phố hướng dẫn người dân khơi thông cống rãnh, phát quang cây dại, giải phóng các bãi rác ô nhiễm môi trường. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh triển khai quyết liệt việc kiểm soát dịch bệnh, tăng cường hoạt động giám sát nhằm phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ bệnh.

Cùng với đó, cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống dịch bệnh mùa hè. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lai Châu chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh; thường trực 24/24 giờ trong thời gian xảy ra dịch bệnh.

Việt Hoàng - Quang Duy (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh xuất hiện trường hợp mắc tiêu chảy cấp
TP Hồ Chí Minh xuất hiện trường hợp mắc tiêu chảy cấp

Thông tin từ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, một bệnh nhi ngụ tại quận 2 vừa được xác định mắc tiêu chảy cấp. Ngay sau đó, công tác khoanh vùng xử lý và ngăn ngừa bệnh lây lan đã được tiến hành khẩn trương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN