‘Kẻ giết người’ thầm lặng ở Canada

Một phụ nữ 28 tuổi và một bé gái 11 tuổi ở hai thành phố khác nhau tại Canada cùng vừa phải trải qua những ngày “thập tử nhất sinh” trong bệnh viện và bị cắt cụt tay, chân vì nhiễm liên cầu khuẩn tuýp A.

Cuộc sống của chị Cari Kirkness, một người phụ nữ đã có gia đình và 2 con đang sinh sống tại thành phố Winnipeg, thủ phủ tỉnh Manitoba của Canada, đã bị thay đổi hoàn toàn sau trận ốm định mệnh.

Vào một ngày đầu tháng 2 vừa qua, chị Cari Kirkness đột nhiên cảm thấy đau họng và mệt mỏi. Ban đầu, chị Cari và cả các thành viên trong gia đình cho rằng đây chỉ là những triệu chứng cúm thông thường nên đã tự tìm cách xử lý tại nhà. “Chị gái nó đã mua thuốc chống cúm Advil và nước cam vì cứ nghĩ đó là bệnh cúm thông thường”, bà Loretta Kirkness, mẹ của chị Cari cho biết.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên chỉ ngay sau đó, cơn đau rát ở cổ họng bắt đầu tăng lên và dần vượt khỏi tầm kiểm soát. Cơ thể chị Cari cũng bắt đầu phản ứng mạnh hơn với từng cơn sốt cao. Đến lúc này, gia đình Cari mới vội vã đưa chị đến bệnh viện nhưng mọi việc đã muộn.

“Chỉ trong 24 giờ, cuộc sống của chúng tôi đã bị đảo lộn”, bà Loretta buồn bã nói.

Hóa ra, Cari không bị cúm mà nhiễm phải liên cầu khuẩn tuýp A, một loại vi khuẩn thường được tìm thấy trên da và cổ họng. Theo Bệnh viện Manitoba Health, thông thường liên cầu khuẩn tuýp A thường gây ra một số triệu chứng mệt mỏi như đau họng, nhưng trong một số trường hợp hiếm gặp, loại vi khuẩn này cũng có thể gây ra những bệnh nghiêm trọng như hoại tử hay hội chứng gây sốc chết người.

Ngay sau khi được các bác sĩ xét nghiệm và chẩn đoán, chị Cari đã được đưa vào phòng phẫu thuật để cắt bỏ tay phải và một bên chân. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân vẫn không khá lên. Các bác sĩ phát hiện ra rằng liên cầu khuẩn đã kịp xâm nhập vào chân còn lại. Để cứu sống bệnh nhân, các bác sĩ đã buộc phải phẫu thuật thêm một lần nữa sau khi tham khảo ý kiến gia đình.

“Các bác sĩ hỏi nguyện vọng của gia đình. Chúng tôi chỉ có 15 phút để quyết định”, mẹ của bệnh nhân nhớ lại. Tất nhiên, gia đình chị Cari không thể có lựa chọn khác. Họ chỉ hy vọng chị có thể nhanh chóng phục hồi.

“Con đã đứng ngoài cầu nguyện rất nhiều. Con đã không thể ngừng khóc”, Chaz, con trai lớn của chị Cari, nghẹn ngào nói.

Lời nguyện cầu của Chaz đã trở thành hiện thực. Chị Cari giờ đây đang phục hồi dần với một ý chí mạnh mẽ có thể thích ứng với hoàn cảnh mới. “Chẳng có lý do gì để đổ lỗi cho bản thân vì mọi việc sẽ không thể thay đổi. Cuộc sống là thế và đây là số phận của tôi”, chị Cari chia sẻ.

Nhưng câu chuyện về liên cầu khuẩn tuýp A ở Canada không chỉ dừng lại với gia đình chị Cari. Tại thành phố Mississauga ở tỉnh Ontario, một bé gái 11 tuổi cũng vừa bị cắt một tay và một chân vì “kẻ giết người thầm lặng” này.

Theo gia đình kể lại, ngày 11/2, cô bé Nurpur Mate đi học về và than phiền bị nhức đầu. Sau đó Nurpur bắt đầu bị sốt, có lúc nhiệt độ lên tới 39 độ C. Gia đình Nurpur đến bệnh viện Trillium và được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh cúm. Nhưng chỉ 3 ngày sau, Nurpur đã phải trải qua một thời kỳ “thập tử nhất sinh” và được gia đình đưa đến phòng cấp cứu bệnh viện. Lần này, các bác sĩ cũng vẫn đưa ra kết quả chẩn đoán cũ và đồng ý cho bệnh nhân về nhà dưỡng bệnh.

Lần thứ ba, Nurpur được đưa quay trở lại bệnh viện trong tình trạng tim gần ngừng đập, buộc các bác sĩ phải làm kỹ thuật hồi sinh. Đến lúc này, các bác sĩ mới phát hiện ra rằng Nurpur bị nhiễm liên cầu khuẩn tuýp A và phải phẫu thuật gấp cắt tay trái và chân phải của em.

“Một ngày sốt thì không sao. Nhưng sốt tới 3 ngày, cộng thêm đau đớn thì không thể nói là bệnh cúm. Đó phải là một căn bệnh nguy hiểm hơn”, chị Sunita, mẹ của em Nupur, đau đớn nói với các phóng viên khi thắc mắc tại sao các bác sĩ ở bệnh viện Trillium đã không tìm ra bệnh sớm hơn.

Theo bác sĩ Alison McGeer, một bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm ở bệnh viện Mount Sinai, bệnh nhi Nurpur không may rơi vào trường hợp hiếm, khi trong một triệu ca nhiễm liên cầu khuẩn tuýp A mới chỉ có một trường hợp biến chứng nặng. Bác sĩ McGeer cũng cho biết hiện chưa có vaccine phòng ngừa loại vi khuẩn này và cũng không biết rõ cơ chế kháng khuẩn của từng người ra sao.

“Cái khó là trong 2 hoặc 3 ngày đầu, triệu chứng bệnh giống như nhiễm virus thông thường, nhưng sau đó bệnh đột ngột trở nặng rất nhanh”, bà McGeer nói thêm.

Vũ Hà (P/v TTXVN tại Canada)
Cảnh báo nhiễm liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh
Cảnh báo nhiễm liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương mỗi năm tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn nguyên nhân chủ yếu do ăn tiết canh hoặc tham gia giết mổ lợn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN