Hiến tạng... cần lắm những tấm lòng

Vượt qua tâm lý sợ hãi và những rào cản từ gia đình, xã hội, nhiều người đã tình nguyện hiến tạng sau khi mất đi để duy trì sự sống cho những người đang mắc bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, hiện vẫn cần lắm những tấm lòng nhân ái, sẵn sàng hiến tạng cứu giúp những người bệnh không may mắn.

Sẻ chia sự sống

Những ai từng gặp anh Nguyễn Đình Hữu (quận Bình Thạnh) bây giờ, sẽ rất khó để nhận ra cách đây 4 năm, người đàn ông này từng bị suy thận nặng, phải chạy thận 3 lần/tuần. Gia đình cũng không mấy khá giả, cộng với sau mỗi lần chạy thận, sức khỏe sa sút nên cuộc sống của anh lúc đó rất bấp bênh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp y tế" cho những người hiến tạng. Ảnh: Phương Vy-TTXVN


Không muốn vợ và gia đình lo lắng, anh Hữu đã âm thầm chịu đựng và yêu cầu các bác sĩ không được nói bệnh tật của mình cho người thân. Vì vậy, anh luôn cầu mong được ghép thận và thật không ngờ, phép màu đó đã xảy ra.

“Khi nhận được thông tin được ghép thận, tôi vui khôn xiết. Dù không biết người hiến tạng là ai nhưng tôi luôn biết ơn người đã cho mình thận”, anh Hữu chia sẻ.

Ca ghép thận thành công, cuộc sống của anh Hữu bước sang một trang mới. Rất may mắn là thận ghép phù hợp nên sức khỏe của anh khá ổn định, sinh hoạt như bình thường.

Ngay sau 2 năm ghép thận, gia đình anh đón thêm một thành viên mới là một bé trai kháu khỉnh, đáng yêu. Giờ đây anh Hữu đã có thể làm được những công việc mà trước đây không làm được.

Chương trình ghép tạng không thể thành công nếu không có sự hy sinh tự nguyện của những người hiến tạng. Họ đã chia sẻ sự sống của mình cho những người thân và cho cả những người không quen biết trong xã hội.

Sau 23 năm triển khai ghép tạng, cả nước đã ghép 1.200 ca thận 30 ca gan, 10 ca tim và 1 ca ghép thận - tụy. Riêng khu vực phía Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 115 và Bệnh viện Nhi đồng 2 đã ghép được 456 ca thận và 11 ca gan.



Anh V.H.T. (50 tuổi), quận Gò Vấp, cũng không ngần ngại khi liên hệ làm các thủ tục đăng ký ghép tạng sau khi qua đời.
"Tôi chỉ mong muốn chẳng may khi mình mất đi thì sẽ tạo cơ hội cho những người khác có thể sống tiếp. Gia đình tôi khi biết chuyện cũng ủng hộ việc làm này. Tôi mong rằng nhiều người sẽ thay đổi suy nghĩ về hiến tạng để có thể tạo cơ hội sống và sống tốt hơn cho những người khác trong xã hội”, anh T. chia sẻ.

Cải thiện nguồn tạng khan hiếm


Đánh giá về kỹ thuật ghép tạng ở nước ta hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, ngành Y đã làm chủ được kỹ thuật ghép tạng đối với bệnh nhân cho còn sống, người cho chết não ở các tạng như thận, gan, tim...

Bước đầu cũng đã thực hiện một số ca ghép tế bào gốc máu, tủy, tim, giác mạc, đặc biệt là các cơ xương khớp. Bộ Y tế đang chuẩn bị cho phép thực hiện ghép phổi và tụy trong thời gian tới.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể nhưng cũng như nhiều quốc gia khác, vấn đề nổi cộm nhất hiện nay của hoạt động ghép tạng vẫn là thiếu nguồn tạng. Do vấn đề tâm lý, tôn giáo... nên số lượng người hiến tạng ở Việt Nam còn khá khiêm tốn so với nhiều nước trên thế giới.

Trong khi đó, nhu cầu ghép tạng tại nước ta là rất lớn. Hiện tại, có trên 8.000 người bị suy thận giai đoạn cuối cần được ghép thận, trên 1.500 người cần được ghép gan, trên 6.000 người chờ ghép giác mạc và hàng trăm người có nhu cầu được ghép tim, phổi, tụy...


Hiện nay, nguồn tạng để ghép chủ yếu chỉ trông chờ từ sự hiến tặng của chính thân nhân người bệnh nên việc hiến tạng từ những người chết não hay ngừng tim cần được xem là hướng đi mới. Thực tế, ở những nước tiên tiến có tới 90 - 95% nguồn tạng là từ người cho chết não, còn ở nước ta thì 95% là người cho còn sống.

Do đó, cần phải tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong dân chúng về vấn đề hiến tạng. Người hiến tạng phải vượt qua rào cản về tâm lý, tâm linh, phong tục...

Để từng bước cải thiện nguồn tạng khan hiếm, Bộ Y tế đã thành lập Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia (tại Bệnh viện Việt - Đức) và đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Mới đây, đề án thành lập Hội vận động hiến tạng và Hội hiến tạng quốc gia vừa được Bộ Nội vụ và Chính phủ thông qua.

Mặt khác, ngành Y tế cũng sẽ phối hợp với các ngành, đoàn thể thực hiện chương trình vận động người dân hiến tạng, đặc biệt là mời các chức sắc tôn giáo tham gia vào việc hiến tạng cứu người.

Đây được xem là những giải pháp quan trọng là cầu nối giữa người có nhu cầu và người có khả năng tự nguyện hiến mô bộ phận cơ thể người có chỉ số phù hợp sinh học. Từ đó, góp phần kéo dài sự sống hơn nữa cho những người đang phải hàng ngày đối mặt với những căn bệnh hiểm nghèo.


Hứa Chung





Những người hiến tạng nhân đạo: Nối dài sự sống cho người khác
Những người hiến tạng nhân đạo: Nối dài sự sống cho người khác

Vượt qua tâm lý sợ hãi và nhiều rào cản từ gia đình, xã hội, nhiều người đã tình nguyện hiến tạng sau khi mất đi vì một lý do nào đó, để duy trì sự sống cho những người đang mắc bệnh hiểm nghèo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN