Hàng loạt thách thức của ngành y tế trong năm 2017

Bên cạnh những thành tựu nổi bật trong năm 2016, ngành Y tế đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Tuyên truyền vệ sinh môi trường. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Đó là thông tin được nêu tại Hội nghị công tác y tế năm 2017 diễn ra chiều 12/1, với sự tham gia của hơn 700 điểm cầu trên toàn quốc. Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự hội nghị.

Hệ thống các cơ sở y tế chưa đáp ứng được nhu cầu


Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thách thức trước tiên là hệ thống các cơ sở y tế chưa đáp ứng được nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong điều kiện kinh tế xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của người dân ngày càng tăng, cơ cấu bệnh tật thay đổi, biến đổi khí hậu, già hóa dân số: Thiếu các cơ sở chăm sóc sức khỏe người già, các bệnh không lây nhiễm, các cơ sở nghiên cứu y sinh học…. 


Việc thực hiện mô hình trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh và mô hình trung tâm y tế huyện 2 chức năng còn chậm nên vẫn còn nhiều đầu mối, thiếu thống nhất, nhất là ở tuyến cơ sở dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, chi phí hành chính tăng và hiệu quả hoạt động chưa cao.


Hoạt động y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu chưa thực sự quan tâm đến việc củng cố và phát triển y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, nhân lực còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng nên người dân chưa tin tưởng, vượt tuyến gây quá tải ở tuyến trên. Đầu tư cho y tế cơ sở còn thấp, tỷ lệ chi khám, chữa bệnh BHYT tại xã mới đạt khoảng 3 - 4% tổng chi khám, chữa bệnh BHYT, nếu tính cả tuyến huyện mới đạt tỷ trọng 32%, trong khi tỷ lệ sử dụng dịch vụ KCB BHYT của tuyến huyện và xã là 72%.


Về y tế dự phòng,một số bệnh truyền nhiễm lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng mặc dù tỷ lệ mắc có giảm qua các năm nhưng vẫn còn ở mức cao; các bệnh dịch có vắc xin phòng bệnh vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại như sởi, bạch hầu, ho gà, viêm gan B. Việc kiểm soát các yếu tố hành vi nguy cơ đến sức khỏe, dự phòng, phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm chưa cao. Tổ chức hệ thống và nhân lực làm công tác quản lý môi trường y tế tại các địa phương còn chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh ô nhiễm môi trường ngày càng tăng cao, nhận thức và ý thức của cộng đồng, sự quan tâm đầu tư của địa phương còn hạn chế.


Về an toàn thực phẩm,tình hình ngộ độc thực phẩm còn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Các vi phạm về VSATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra phổ biến do ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật còn hạn chế, doanh nghiệp vì lợi nhuận nên kinh doanh, sử dụng chất cấm trong trồng trọt và chăn nuôi, chế biến thực phẩm, trong khi chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.


Về khám, chữa bệnh, tình trạng quá tải ở một số bệnh viện trung ương và tuyến cuối đã bước đầu được cải thiện nhưng chưa bền vững do năng lực, chất lượng dịch vụ y tế ở các cơ sở y tế tuyến dưới vẫn chưa được cải thiện căn bản, nhiều cơ sở tuyến huyện còn dưới tải; tỷ lệ hài lòng của người bệnh tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác kế thừa, nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại có một số khởi sắc nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế, tiến độ nghiên cứu còn chậm, tính thực tiễn và khả năng ứng dụng chưa cao.


Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho y tế còn thấp, đặc biệt đối với y tế dự phòng và y tế cơ sở, đầu tư một số bệnh viện trung ương tuyến cuối theo Quyết định 125, một số bệnh viện y học cổ truyền theo Quyết định 362 của Thủ tướng Chính phủ còn chậm so với tiến độ yêu cầu. Tỷ lệ chi từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe còn ở mức cao (39,47%). 


Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí theo Nghị định 16 của Chính phủ còn chậm do ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng. Các chính sách khuyến khích, ưu đãi các cơ sở y tế tư nhân chưa đủ mạnh. Việc liên doanh, liên kết lắp đặt trang thiết bị y tế trong các cơ sở y tế công lập tuy kết quả có nhiều mặt tích cực nhưng cũng còn có tình trạng lạm dụng kỹ thuật, xét nghiệm, chiếu chụp...


Khó mở rộng BHYT với 18% số dân còn lại


Người dân chưa tham gia BHYT vẫn còn khoảng 18% dân số, việc mở rộng đối với đối tượng còn lại này là rất khó khăn do chủ yếu là người cận nghèo, người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình. Mệnh giá BHYT còn thấp, khả năng cân đối quỹ BHYT và chia sẻ rủi ro còn thấp trong khi nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) ngày càng cao, kỹ thuật y tế phát triển, thông tuyến BHYT và điều chỉnh giá dịch vụ BHYT.


Vẫn còn có sự chênh lệch lớn về chất lượng dịch vụ y tế và các chỉ số về sức khỏe của người dân giữa các vùng, miền. Tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong trẻ em vẫn còn ở mức cao và giảm chậm, nhất là ở khu vực miền núi, vùng cao. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể thấp còi còn cao, nhất là ở vùng nông thôn, khu vực Tây Nguyên, Trung du và Miền núi phía Bắc, trong khi tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em đang gia tăng ở khu vực thành thị. Nguy cơ mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn cao.


Công nghiệp dược phẩm phát triển chậm, tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước còn thấp, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của nguồn dược liệu phong phú, đa dạng trong nước. Tỷ lệ sử dụng kháng sinh, biệt dược còn cao, nguy cơ kháng thuốc chống vi trùng đang gia tăng. Công tác kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dược liệu sử dụng trong sản xuất thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và sử dụng trong các cơ sở khám chữa bệnh YHCT còn chưa được tốt.


Đào tạo nhân lực y tế chưa có đánh giá khách quan, độc lập (các trường tự ban hành chuẩn đầu ra, chấm điểm và công bố đạt). Trong đào tạo còn lẫn giữa năng lực nghiên cứu và năng lực khám chữa bệnh. Vai trò cốt lõi của đào tạo y (năng lực khám chữa bệnh) chưa được hệ thống bằng cấp nhìn nhận đúng mức. 


Phương pháp đào tạo nặng về truyền đạt kiến thức, chưa thực sự thiết kế để tạo ra năng lực. Hệ thống văn bản về đào tạo hiện hành còn thiếu những qui định cho đào tạo nhân lực y tế. Việc phân bổ nguồn nhân lực y tế chưa hợp lý, thiếu về số lượng, không đồng đều về chất lượng giữa các vùng, các tuyến. 


Chế độ, chính sách đối với cán bộ y tế còn bất hợp lý, mức lương khởi điểm chưa tương xứng với thời gian đào tạo (đào tạo 6 năm bằng 4 năm). Thầy thuốc chưa được hưởng phụ cấp thâm niên nghề. Chưa có chính sách bền vững để thu hút những thầy thuốc có trình độ chuyên môn cao, tay nghề giỏi làm việc lâu dài tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ y tế chưa tốt còn xảy ra tiêu cực, gây phiền hà đối với người bệnh.


Mạng lưới thanh tra y tế còn thiếu về số lượng và hạn chế về năng lực.Vai trò và năng lực giám sát, phản biện của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp còn hạn chế.


Chất lượng, tính kịp thời, chủ động cung cấp thông tin từ các đơn vị, địa phương còn hạn chế nên hiệu quả chưa cao. Việc ứng dụng công nghệ tin học trong xử lý, phân tích và báo cáo còn hạn chế.


Phương Liên
Bộ Y tế ủng hộ quy định hiến máu là tình nguyện
Bộ Y tế ủng hộ quy định hiến máu là tình nguyện

Chiều ngày 9/1, đại diện Bộ Y tế khẳng định, Bộ Y tế ủng hộ quy định hiến máu là tình nguyện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN