Hà Nội còn tới 100 ngàn trẻ dưới 5 tuổi nguy cơ mắc sởi

Ngày 22/4, tại cuộc giao ban của Tuyên Giáo Thành ủy Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết: Trên địa bàn Hà Nội vẫn còn từ 70.000 – 100.000 trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc sởi do chưa được tiêm vắc - xin. Ngoài ra, trong số trẻ đã tiêm chủng thì hiệu lực bảo vệ của vắc - xin cũng chỉ đạt 90 – 95%, do đó vẫn còn khoảng 5% số trẻ dưới 5 tuổi được tiêm nhưng không được bảo vệ.

 

Tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ tại phòng tiêm Safpo ở 135 Lò Đúc, Hà Nội. Ảnh: Quý Trung – TTXVN


Để phòng chống sởi cho số trẻ này, từ ngày 20 - 22/4, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức điểm tiêm vắc - xin miễn phí tại số 70 Nguyễn Chí Thanh và 30 điểm tại quận, huyện, thị xã cho trẻ từ 9 tháng đến dưới 6 tuổi chưa được tiêm vắc - xin phòng sởi hoặc tiêm không đầy đủ. Trung tâm y tế dự phòng thành phố đề nghị Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cấp bổ sung vắc - xin để đáp ứng đủ nhu cầu tiêm vắc - xin phòng bệnh cho trẻ. Trung tâm đã cử 42 cán bộ trực tiếp đi hỗ trợ công tác phòng chống dịch và đôn đốc tiêm vắc - xin phòng sởi tại 30 quận, huyện, thị xã và 4 đoàn đi kiểm tra công tác tiêm chủng phòng chống dịch.


Trước tình trạng lây chéo bệnh sởi trong bệnh viện là nguyên nhân chính khiến dịch bùng phát trên diện rộng, Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện đảm bảo trang thiết bị, thuốc men, sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân, bố trí khu vực cách ly cho bệnh nhân sởi. Sở cũng phối hợp với bệnh viện Nhi trung ương tập huấn lại phác đồ điều trị sởi cho các bác sỹ khoa Nhi và khoa Truyền nhiễm của các bệnh viện trong và ngoài công lập. Đặc biệt, Sở chỉ đạo bệnh viện đa khoa Xanh Pôn triển khai thêm 100 giường điều trị nhi tại khu điều trị Nội nhằm tăng khả năng thu dung bệnh nhân và giảm tình trạng quá tải tại khoa Nhi của bệnh viện.


Sở Y tế đã tiếp nhận hỗ trợ chuyên môn của bệnh viện Nhi trung ương cho hai bệnh viện Xanh Pôn và Đống Đa và hỗ trợ chuyên môn của bệnh viện Bạch Mai cho bệnh viện Thanh Nhàn về kỹ thuật sử dụng sử dụng máy thở trong cấp cứu Nhi khoa. Chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng cấp vitamin A cho các bệnh viện để điều trị cho các bệnh nhân sởi nặng có nguy cơ thiếu vitamin A.


Ngoài ra, Sở cũng đề nghị Bộ Y tế cử cán bộ tại các bệnh viện tuyến trung ương hỗ trợ bệnh viện Hà Nội trong tổ chức cấp cứu và điều trị bệnh nhân sởi. Cụ thể, bệnh viện Nhi Trung ương hỗ trợ chuyên môn cho bệnh viện Xanh Pôn, bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ chuyên môn cho bệnh viện Thanh Nhàn, bệnh viện Nhiệt đới hỗ trợ chuyên môn cho bệnh viện Đống Đa.


Thời gian tới, ngành Y tế Hà Nội tiếp tục triển khai các biện pháp nâng cao nhận thức cho người dân về các biện pháp chủ động phòng chống bệnh sởi; giảm nhanh tỷ lệ mắc sởi tại cộng đồng, khống chế không để dịch bùng phát; triển khai tiêm vắc - xin phòng bệnh sởi cho trên 95% trẻ em từ 9 tháng đến 2 tuổi trên địa bàn Hà Nội; hạn chế tối đa bệnh nhân tử vong do sởi.


Theo ông Hạnh, mặc dù đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhưng với thời tiết như hiện nay khả năng phát triển của vi rút và lây lan dịch sởi vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ cao. Dó đó, Hà Nội vẫn phải tiếp tục phải tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh sởi. Hà Nội đã kiểm soát được dịch sởi nhưng không có nghĩa là đã hết dịch sởi. Dự báo đến tháng 5, tháng 6, khi thời tiết ấm lên thì Hà Nội mới có thể đẩy lùi được dịch sởi.

 

Tuyết Mai

Thanh Hóa: Số trẻ mắc sởi có chiều hướng tăng
Thanh Hóa: Số trẻ mắc sởi có chiều hướng tăng

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, đến 21/4, Bệnh viện đang điều trị nội trú cho 79 bệnh nhi nhiễm sởi và sốt phát ban dạng sởi, trong đó có 10 bệnh nhân nặng điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu. Thanh Hóa chưa có bệnh nhân tử vong liên quan đến sởi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN