Đổ bệnh vì nắng nóng

Nắng nóng gay gắt ở khu vực phía Nam từ đầu tháng 4 tới nay đã khiến nhiều người già và trẻ nhỏ phải nhập viện. Tại miền Bắc, tình hình cũng diễn ra tương tự cho dù mới chỉ chớm hè.

Gia tăng bệnh nhi hô hấp, tiêu hóa

Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, thời tiết nắng nóng làm cơ thể ra mồ hôi nhiều, nếu không được bù nước đầy đủ sẽ gây mất nước, điện giải; đồng thời, nếu bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp dễ bị nhiễm lạnh, mắc bệnh hô hấp; việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp. Ngoài ra, môi trường nắng nóng là điều kiện rất thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh như sốt do virút, bệnh đường tiêu hóa, bệnh viêm da do tụ cầu... 

Vậy nên, những ngày gần đây, số lượng bệnh nhi đến khám và điều trị liên tục gia tăng tại BV Nhi đồng 1 và BV Nhi đồng 2, TP Hồ Chí Minh.

Nắng nóng, nhiều bệnh nhi phải nhập viện do mắc bệnh về đường hô hấp hoặc tiêu hóa. Ảnh: Đan Phương

Tại khoa Hô hấp, BV Nhi đồng 1, một hai tuần trở lại đây, số bệnh nhi cũng rất đông, có thời điểm trên 300 ca bệnh nhi phải nằm điều trị do viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi.

Thống kê của Phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Nhi đồng 2, cho thấy, trung bình mỗi ngày tại đây có 5.000 - 6.000 trẻ tới khám và điều trị; trong đó, chủ yếu là các bệnh liên quan đến đường hô hấp, sốt virút, tiêu hóa.

“Bé bị ho và sốt, chữa ở BV dưới quê không hết nên tôi phải đưa lên khoa Hô hấp, BV Nhi đồng 2. Nhưng vì bệnh nhi đông, nên cháu phải ra nằm võng ngoài hành lang”. Chị Nguyễn Thị Cúc, Bạc Liêu, vừa dỗ dành con, vừa cho biết.

Tại Hà Nội, tuy chưa phải trải qua những ngày nắng nóng đỉnh điểm, nhưng số trẻ mắc các bệnh thường gặp trong thời điểm giao mùa cũng bắt đầu gia tăng. Đưa bé Nguyễn Đức Huy (gần 2 tuổi) đi khám tại BV Nhi Trung ương, chị Nguyễn Thu Nga, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, lo lắng chia sẻ: “Cả 2 chị em cháu đều bị sốt virút. Riêng cháu Huy, dù gia đình đã dùng thuốc hạ sốt, liên tục hạ nhiệt cho cháu bằng cách lau nước ấm nhưng cháu vẫn sốt cao, hơn 390C nên tôi phải đưa cháu lên BV Nhi khám cấp cứu”.

Theo một số bác sĩ nhi khoa, so với 2 tuần trước, số trẻ nhiễm sốt virút có xu hướng tăng hơn. Thời điểm này, bệnh tiêu chảy cũng đang “vào mùa”. Điều đáng tiếc, đến nay, vẫn có một số trường hợp trẻ mắc tiêu chảy bị biến chứng nặng vì cha mẹ tự ý điều trị không đúng cách.

Điển hình là trường hợp bé Dương, quê Thanh Hóa, đang phải điều trị ở khoa Tiêu hóa, BV Nhi Trung ương. Sau kỳ nghỉ lễ, bé Dương bỗng bị đi ngoài liên tục 3 - 4 lần/ngày. Sốt ruột vì cháu tiêu chảy mấy hôm không đỡ, lại nghe hàng xóm mách, bà nội cháu mua hồng xiêm xanh phơi khô rồi sắc cho Dương uống. Được 2 ngày, số lần tiêu chảy của bé chẳng những không giảm, mà còn tăng lên nhiều lần, bé phải vào cấp cứu ở BV địa phương, sau đó lại phải chuyển lên BV Nhi Trung ương.

“Đây chỉ là một trong số các sai lầm thường gặp của các gia đình, dùng các biện pháp dân gian như các loại lá ổi, hồng xiêm khiến các chất thải dễ ứ đọng lại khiến tình trạng tiêu chảy của trẻ càng trở nên trầm trọng. Việc tự ý sử dụng kháng sinh cũng có thể làm rối loạn vi khuẩn có ích trong đường tiêu hóa, làm tiêu chảy kéo dài, khiến trẻ hấp thu càng kém và lâu bình phục. Hơn nữa, vẫn còn phổ biến tình trạng gia đình cho trẻ tiêu chảy nhịn ăn hoặc thực hiện chế độ ăn nghèo nàn, kiêng khem quá mức. Khi cơ thể trẻ không được nạp đủ chất dinh dưỡng thì quá trình hồi phục chậm, trẻ càng tiêu chảy nhiều hơn. Thêm vào đó, việc nhịn ăn khiến các bé bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng tới sự phát triển”, TS.BS Nguyễn Văn Ngoan, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Nhi Trung ương, cho biết.

“Mùa hè, các bậc cha mẹ cũng cần chú ý phòng bệnh viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết và tránh cho trẻ khỏi tình trạng bị say nóng hoặc say nắng...”, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khuyến cáo.

Người già khó thích ứng với thời tiết

Không chỉ trẻ em, số lượng bệnh nhân cao tuổi tới khám, điều trị tại các cơ sở y tế trong vòng một tháng nay cũng tăng hơn. Theo đại diện BV Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, vào thời điểm nắng nóng, số lượt bệnh nhân tới khám tăng 10% so với bình thường. Nhóm bệnh tăng thường gặp trong thời điểm này tập trung vào những người cao tuổi mắc bệnh mạn tính, huyết áp, tim mạch. Tại BV Nhân dân 115, TP Hồ Chí Minh, số bệnh nhân tới khám cũng tăng tương tự.

“Tại BV Lão khoa Trung ương, Hà Nội, 1 tháng trở lại đây, bệnh nhân đến khám tăng khoảng 1,5 lần. Đa số tập trung vào bệnh lý hô hấp (viêm phổi, viêm phế quản), bệnh lý tim mạch (huyết áp, đột quỵ), hoặc rối loạn tiêu hóa”, PGS.TS Vũ Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, BV Lão khoa Trung ương cho biết.

Theo PGS.TS Vũ Thị Thanh Huyền, nắng nóng, nhiệt độ tăng cao mà người già thường khó thích nghi với sự thay đổi của thời tiết nên rất dễ mắc bệnh. Việc người già đang ở trong phòng điều hòa rồi đi ra ngoài nắng cũng là nguyên nhân gia tăng tỷ lệ biến cố tim mạch hoặc mắc bệnh hô hấp. Và cũng giống như trẻ nhỏ, mùa hè, người già cũng dễ mắc các bệnh tiêu hóa, ngộ độc thức ăn do không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Để bảo vệ sức khỏe trong mùa hè, nhất là những ngày nắng nóng, người già cần tránh thay đổi thời tiết đột ngột, phải đội mũ, đeo khẩu trang và các phương tiện bảo hộ khi ra ngoài trời. Tốt nhất, không nên ra ngoài giữa trưa nắng vì lúc đó, có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ bên trong và ngoài nhà. Đặc biệt, người già cần duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp, uống 2 - 2,5 lít nước/ngày. Với những ngày nắng nóng, cần hạn chế tập thể dục ngoài trời, chỉ nên ra ngoài khi nhiệt độ trong nhà và ngoài trời không chênh nhau quá nhiều.Với những người mắc bệnh mạn tính (tim mạch, huyết áp...) chú ý dùng đủ thuốc, đi khám bác sĩ ngay khi có dấu hiệu bất thường và phải tuân thủ việc tái khám định kỳ.

Đại diện Bộ Y tế, PGS.TS Trần Đắc Phu cũng đặc biệt khuyến cáo, mùa hè, người dân không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để quạt thổi trực tiếp gần vào người để phòng bệnh đường hô hấp. Đồng thời, thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng sức đề kháng của cơ thể. Chú trọng vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày. Đặc biệt, cần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
Nhóm phóng viên
Giao mùa, trẻ nhập viện tăng cao
Giao mùa, trẻ nhập viện tăng cao

Nhiệt độ nóng lạnh thất thường, đặc biệt tiết trời mưa nhiều, độ ẩm cao là yếu tố thuận lợi cho việc sinh sôi, phát tán mầm bệnh. Đó là nguyên nhân vì sao thời điểm này, nhiều trẻ nhỏ phải nhập viện do mắc các bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, sốt xuất huyết…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN