Dịch sởi ở 61/63 tỉnh, thành

“Không công bố dịch sởi không có nghĩa không có dịch. Từ trước đến nay, trong văn bản gửi các địa phương, Bộ Y tế luôn khẳng định cần phải tăng cường phòng,chống dịch sởi. Và thực tế, dịch sởi đã và đang xảy ra ở 61/63 tỉnh, thành phố”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định tại cuộc họp báo thông tin phòng, chống dịch sởi lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội chiều 18/4, sau gần 4 tháng xảy ra dịch sởi.


Số ca tử vong cao


Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 8.779 ca phát ban nghi mắc bệnh sởi; trong đó có tới 112 ca tử vong liên quan đến bệnh sởi.

 

Nhiều bà mẹ đã chủ động tiêm vắcxin để phòng bệnh sởi cho trẻ.
Ảnh: Quý Trung - TTXVN

 


Đánh giá về con số 112 ca tử vong do dịch sởi, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ thừa nhận: “Hàng năm, dịch sởi vẫn xảy ra tản phát, vài ba năm lại xảy ra một vụ dịch nhưng trong vòng 10 năm nay, chỉ có năm 2009 - 2010 (năm cũng xảy ra dịch) là ghi nhận 4 ca tử vong. Do đó, con số 112 ca tử vong do liên quan đến sởi thời gian qua là điều bất thường. Nhưng nguyên nhân vì sao lại xảy ra bất thường này thì cần phải có thời gian điều tra hồi cứu lại, nhất là điều tra về những ca tử vong trong thời gian qua”.

“Hiện nay đang có tình trạng trên “nóng”, dưới “lạnh”, dù Bộ Y tế rất quyết liệt trong việc triển khai tiêm vắcxin nhưng thực tế, nhiều địa phương chưa thực sự vào cuộc, tăng cường tuyên truyền, kiểm tra giám sát việc thực hiện hoạt động này. Bởi vậy, sắp tới, Bộ Y tế sẽ công bố công khai những địa phương có tỷ lệ tiêm phòng vắcxin sởi thấp trên các phương tiện truyền thông”.

GS.TS Nguyễn Thanh Long,
Thứ trưởng Bộ Y tế


Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương lại cho rằng: “Tính chất của dịch sởi năm nay không nguy hiểm hơn các vụ dịch khác. Điểm khác biệt là số ca sởi tử vong năm tập trung chủ yếu tại BV Nhi Trung ương; trong khi đó, tại các địa phương khác, như TP Hồ Chí Minh lại không hề xảy ra ca tử vong nào. Do đó, vấn đề chính hiện nay là làm tốt công tác cách ly, chống nhiễm khuẩn và giảm tải cho BV Nhi Trung ương”.


Liên quan đến vấn đề “Liệu tỷ lệ tử vong cao có phải do ngành y lúng túng, chậm cập nhật phác đồ điều trị cho tuyến dưới?”, TS Nguyễn Văn Kính khẳng định: “Phác đồ điều trị bệnh sởi được áp dụng từ năm 2009 đến nay vẫn hiệu quả. Việc thay đổi điều trị phải dựa vào triệu chứng lâm sàng, bệnh cảnh của bệnh nhân, dựa vào kinh nghiệm đã đúc kết được trong quá trình khám chữa bệnh để bổ sung thêm những kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả trong điều trị.

Năm nay, có một số trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi; đây là đối tượng chưa tiêm phòng, cũng chưa thể sử dụng máy thở để hỗ trợ trong quá trình điều trị, khi mắc sởi các cháu bị giảm miễn dịch nên dễ bội nhiễm vi sinh vật kháng thuốc... Do đó, Hội đồng chuyên môn quyết định cập nhật thêm một số loại thuốc nhằm nâng cao tính miễn dịch cho trẻ”.


Nguy cơ lây lan lớn


Theo thống kê của Bộ Y tế, ngày 17/4, có thêm 2 bệnh nhi nữa tử vong tại BV Nhi Trung ương. Như vậy từ đầu mùa dịch đến nay, tại BV này đã có tới 105/112 ca tử vong của cả nước. Đau xót và lo lắng hơn nữa là cùng ngày, tại đây có tới 33/38 ca mắc mới là những bệnh nhi đang điều trị tại khác khoa, phòng khác trong BV.


Theo đánh giá của một số bác sĩ nhi khoa, việc chỉ có 5 ca sởi mới nhập viện/ngày tại BV Nhi Trung ương là một tín hiệu đáng mừng, bởi lẽ khoảng 1 tuần trước đó, mỗi ngày tại đây có khoảng 30 ca sởi nhập viện. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại nằm ở con số 33 bệnh nhi chuyển từ các khoa, phòng khác về khoa Truyền nhiễm do bị lây nhiễm thêm bệnh sởi. Điều đó cho thấy, BV Nhi Trung ương đang là một ổ dịch sởi lớn, nguy cơ lây lan cho các bệnh nhi khác đến khám và đang điều trị tại BV là rất cao, 90% người chưa có miễn dịch tiếp xúc với bệnh sởi có thể mắc sởi.

Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Nguyễn Trần Hiển:

Để khẩn trương khống chế dịch sởi, song song với việc tăng cường tiêm chủng thường xuyên, Bộ Y tế đã và đang triển khai kế hoạch tiêm vét vắcxin sởi trong các tháng 2, 3 và 4/2014. Đối tượng tiêm vét là tiêm mũi 1 cho trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa được tiêm vắcxin sởi, tiêm mũi 2 cho trẻ từ 18 tháng đến 2 tuổi đã tiêm 1 mũi vắcxin sởi.

Đối với tiêm vắcxin sởi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, áp dụng lịch tiêm chủng do Bộ Y tế đã phê duyệt. Cụ thể là trong tiêm chủng thường xuyên: Mũi thứ nhất khi trẻ 9 tháng tuổi và mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi. Trong tiêm chủng chiến dịch: thực hiện tiêm vắcxin cho tất cả các đối tượng trong phạm vi của chiến dịch. Khoảng cách tối thiểu giữa 2 mũi tiêm vắcxin sởi là 1 tháng.

Thu Phương


Về phía BV Nhi Trung ương, ông Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết: “Chiến lược của BV hiện nay là kiên quyết giảm quá tải, giảm tử vong. Chúng tôi đang tập trung giảm lượng bệnh nhân phải nằm ghép, giảm số ca phẫu thuật ngoại khoa hẹn trước , tại BV chỉ thực hiện điều trị những ca nặng, cấp cứu và bán cấp cứu… ”.


GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định: “Đối với BV Nhi Trung ương, Bộ Y tế đã sớm cùng BV tìm các giải pháp như tăng cường rà soát quy trình khám và điều trị bệnh, sàng lọc phân loại bệnh nhân nghi sởi ngay tại khoa Khám bệnh để có phương án điều trị hiệu quả, chú trọng việc phân tuyến điều trị phù hợp. Đồng thời, tăng cường các biện pháp nhằm giảm thiểu tử vong ở trẻ thông qua việc bổ sung các máy thở, cung ứng các phương tiện và thuốc đầy đủ; bảo đảm dinh dưỡng cho các cháu điều trị tại BV, đặc biệt các cháu khó ăn uống nhằm nâng cao thể trạng cho bệnh nhi”.


Thứ trưởng Long cũng khẳng định, Bộ Y tế cũng không hề “giấu” thông tin về dịch sởi, việc Bộ thông báo 25 ca tử vong là bởi đó là những ca được khẳng định chắc chắn do sởi; 87 ca tử vong còn lại là những ca liên quan đến sởi, trên cơ thể trẻ mắc nhiều loại vi rút nên việc khẳng định nguyên nhân do bệnh nào cần phải nghiên cứu, điều tra làm rõ. Tuy không công bố dịch (vì phải căn cứ vào quy định từ Luật Truyền nhiễm) nhưng Bộ Y tế đã triển khai rất nhiều biện pháp nhằm sớm khống chế dịch.


Thời gian tới, để ngăn chặn dịch sởi lây lan, ngành y tế vẫn tập trung vào giải pháp quan trọng nhất là tiêm vét vắcxin cho trẻ dưới 2 tuổi. Tới đây, 5 đoàn kiểm tra của Bộ Y tế sẽ đi thị sát, kiểm tra công tác điều trị, phòng chống dịch sởi tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để tiếp tục khắc phục tình trạng quá tải, giảm tử vong và giảm số ca mắc sởi.


Như cách giải thích của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long và các chuyên gia y tế, hiện nay, ngành y tế đang nỗ lực hết sức để giảm tử vong, giảm số ca mắc sởi và sớm khống chế dịch sởi trong thời gian tới. Tuy nhiên, câu trả lời chính xác nhất vẫn là hiệu quả từ thực tế. Chỉ khi chấm dứt ca tử vong, chấm dứt sự lây lan dịch sởi thì dư luận mới bớt hoang mang và tin rằng ngành y tế đã làm tròn trách nhiệm của mình.


Phương Liên

Tăng cường giám sát, không để bệnh sởi lây lan thành dịch
Tăng cường giám sát, không để bệnh sởi lây lan thành dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch sởi, nhiều địa phương đã chủ động đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN