Đi chợ gà mùa dịch - Bài cuối: Người tiêu dùng lơ là

Tại các chợ bán lẻ, ở hàng gia cầm, người bán vẫn bán, người mua cứ mua. Những người tiêu dùng tự chia thành hai nhóm: Nhóm quay lưng với thịt gà, tìm đến các loại thực phẩm thay thế; nhóm khác, đông hơn vẫn chọn thịt gà làm thức ăn cho gia đình.

 

“Thích thì vẫn ăn”


Dạo quanh các chợ truyền thống tại Hà Nội: chợ Hôm (phố Huế, quận Hoàn Kiếm), chợ Xanh (phường Định Công, quận Hoàng Mai), chợ Đại Từ (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai), chợ Phương Mai (quận Đống Đa) có thể nhận thấy, thịt gia cầm vẫn được bày bán tại các chợ, lượng mua giảm nhưng không đáng kể.


Đa phần người tiêu dùng vẫn chọn thịt và trứng gia cầm làm thực phẩm trong bữa ăn.


Giá thịt gà tại các chợ phổ biến ở mức: gà ta lông giá từ 130.000 - 150.000 đồng/kg, gà ta làm sạch 150.000 - 180.000 đồng/kg, gà công nghiệp 65.000 - 85.000 đồng/kg, gà mía còn lông 80.000 - 90.000 đồng/kg.


Chủ quan và thờ ơ là tâm lý chung của không ít người tiêu dùng mặc dù dịch cúm gia cầm A/H5N1 và dịch cúm A/H7N9 vẫn đang diễn biến khó lường. Chị Phạm Thị Thu, nhà ở phố Phương Mai (quận Đống Đa) thành thực: “Dịch ở đâu chứ chưa thấy về đến Hà Nội. Nhà tôi vẫn mua gà về ăn bình thường!”.


Chị Trang, nhân viên kế toán công ty về vật liệu xây dựng trên phố Giải Phóng (Hà Nội) thì thật thà: “Dịch cúm A/H7N9 chưa xảy ra ở Việt Nam nên cũng chưa lo. Khi mua, chẳng mấy khi em hỏi về nguồn gốc”.

 

Chọn mua hàng quen, giá đắt


Mặc dù không tẩy chay thịt gà hay thịt vịt nhưng người tiêu dùng cũng hoang mang vì ra chợ khó biết được điểm khác nhau giữa gà ta và gà Trung Quốc. Không chỉ riêng các bà nội trợ, mà các cơ quan chức năng cũng bối rối khi phân biệt gà trong nước với gà nhập lậu. Ông Vũ Xuân Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cũng thừa nhận thực tế này.


Trước tình hình trên, cách ứng phó với dịch cúm A/H7N9 và A/H5N1 của người tiêu dùng là chọn địa chỉ thuộc để mua. “Tôi thường mua tại những cửa hàng quen”, chị Phạm Thị Thu chia sẻ. Cùng tâm lý này, một khách mua hàng tên Hùng (phố Đào Tấn, Hà Nội) đang mua hàng tại cửa hàng chuyên cung cấp gà ta trên phố Đội Cấn cũng cho biết: “Tôi mua quen ở đây rồi! Ở đây họ bán gà quê nên không sợ”.


Thay đổi cách tiêu dùng là một xu hướng khác của nhiều người nội trợ. Chị Thủy (khu đô thị Định Công - Hoàng Mai) cho biết: “Trước kia, tôi hay mua gà làm sẵn nhưng giờ để yên tâm hơn, tôi chuyển sang mua gà lông rồi nhờ họ làm cho. Tuy mất công chờ đợi nhưng mình sẽ chọn được gà khỏe”.


Một số bà nội trợ lại chuyển qua chọn gà giá đắt với suy nghĩ: hàng đắt thì sẽ chất lượng hơn, đáng tin hơn. “Tôi chọn loại đắt cho yên tâm. Vì nói thực, tôi cũng không biết thế nào là gà Trung Quốc, gà Việt Nam, gà thải loại. Khi gà đã được làm sẵn rồi lại càng khó phân biệt hơn, chị Vân Anh, nhà ở khu chung cư Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) chia sẻ.


Trong khi tại các chợ truyền thống, người dân quay lưng với gà giá rẻ và không rõ nguồn gốc thì tại các siêu thị, tình hình mua bán gà vẫn diễn ra bình thường. Đại diện siêu thị Fivimart cho biết: “Giá gà không giảm, lượng cung và cầu vẫn không biến động trong thời gian gần đây.



Mạnh Minh

 

Quá trình từ đi chợ đến tử vong của một nạn nhân cúm A/H7N9
Quá trình từ đi chợ đến tử vong của một nạn nhân cúm A/H7N9

20 ngày sau khi đi chợ gia cầm, anh Hongming đã chết. Anh bị nhiễm virus cúm A/H7N9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN