Chiếc xương cá hình chiếc dù nằm trong phế quản người đàn ông

Ngày 22/6, bác sĩ Lê Trần Quang Minh, Phó giám đốc bệnh viện Tai Mũi Họng TP Hồ Chí Minh, cho biết bệnh viện vừa nội soi lấy được một chiếc xương cá lóc có hình chiếc dù cắm ngược vào thùy phổi khiến bệnh nhân bị tổn thương niêm mạc phổi.

Chiếc xương cá hình chiếc dù đã được gắp ra khỏi phế quản bệnh nhân.

Theo đó, bệnh nhân Phan Hữu T., 52 tuổi, ngụ Bình Dương nhâp viện trong tình trạng có dị vật trong phế quản, ho có đàm, tức ngực. Qua lời kể của bệnh nhân, trước khi nhập viện 10 ngày, trong bữa cơm trưa ông có ăn canh cá lóc bị sặc và ho nhiều. Sau khi sặc, bệnh nhân cảm thấy khó thở, sau đó chuyển sang đau tức ngực.


Ngay sau đó, ông được đưa vào bệnh viện đa khoa Bình Dương. Tại đây, ông được chẩn đoán viêm phổi, điều trị mấy ngày nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện Tai Mũi Họng TP Hồ Chí Minh.


Sau khi khai thác bệnh sử và ghi nhận các triệu chứng của bệnh nhân, các bác sỹ bệnh viện Tai Mũi họng đã triển khai chụp CT Scaner và phát hiện một dị vật trong phế quản thùy dưới bên phổi phải của bệnh nhân. Đồng thời có một lượng lớn khí bị ứ trong thùy dưới phổi. Sau khi xét nghiệm các chỉ số an toàn cho bệnh nhân, các bác sỹ tiến hành soi thanh khí phế quản và lấy ra dị vật là một chiếc xương cá có kích thước 0,5x0,2cm, hình dạng giống như chiếc dù.


Theo bác sỹ Dương Thanh Hồng, trưởng Khoa Tai mặt cổ - bệnh viện Tai Mũi Họng, việc lấy dị vật xương cá ra khỏi phổi của bệnh nhân gặp khó khăn do áp lực âm từ phế quản hút chặt xương cá, chiếc xương cá hình chiếc dù cắm ngược vào thùy phổi khiến cho nguy cơ gây tổn thương niêm mạc phổi. Do đó, việc nội soi phải được tiến hành một cách khéo léo, nhẹ nhàng.


Bác sĩ Dương Thanh Hồng, cho biết thêm đây là một trường hợp điển hình của dị vật bỏ quên. Trước đây, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp bỏ quên 3 -5 năm. Nguy cơ biến chứng tùy thuộc vào tính chất của dị vật đó. Các dị vật như bằng kim loại cục pin điện tử, các hạt tinh dầu nhiều như đậu phộng sẽ nguy hiểm bởi dễ gây nhiễm trùng... có thể diễn tiến thành viêm phổi tái diễn nhiều lần, tạo thành áp xe và có thể trở thành lao phổi.


Các bác sĩ khuyến cáo, không nên vừa ăn vừa uống vừa đùa giỡn, bởi có nguy cơ hóc và rơi các loại thức ăn xuống đường thở nhất là trẻ em. Nếu dị vật đường thở quá lớn, gây bít đường thở có thể dẫn đến tử vong. Khi trẻ bị viêm phổi tái phát nhiều lần, ho nhiều thì nên thăm khám ở các bệnh viện chuyên khoa vì có thể là có dị vật đường thở bỏ quên.


Đan Phương/Báo Tin Tức
Điều trị thành công cho bệnh nhân bị co giật nửa mặt hơn 8 năm
Điều trị thành công cho bệnh nhân bị co giật nửa mặt hơn 8 năm

Theo thông tin từ bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, ngày 16/5 các bác sĩ Ngoại thần kinh của bệnh viện đã thực hiện phẫu thuật giải áp vi mạch, điều trị thành công tình trạng co giật nửa mặt cho bệnh nhân kéo dài hơn 8 năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN