Cảnh giác với bệnh uốn ván

Bệnh nhân liên tục phải thở máy, ăn uống phải thông qua ống xông, toàn thân co cứng và rung liên hồi... đó là tình cảnh rất đáng thương của những bệnh nhân bị nhiễm trùng uốn ván đang nằm điều trị tại Khoa Cấp cứu- điều trị đặc biệt, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Cái sảy nảy cái ung

Khoa Cấp cứu- điều trị đặc biệt, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương những ngày này đang quá tải trầm trọng với số bệnh nhân nặng như bệnh nhân liên cầu lợn, sốt phát ban, nhiễm trùng máu... Gây sự chú ý đặc biệt là nhóm bệnh nhân uốn ván. Hầu hết các bệnh nhân này bị hôn mê, xung quanh giường bệnh là rất nhiều dây rợ, máy móc theo dõi tình trạng sức khỏe. Toàn thân bệnh nhân bị co cứng và co giật liên tục...

Khám điều trị cho bệnh nhân uốn ván tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư (Bộ Y tế). Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Tại buồng bệnh cuối cùng của Khoa Cấp cứu- điều trị đặc biệt, một bệnh nhân nam, 25 tuổi, ở Lương Định Của, Hà Nội, đang nằm hôn mê trên giường bệnh. "Bệnh nhân có vết thương ở ngón chân trái sau khi đá bóng nên tới một cơ sở y tế gần nơi đá bóng để sơ cứu, rửa, khâu vết thương và tiêm huyết thanh chống uốn ván. Nhưng vì bệnh nhân không đi tiêm phòng vắcxin uốn ván ngay nên khoảng 10 ngày sau, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện triệu chứng cứng hàm, co cứng toàn thân, có những cơn co giật, phải nhập viện", Ths. BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu- điều trị đặc biệt, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết.

Vào bệnh viện từ ngày 30/4, hiện nay bệnh nhân này vẫn trong tình trạng tăng trương lực cơ, toàn thân co giật, phải dùng thuốc an thần liều cao. "Vì bệnh nhân bị co thắt ở vùng hầu họng, không thở được nên chúng tôi phải mở khí quản và cho bệnh nhân thở máy. Đặc biệt, bệnh nhân này đang có bội nhiễm phổi, nên việc điều trị phức tạp hơn. Tiên lượng phải nằm điều trị ít nhất một tháng", BS Cấp cho biết.

Nằm ở phòng kế bên, bệnh nhân Vũ Ngọc Hồng, Nam Định cũng đang ở tình trạng tương tự. Vợ bệnh nhân Hồng, chị Trần Thị Quế cũng rất lo lắng: "Hiện nay, chồng tôi vẫn sốt, người thì co cứng và cứ giật liên hồi. Gia đình đâu có ngờ được chỉ vì viên gạch rơi vào chân thôi mà ra nông nỗi này".
Gạt nước mắt, chị Quế tâm sự: "Hôm 16/3 âm lịch, ông xã tôi bị gạch rơi vào chân. Chân không sưng lắm nhưng sau đó lại thấy đau họng, đau cổ và mệt nên tự đi mua thuốc kháng sinh về uống. Hàng ngày, anh ấy vẫn rửa vết thương bằng ôxy già. Sau thấy vết thương không đỡ, người càng ngày càng ốm hơn nên gia đình đưa tới bệnh viện".

Cho đến khi tâm sự với PV Tin Tức, chị Quế cũng vẫn rất ngạc nhiên vì sao chỉ vì cái hòn gạch con con mà chồng chị lại rơi vào tình trạng hôn mê, ăn uống đều phải qua ống xông và chưa biết khi nào sức khỏe sẽ hồi phục.

Giải thích về vấn đề này, BS Cấp cho biết: "Bệnh nhân nhiễm trùng uốn ván có đủ mọi nghề: nhiều nhất là công nhân, nông dân hay bị xước tay chân, tai nạn lao động. Nhưng cũng có người bệnh nhập viện do ngã trong khi chơi thể thao, tai nạn giao thông, hoặc chỉ vì cái dằm hay đất rơi vào kẽ chân... cũng có thể bị bệnh uốn ván".

Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung uơng, từ đầu năm đến nay Bệnh viện đã tiếp nhận 43 bệnh nhân bị uốn ván, trong đó riêng tại Hà Nội là 8 ca.

Nguyên nhân gây bệnh uốn ván là do độc tố của vi trùng uốn ván sinh ra. Vi trùng uốn ván tồn tại dưới dạng nha bào, thường có trong đất, cát, môi trường xung quanh. Khi bị thương, nếu xử lý vết thương không tốt thì nha bào đó sẽ thoát vỏ thành vi trùng uốn ván tiết ra độc tố uốn ván, gây nhiễm độc hệ thần kinh vận động khiến người bệnh bị co cứng toàn thân và co giật liên tục. Thời gian điều trị thường kéo dài từ 1- 1,5 tháng.

Theo BS Cấp: "Tại khoa đang có 6 bệnh nhân uốn ván nằm điều trị. Hầu hết bệnh nhân đều phải mở khí quản, thở máy và dùng các thuốc có an thần liều rất cao. Trong quá trình nằm viện như thế, bệnh nhân rất dễ bị bội nhiễm nên phải dùng kháng sinh liều rất cao. Việc chữa trị, chăm sóc bệnh nhân uốn ván tốn kém về chi phí và nhân lực. Đặc biệt, sự hồi phục sức khỏe của bệnh nhân sau điều trị cũng rất phức tạp, trung bình mỗi bệnh nhân sút khoảng 10- 20 kg sau mỗi đợt điều trị. Và do đây là một bệnh nặng nên dù các trang thiết bị được cải thiện nhiều nhưng tỷ lệ tử vong ước khoảng từ 3 - 6%”.

Sau 10 năm, tiêm nhắc lại vắcxin uốn ván

Theo các BS Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đa phần bệnh nhân bị nhiễm trùng uốn ván là nam giới, tập trung ở lứa tuổi thanh niên và trung niên. "Sở dĩ, phụ nữ ít bị nhiễm trùng uốn ván vì chúng ta làm khá tốt việc tiêm phòng vắcxin cho phụ nữ mang thai. Đối với nam giới thì dù đã được tiêm vắcxin từ lúc còn nhỏ nhưng sau một thời gian dài (trên 10 năm) hiệu lực bảo vệ của vắcxin sẽ giảm nên dễ mắc bệnh uốn ván", BS Cấp lý giải.
Cách tốt nhất để phòng bệnh uốn ván là tiêm vắcxin phòng bệnh và sau 10 năm nên tiêm nhắc lại. Khi không may bị thương tích, cần xử lý vết thương tốt để phòng tránh uốn ván. Cụ thể, cần lấy hết dị vật ở vết thương ra. Sau khi được tiêm huyết thanh chống uốn ván thì vẫn phải tiêm vắcxin phòng bệnh. Mục đích khi huyết thanh chống uốn ván hết tác dụng bảo vệ thì việc tiêm vắcxin sẽ giúp cơ thể tự sinh kháng thể chống uốn ván phòng bệnh.

Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN