Bổ sung vi chất dinh dưỡng, giảm nguy cơ mắc bệnh cho trẻ nhỏ

Hôm nay, Ngày vi chất dinh dưỡng (1-2/6), là ngày trẻ dưới 5 tuổi trên toàn quốc được bổ sung vitamin A tại các trạm y tế xã/phường. Nhưng theo khuyến cáo của chuyên gia dinh dưỡng, các bà mẹ cũng cần chú ý bổ sung cho bé vitamin B, C, các chất kẽm, sắt, i-ốt…

Ngoài bổ sung vitamin A hàng năm, các bà mẹ cũng cần chú ý bổ sung các vitamin B, C, sắt, kẽm... cho trẻ dưới 5 tuổi. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN.

Thiếu vi chất trẻ lười ăn, dễ mắc bệnh nhiễm trùng


Theo Ths.BS Trần Khánh Vân, Phó Trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, vi chất dinh dưỡng  là các chất mà cơ thể chúng ta chỉ cần với một lượng rất nhỏ nhưng nếu thiếu sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe.


Đơn cử, nếu thiếu vitamin Asẽ gây quáng gà, khô mắt, loét giác mạc gây mù lòa, chậm tăng trưởng, dễ bị các bệnh nhiễm trùng như: Viêm hô hấp, tiêu chảy, nhiễm trùng da.


Sắt cũng là một vi chất quan trọng tham gia vào quá trình tạo máu và một phần cấu trúc của bộ não. Nếu trẻ bị thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu (do thiếu sắt) làm giảm phát triển thể chất, trí tuệ, giảm sức đề kháng của cơ thể đối với nhiễm trùng và giảm khả năng hoạt động thể lực.


Hay vitamin D và canxi lâu nay vẫn được biết đến với vai trò quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển xương và răng. Thiếu 2 vi chất này, trẻ sẽ chậm mọc răng, ngủ không yên giấc, hay vặn mình, ra nhiều mồ hôi trộm...


“Kẽm là thành phần của hơn 300 enzyme tham gia các hoạt động của cơ thể giúp tăng hấp thu, tăng tổng hợp chất đạm, tăng cảm giác ngon miệng, tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp trẻ tăng trưởng chiều cao. Thiếu kẽm sẽ làm cho trẻ bị biếng ăn, dễ bị nhiễm trùng, chậm phát triển thể chất, trí não”, Ths.BS Trần Khánh Vân, khuyến cáo.


Mặc dù có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của trẻ nhỏ, song theo điều tra của Viện Dinh dưỡng, đến nay, nhiều bà mẹ vẫn chưa chú trọng bổ sung đầy đủ các vi chất dinh dưỡng cho trẻ thông qua các bữa ăn hàng ngày, đặc biệt tình trạng thiếu máu, thiếu kẽm còn phổ biến.


Kết quả của Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc năm năm 2014-2015 cho thấy tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ có thai là 80,3%, phụ nữ không có thai 63,6% và trẻ em dưới 5 tuổi là 69,4%. Trước thực trạng này, các chuyên gia dinh dưỡng đã đặc biệt khuyến cáo các bà mẹ cần phải chủ động hơn trong việc bổ sung kẽm cho con trẻ, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và trí não sau này.


Cần chủ động vi chất từ nguồn thực phẩm tự nhiên


PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, cho biết, có 3 giải pháp chính để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ gồm: Bổ sung trực tiếp các vi chất dinh dưỡng như uống vitamin A, viên sắt, dầu I-ốt…); Tăng cường vi chất vào thực phẩm); Đa dạng hóa bữa ăn, cải thiện toàn diện chất lượng bữa ăn của người dân).


Trong đó, việc cung cấp vi chất dinh dưỡng từ nguồn thực phẩm tự nhiên được các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá là biện pháp lâu dài và có tính bền vững cao trong việc cải thiện chất lượng bữa ăn của người dân, nhất là đối với trẻ nhỏ.


Cụ thể, các bà mẹ có thể cung cấp Beta-caroten (tiền chất của Vitamin A) cho trẻ từ các loại rau, quả có màu vàng, đỏ (như cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam, xoài, đu đủ, dưa hấu…) và các loại rau có lá xanh sẫm (như rau muống, rau ngót, cải bó xôi, xúp lơ xanh…).

Hàm lượng Beta- caroten (tiền chất vitamin A) có trong các loại rau. Ảnh: VDD

Trong các loại rau màu xanh sẫm còn có nhiều chất sắt và vitamin C. Hàm lượng vitamin C cao sẽ giúp cho việc hấp thu sắt tốt hơn. Các loại quả khác giàu vitamin C giúp nâng cao sức đề kháng và cung cấp nước cho trẻ như bưởi, táo, lê… đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, lạc...), đậu xanh nảy mầm cũng nhiều kẽm và dễ hấp thu.


Bên cạnh đó, vitamin A cũng có nhiều trong các loại gan động vật, lòng đỏ trứng, thịt... Ví dụ: trong 100 gam thịt gà có 120 mcg vitamin A; trong 100 gam lợn có 6000 mcg vitamin A.


Thức ăn nhiều kẽm là tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá…


Để bổ sung kẽm đúng cách, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, với trẻ dưới 6 tháng tuổi thì nguồn kẽm tốt nhất và dễ hấp thu nhất chính là sữa mẹ. Tuy nhiên, lượng kẽm trong sữa mẹ sẽ giảm dần theo thời gian. Vì thế, người mẹ cần tăng cường thức ăn giàu kẽm để duy trì lượng kẽm thông qua sữa mẹ, đảm bảo cho sự phát triển của trẻ.


Với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên có thể bổ sung kẽm qua thức ăn và thực phẩm bổ sung được bác sĩ chỉ định.


Phương Liên/Báo Tin Tức
Tăng cường bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ
Tăng cường bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ

Là tỉnh miền núi với 30 dân tộc cùng sinh sống, Yên Bái có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở mức cao so với mức trung bình của cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN