Bệnh nhân COVID-19 nặng nhất miền Bắc tươi rói ngày ra viện

Sáng 3/6 là một buổi sáng đặc biệt trong cuộc đời bà L.T.H, 64 tuổi, bệnh nhân COVID-19 số 19, cũng là bệnh nhân nặng nhất miền Bắc điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bởi hôm nay bà được ra viện, về nhà.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân số 19 (đứng giữa) chụp ảnh kỷ niệm cùng các y bác sĩ khoa Hồi sức tích cực trước khi trở về.

Sáng nay bà H. vẫn thức dậy và ăn sáng, vận động như mọi khi nhưng lại tất bật hơn bởi bà còn chỉnh trang y phục, sắp xếp đồ đạc để xuất viện, kịp ra sân bay trở lại TP Hồ Chí Minh, về đoàn tụ cùng con cháu sau thời gian dài xa cách vì nằm viện. Không giấu nổi niềm vui, nét mặt bà rạng rỡ hơn hắn, nom khoẻ khoắn, nhanh nhẹn khắc hẳn lúc chúng tôi gặp bà sau khi mới bình phục.

Những ngày trên giường bệnh, bà đã như người thân của các y bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Có lẽ bởi vậy mà buổi chia tay cũng bịn rịn, xúc động khi các y bác sĩ khoa Hồi sức tích cực cũng có mặt để tiễn chân bà lên chuyến xe ra sân bay và cùng nhau chụp lại những bức hình làm kỷ niệm.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân đã bình phục rất tốt.

Quá vui mừng vì những tưởng đã không có ngày bình phục để trở về như hôm nay, trong buổi xuất viện, bà L.T.H xúc động không biết nói gì ngoài gửi lời cảm ơn tới các bác sĩ và nhân viên điều dưỡng của bệnh viện đã tận tình chăm sóc trong suốt thời gian bà nằm điều trị. Đặc biệt là các bác sĩ, chuyên gia đã nỗ lực hết sức giành giật sự sống cho bà từ tay tử thần, không quản ngại khó khăn ngày đêm.

Bệnh nhân 19 cũng chia sẻ, sau khi trở về TP Hồ Chí Minh, bà sẽ vào Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục theo dõi bệnh tim mạch.

Chú thích ảnh
Những ngày gần đây, bệnh nhân đã có thể tự đi lại, ăn uống tốt.

Bệnh nhân 19 là bác của bệnh nhân 17 (ca mắc COVID-19 đầu tiên ở Hà Nội); bệnh nhân nhập viện ngày 7/3 và điều trị cho tới nay. Đây cũng bệnh nhân nặng nhất trong số các ca COVID-19 được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân từng diễn biến nặng và rất nặng, nhiều lúc nguy kịch; phải can thiệp thở máy xâm nhập, chạy hệ thống tim phối nhân tạo (ECMO) và đã có lúc ngừng tuần hoàn trong đêm khiến các y bác sĩ phải cấp cứu liên tục suốt hơn 40 phút mới có thể tái lập tuần hoàn cho người bệnh.

Chú thích ảnh
Các y bác sĩ tiến chân bệnh nhân ra xe để kịp ra sân bay.

Để có được sự hồi sinh kỳ diệu đó với bệnh nhân số 19 là cả sự nỗ lực rất lớn của các y, bác sĩ thời gian qua. Bởi bệnh nhân số 19 cũng là bệnh nhân có thời gian điều trị lâu nhất với gần 3 tháng điều trị kể từ khi phát hiện mắc bệnh.

BS. Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: Bệnh nhân nguy kịch nhất là vào ngày 8/4, sau khi đã có tiến triển và không cần đến ECMO được 4 ngày thì lại bị biến chứng sang viêm tim, loạn nhịp xảy ra và bệnh nhân ngừng tim. "Lúc đó, chúng tôi đã phải khẩn trương áp dụng các biện pháp cấp cứu tối cấp. Bệnh nhân được ép tim liên tục, thực hiện mọi biện pháp có thể. Hơn 40 phút đồng hồ đó thật sự là cuộc chiến “cân não” của các bác sĩ và ca trực"- BS Đồng Phú Khiêm nhớ lại. Rất may do trước đó được theo dõi sát sao 24/24, nên tình trạng của bệnh nhân được phát hiện kịp thời và sau những nỗ lực của ca cấp cứu, bệnh nhân đã hồi tỉnh trở lại."Đó là sự hồi sinh kỳ diệu của bệnh nhân và những nỗ lực của ê-kip cấp cứu, được giới chuyên môn đánh giá rất cao” -BS Đồng Phú Khiêm nói.

 

Tạ Nguyên- Ảnh: BV
Đã 48 ngày Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 do lây nhiễm trong cộng đồng
Đã 48 ngày Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 do lây nhiễm trong cộng đồng

Tính đến 6 giờ ngày 3/6, Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 trong 12 giờ qua, đã 48 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Bệnh nhân nặng nhất là phi công người Anh đã có những chuyển biến tích cực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN