02:23 19/02/2012

Sữa tăng giá: điệp khúc gây sốc

Từ ngày 13/2, nhiều hãng sữa trên địa bàn TP.HCM đồng loạt thông báo tăng giá bán, cả sữa bột và sữa nước. Trong khi giá sữa nguyên liệu thế giới đang có xu hướng bình ổn, việc giá sữa nội và ngoại trong nước lại tăng đã gây ngạc nhiên cho không ít người.

Từ ngày 13/2, nhiều hãng sữa trên địa bàn TP.HCM đồng loạt thông báo tăng giá bán, cả sữa bột và sữa nước. Trong khi giá sữa nguyên liệu thế giới đang có xu hướng bình ổn, việc giá sữa nội và ngoại trong nước lại tăng đã gây ngạc nhiên cho không ít người.

Giá sữa tăng chóng mặt đang gây khó khăn cho không ít gia đình trẻ.


Thông tin từ Nestlé Việt Nam, bắt đầu cuối tháng 2, doanh nghiệp sẽ tiếp tục nâng giá bán dòng sản phẩm Lactogen với mức dự kiến tăng khoảng 10%, còn các dòng sữa khác vẫn giữ nguyên mức giá như hiện tại. Trước đó ngày 13/2, Công ty FrieslandCampina đã quyết định tăng giá 5% ở một số sản phẩm sữa nước và sữa đặc có đường; Công ty TNHH Fonterra Brands Việt Nam cũng tăng thêm 5 – 10% cho 12 dòng sản phẩm mang nhãn hiệu Anlene bột, Anlene nước, Anmum bột. Riêng Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) ngay từ những ngày đầu năm mới 2012 cũng đã “nhanh tay” điều chỉnh giá bán, với mức tăng bình quân 5 - 7%...

Theo lý giải của nhiều doanh nghiệp, nguyên nhân tăng giá là do thời gian qua nhiều loại nguyên liệu, chi phí sản xuất đầu vào tăng mạnh như: Sữa nguyên liệu tăng 8-22%, dầu diesel lên 36%, chi phí nhân lực điều chỉnh 11%, điện đắt hơn 5%... “Giá nguyên liệu sữa hiện đã tăng thêm hơn 20%, các nguyên vật liệu khác đầu vào khác cũng tăng khoảng 50%, chi phí đầu vào cho sản xuất như điện, nước, phí vận chuyển, xăng dầu... hiện cũng tăng dao động từ 10 - 15% so với cùng thời điểm năm 2011. Vì thế sau thời gian dài kìm giá bán bình ổn, trước các yếu tố bất lợi trên chúng tôi phải điều chỉnh lại giá bán” - bà Bùi Thị Hương, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại của Vinamilk cho hay.

Các chủ cửa hàng kinh doanh sữa trên “con đường sữa” Nguyễn Thông (quận 3) cho biết, cũng bất ngờ với đợt tăng giá lần này của các doanh nghiệp. Giá sữa hiện được đẩy lên cao chót vót là do hầu hết các doanh nghiệp “nại” lý do này, lý do nọ để đều đặn tăng từ 2 - 3 lần/năm. “Thường họ không công bố rộng rãi việc tăng giá mà âm thầm gửi bản thông báo áp dụng mặt bằng giá mới cho tụi em và hầu như giá mới đều cao hơn giá cũ khoảng 5%. Có đơn vị thay đổi giá mới xoành xoạch với mức tăng không đáng kể làm người tiêu dùng không để ý nhưng nếu cộng lại trong một năm mức tăng cũng hơn 15%”, chị Thu, nhân viên một cửa hàng bán sữa cho hay.

Khảo sát của ngành chức năng, nhờ tiềm lực mạnh về tài chính và năng lực kinh doanh cao, hiện gần 90% thị phần sữa bột trong nước do các hãng sữa nước ngoài chiếm lĩnh. Nguyên nhân chủ yếu góp phần đẩy giá thành sữa tăng cao, thiếu minh bạch là do doanh nghiệp mạnh tay chi cho đội ngũ tiếp thị, quảng cáo, khuyến mại, hoa hồng cho các đại lý cao gấp nhiều lần so với mức quy định. “Nằm trong danh mục 14 mặt hàng thiết yếu do Nhà nước Việt Nam quản lý giá và theo quy định hiện nay nếu mức tăng vượt 20% sẽ bị “tuýt còi”. Tuy nhiên, do đây là mặt hàng đang được kinh doanh hoàn toàn theo cơ chế thị trường cho nên theo quy định, các doanh nghiệp có quyền chủ động đưa ra giá bán và chịu trách nhiệm với giá, miễn là mức tăng mỗi lần không quá 20%”, ông Andy Yang- đại diện Tập đoàn bơ sữa NamYang Hàn Quốc cho biết.

Hiện mặt bằng giá sữa của Việt Nam đã cao hơn các nước trong khu vực khoảng 20-30% và do giá cao bất hợp lý, nhóm đối tượng có thu nhập trung bình vốn chiếm phần lớn trong dân số khó có cơ hội tiếp cận với loại thức uống bổ dưỡng này. Trước phản ứng của người tiêu dùng, hiện Cục Quản lý giá đã yêu cầu Sở Tài chính các tỉnh, thành kiểm tra có báo cáo về việc tăng giá sữa, đặc biệt ở nhóm sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi. Riêng những loại sữa còn lại, qua kê khai nhập khẩu của hải quan, Cục sẽ đối chiếu, kiểm tra xem các cơ cấu tính giá như: Giá nhập, quản lý… xem việc tăng có phù hợp không. Nhiều người trong cuộc cho rằng, cũng như những lần “ra tay” trước đó của ngành chức năng, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế và không mấy hiệu quả. Thực tế, hiện ngoài Vinamilk có đăng ký điều chỉnh giá, hầu hết doanh nghiệp đều “tự làm, tự chịu” theo cơ chế thị trường “lời ăn lỗ chịu”. Vì thế trước một “ma trận” lý giải cho việc tăng giá của mình, các nhà quản lý cũng “bó tay” chào thua và chỉ người tiêu dùng tiếp tục bị thiệt thòi.

Bài và ảnh: Lê Nghĩa