09:16 05/09/2014

Sự trỗi dậy của Ai Cập

Với các chương trình cải cách kinh tế táo bạo cùng những thành công bước đầu trong việc theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập và tự chủ, tân Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã đặt những viên gạch đầu tiên nhằm xây dựng nền móng vững chắc cho sự phát triển của quốc gia Bắc Phi này.

Với việc khởi động các dự án hạ tầng lớn, thúc đẩy các chương trình cải cách kinh tế táo bạo cùng những thành công bước đầu trong việc theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập và tự chủ, tân Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã đặt những viên gạch đầu tiên nhằm xây dựng nền móng vững chắc cho sự phát triển tương lai của quốc gia Bắc Phi này.

Kinh tế được chọn làm điểm đột phá với mục tiêu mở ra cánh cửa để giải quyết những khó khăn, thách thức khác. Hơn hai tuần sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống el-Sisi đã yêu cầu chính phủ giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 10% trong năm tài chính 2014-2015 từ mức kỷ lục hơn 14% trong năm trước đó.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi (trái) trong chuyến thăm Nga đầu tiên trên cương vị tổng thống. Ảnh: AFP-TTXVN


"Mệnh lệnh" của vị cựu Tư lệnh quân đội đã mở đường cho các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" như cắt giảm các chương trình trợ cấp và thực hiện các biện pháp cải cách kinh tế sâu rộng. Giá cả nhiều mặt hàng chiến lược được nhà nước trợ giá lần đầu tiên được điều chỉnh tăng sau nhiều năm.

Chính phủ Ai Cập đã quyết định nâng giá 40% - 175% đối với các sản phẩm dầu khí vốn được giữ nguyên từ năm 2006, đồng thời lên kế hoạch cắt giảm 25%/năm, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn trợ cấp nhiên liệu trong vòng 4 năm tới.

Cùng với việc tăng thuế đối với thuốc lá, rượu bia, bất động sản, lợi nhuận chứng khoán nhằm tăng thu ngân sách, giá bán điện bậc thang mới cũng được áp dụng kể từ đầu tháng 7 và dự kiến sẽ tăng hơn gấp hai lần vào năm 2018. Đặc biệt, trong bản kế hoạch ngân sách mới, ngân sách trợ cấp bánh mì đã bị cắt giảm tới 13%.

Những quyết định nói trên được xem là động thái hết sức dũng cảm của chính quyền el-Sisi. Trên thực tế, trợ cấp ngân sách là vấn đề rất nhạy cảm mà không nhà lãnh đạo chính trị nào dám đụng đến trong hàng chục năm qua ở Ai Cập. Năm 1977, bạo loạn nổ ra khiến hơn 70 người thiệt mạng khi Tổng thống Anwar Sadat có ý định cắt giảm trợ cấp lương thực để đáp ứng điều kiện vay vốn của các thể chế tài chính quốc tế.

Sau cuộc khủng hoảng, nhà lãnh đạo này đã có lời "trăng trối" và khuyến cáo những người kế nhiệm từ bỏ ý định xem xét lại chính sách trợ giá đụng chạm đến lợi ích của những người dân nghèo. Do vậy, dư luận đã hết sức bất ngờ khi Tổng thống el-Sisi thông báo cắt giảm mạnh trợ cấp ngân sách, qua đó đánh cược sinh mệnh chính trị của mình.

Điều dư luận càng bất ngờ hơn là việc đường phố Ai Cập hầu như vắng bóng những người biểu tình phản đối việc tăng giá đối với hàng loạt mặt hàng nói trên. Dấu hiệu này cho thấy chính sách đầy quyết đoán và táo bạo của tân Tổng thống el-Sisi bước đầu được đại đa số người dân chấp nhận, cùng chung tay chia sẻ gánh nặng nhằm vực dậy nền kinh tế đang bên bờ vực sụp đổ.

Một ưu tiên khác được chính quyền el-Sisi tập trung trong suốt 100 ngày qua là việc khởi động nhiều dự án quy mô lớn. Cả Ai Cập đang biến thành một đại công trường với dự án xây dựng và cải tạo 4.400 km đường bộ, xây mới một triệu căn hộ cho người thu nhập thấp, phát triển khu vực duyên hải phía Tây Bắc và nhất là dự án đào tuyến kênh mới dài 72 km chạy dọc theo kênh Suez được khởi công vào đầu tháng 8 vừa qua.

Ai Cập đang triển khai một tuyến kênh đào mới chạy song song kênh  Suez.



Công trường mới nhất có giá 4 tỷ USD này nhằm mục đích tạo ra hơn một triệu việc làm, thu hút 100 tỷ USD vốn đầu tư, tăng nguồn thu hàng năm của tuyến đường thủy chiến lược từ mức 5 tỷ USD hiện nay lên 13,5 tỷ USD vào năm 2023 và biến Ai Cập trở thành trung tâm thương mại - công nghiệp - hậu cần quốc tế. Không chỉ được kỳ vọng tạo ra hình hài mới cho đất nước, dự án thế kỷ này còn có thể giúp khôi phục niềm tin của gần 90 triệu dân đối với chính quyền.

Trên mặt trận đối ngoại, ngoài việc khôi phục tư cách thành viên Liên minh châu Phi (AU) bị đình chỉ sau cuộc chính biến vào mùa hè năm 2013, chính quyền el-Sisi cũng tạo được dấu ấn lớn khi thúc đẩy thành công thỏa thuận ngừng bắn vô thời hạn giữa Israel và Palestine, góp phần nâng cao vị thế của Ai Cập trong việc giải quyết các vấn đề khu vực.

Trong suốt cuộc xung đột kéo dài hơn 7 tuần tại Dải Gaza, Cairo đã trở thành tâm điểm của hàng loạt nỗ lực ngoại giao con thoi với sự can dự của nhiều nhà lãnh đạo thế giới. Các hoạt động này cùng với thỏa thuận đột phá nói trên một lần nữa khẳng định vai trò bảo trợ không thể thiếu của Ai Cập đối với tiến trình hòa bình Trung Đông và là nhân tố giữ ổn định trong khu vực.

Những điểm sáng trong bản tổng kết 100 ngày đầu cầm quyền của tân Tổng thống Ai Cập el-Sisi đang làm dấy lên hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho gần 90 triệu người dân nước này, bất chấp những thách thức đang phải đối mặt như nguy cơ bất ổn an ninh, tình trạng lạm phát, nghèo đói và thất nghiệp tăng cao...

Những chính sách lớn đã được vạch ra và bước đầu cho quả ngọt. Tuy nhiên, chỉ thời gian mới trả lời được liệu vị tổng thổng này có giữ vững được tay lái để đưa Ai Cập vượt qua những khó khăn và thách thức phía trước hay không.


Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Cairo)