08:06 11/08/2014

Sự thực việc Argentine bị tuyên bố 'vỡ nợ'

Argentine một lần nữa đã bị giới tài phiệt Mỹ đẩy vào tình cảnh “mất khả năng thanh toán” khi thẩm phán Thomas Griesa ra phán quyết có lợi cho 2 quỹ kền kền có trụ sở tại New York. Như vậy là sau 10 năm nỗ lực “tái cơ cấu nợ”, Argentine đã bị “vỡ nợ” trở lại.

Argentine một lần nữa đã bị giới tài phiệt Mỹ đẩy vào tình cảnh “mất khả năng thanh toán” khi thẩm phán Thomas Griesa ra phán quyết có lợi cho 2 quỹ kền kền có trụ sở tại New York. Như vậy là sau 10 năm nỗ lực “tái cơ cấu nợ”, Argentine đã bị “vỡ nợ” trở lại. Nhưng thực tế có phải như vậy?

 

Argentina bị các “quỹ kền kền” lợi dụng.


Kể từ ngày 30/7, các chủ nợ của Argentine đã không thể nhận được khoản tiền chi trả thường kỳ nửa năm một lần cho các trái phiếu chính phủ của quốc gia Nam Mỹ này. Lý do là khoản tiền 539 triệu USD mà Argentine gửi trong Ngân hàng Bank of New York Mellon (Mỹ) vài ngày trước đó đã bị phong tỏa sau khi Thẩm phán Thomas Griesa ở New York ra phán quyết rằng Argentine không được tiếp tục thanh toán cho các chủ nợ.


Nguồn cơn của phán quyết trên bắt đầu từ năm 2001, khi Argentine tuyên bố mất khả năng thanh toán đối với các khoản nợ nước ngoài lên tới 100 tỷ USD. Trong gần 10 năm sau đó, các chính quyền nước này đã thương lượng với các chủ nợ để xin tái cơ cấu nợ. Sau 2 đợt đàm phán lớn với các chủ nợ quốc tế, hầu hết các chủ nợ đã chấp nhận phương án xóa 70% nợ cho Argentine và cho chính quyền Buenos Aires thêm thời gian để thanh toán 30% số tiền còn lại, thay vì sẽ mất trắng. Tuy nhiên, có 7 chủ nợ, trong đó có 2 quỹ đầu cơ của Mỹ là NML Capital và Aurelius Management không chấp nhận phương án đưa ra. Hai quỹ đầu tư nợ xấu (hay còn gọi là quỹ “kền kền”) này đã kiện Argentine ra trước một tòa án ở New York, nơi họ đặt trụ sở. Argentina bị xử thua kiện, sau đó kháng cáo lên tòa án tối cao Mỹ và tiếp tục nhận phán quyết bất lợi nói trên.


Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một quốc gia sẵn sàng và có khả năng thanh toán cho các chủ nợ, song lại bị một thẩm phán nước ngoài không cho phép thực hiện điều đó. Giới truyền thông gọi đây là “sự vỡ nợ” (tiếng Anh là default) song nhiều người cho rằng nói đúng hơn đó chính là “lỗi của thẩm phán Griesa” (Griesafault). Argentine đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với công dân nước mình cũng như giới chủ nợ, những người đã chấp nhận cơ cấu lại khoản vay. Song phán quyết của thẩm phán Griesa lại khuyến khích cho hành động “ăn cướp” của các quỹ kền kền, đe dọa tới hoạt động của các thị trường tài chính quốc tế và thách thức nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa tư bản hiện đại: Con nợ khó đòi cần một khởi đầu mới.


Với nền kinh tế có quy mô gần 480 tỷ USD một năm như Argentine, món nợ 1,3 tỷ USD cho hai quỹ kền kền NML và Aurelius không phải là lớn, song tại sao Buenos Aires lại không thanh toán để khỏi mang tiếng là “vỡ nợ”? Câu trả lời rất đơn giản, nếu trả cho 2 quỹ đầu cơ trên của Mỹ, Argentine sẽ bị 5 chủ nợ không chấp nhận tái cơ cấu còn lại kiện ra tòa để đòi nợ. Đó là chưa kể tới việc nước này bị ràng buộc pháp lý theo điều khoản RUFO, theo đó đến hết ngày 31/12/2014, Argentine không được quyền ưu đãi thanh toán cho bất kỳ một chủ nợ nào.


Đối với Argentine, con đường đẩy quốc gia Nam Mỹ vào tình cảnh vỡ nợ hồi năm 2001 khởi đầu từ việc nợ quốc gia phình lên hồi những năm 1990, như một hệ quả của các cải cách kinh tế theo mô hình “Đồng thuận Washington” - những cải cách mà giới chủ nợ cho rằng sẽ làm giàu cho Argentine. Tuy nhiên, khi thử nghiệm thất bại, nền kinh tế Argentine phải gánh một cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội sâu sắc kéo dài từ năm 1998 tới 2002. Sau khi đàm phán tái cơ cấu xong, nền kinh tế Argentine bắt đầu khởi sắc. Trái phiếu chính phủ mà giới chủ nợ nước ngoài nắm giữ được chi trả hậu hĩnh và đều đặn. Chính lúc đó, các “quỹ kền kền” lại nhìn thấy một cơ hội để kiếm lời nhiều hơn. Các quỹ này không phải là những nhà đầu tư dài hạn vào Argentine, cũng không phải là những người tin tưởng vào hiệu quả của chính sách “Đồng thuận Washington”. Mục đích của họ là mua lại nợ xấu từ những chủ nợ của Argentine và sau đó dùng thủ đoạn pháp lý để đòi bồi hoàn 100% giá trị ban đầu của trái phiếu nhà nước do Argentine phát hành. Năm 2008, quỹ NML Capital đã chi 48 triệu USD mua công trái của Argentine với giá rẻ mạt và nay nhờ phán quyết của thẩm phán Griesa, quỹ này có thể nhận được 832 triệu USD, tức gấp 16 lần so với số tiền đầu tư ban đầu bỏ ra.


Như vậy, việc trả tiền cho các quỹ đầu cơ theo như phán quyết của thẩm phán Griesa sẽ tàn phá nền kinh tế Argentine. NML Capital và các “quỹ kền kền” khác chỉ chiếm 1% tổng số nợ công của Argentine, nhưng lại muốn nhận tổng số tiền lên tới 1,5 tỷ USD và như vậy các chủ nợ rắn mặt còn lại (chiếm 6,6% tổng số chủ nợ) sẽ nhận được 15 tỷ USD. Hay nói cách khác, chấp nhận phán quyết của thẩm phán Griesa, Argentine sẽ phải lao vào một cuộc đua pháp lý không hồi kết với giới chủ nợ và sẽ phải quay về điểm khởi đầu của thời kỳ khủng hoảng 2001. Nguy hại hơn, nếu 93% chủ nợ đã chấp nhận phương án tái cơ cấu nay đột nhiên đổi ý đòi xét lại thỏa thuận đã ký kết với Buenos Aires tại hai vòng đàm phán hồi năm 2005 và 2010 thì món nợ mà nước này phải trả sẽ gấp 10 lần con số 15 tỷ USD. Khi đó, mỗi người dân Argentine có thể phải gánh chịu một món nợ là 3.500 USD, tức hơn 1/3 thu nhập bình quân đầu người của nước này.


Đó là còn chưa tính đến tác động xấu trong tương lai xa hơn. Theo chuyên gia kinh tế Chritopher Dembik của ngân hàng Đan Mạch Soxo Bank: “Khi Argentine cần huy động vốn đầu tư thì giới tư bản sẽ thận trọng hơn trong việc cấp tín dụng cho quốc gia này”. Chuyên gia này nói thêm Argentine bị coi là ‘mất khả năng thanh toán có chọn lọc’. Điều đó có nghĩa là nước này chỉ tạm thời không thể trả nợ đáo hạn trong một thời gian nhất định, không có chuyện Argentine quỵt nợ”.

 

Nguyễn Việt Sơn