02:10 17/02/2011

Sự thật về những ngôi mộ hồ chứa nước Biển Hồ

Trong thời gian gần đây, thông tin ông Quách Trọng Hoan phát hiện khu mộ cũ ở lòng hồ B thuộc hệ thống hồ chứa nước Biển Hồ (TP Plâycu, tỉnh Gia Lai) đã gây xôn xao dư luận trên địa bàn.

Trong thời gian gần đây, thông tin ông Quách Trọng Hoan phát hiện khu mộ cũ ở lòng hồ B thuộc hệ thống hồ chứa nước Biển Hồ (TP Plâycu, tỉnh Gia Lai) đã gây xôn xao dư luận trên địa bàn.

Có nhiều thông tin vội vã, thiếu cơ sở về sự việc này, như: “Một người dân sống cạnh Biển Hồ vừa phát hiện khu nghĩa địa “ngầm” với hàng trăm ngôi mộ vẫn còn hài cốt bên dưới lòng hồ”, “Khi tới mục sở thị nghĩa trang này, thấy một mùi uế khí tanh, hôi bốc lên nồng nặc” hay “nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm môi trường do những hài cốt trong khu mộ”...


Đã có một số người dân ở các nơi khác khi nghe thông tin này thì đến nhận mộ người thân và cũng chẳng biết thực hư ra sao. Cũng có nhiều người mang hương đến để cầu khấn xin lộc...

Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi đã trực tiếp đến hiện trường và trao đổi với ông Lê Huy Quang, Chủ tịch UBND xã Biển Hồ. Ông Quang cho biết: Khu nghĩa địa này là có thật, được hình thành từ năm 1930 để chôn cất những “phu chè” thời kỳ Pháp thuộc. Đến năm 1979, dự án xây dựng đập thủy lợi Biển Hồ lấy nước tưới hàng ngàn hécta cà phê và lúa nước 2 vụ được thi công. Hệ thống hồ chứa nước Biển Hồ hình thành 2 hồ là hồ A và hồ B, nguồn nước ở hồ A chủ yếu dùng để cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt của người dân ở TP Plâycu, còn hồ B sử dụng làm nguồn nước tưới cho cây trồng ngắn và dài ngày.

Các ngành chức năng nhận thấy khu nghĩa địa này sẽ bị ngập nước sau khi ngăn đập nên đã thông báo và hỗ trợ kinh phí cho tất cả các hộ dân có thân nhân chôn cất trong khu vực thực hiện việc di dời.


Đối với các ngôi mộ không có người thân, chính quyền sở tại cũng đã bố trí lực lượng tiến hành di dời đến chôn cất tại khu vực làng Têng, xã Tân Sơn, TP Plâycu. Còn tại hiện trường chỉ có 58 que tre được cắm trên một số ụ đất, mặt đất là do ông Quách Trọng Hoan thắp hương tạo nên, ngoài ra không thấy hòm gỗ, hài cốt hay mùi uế khí tanh, hôi bốc lên nồng nặc như một số thông tin đã loan truyền.

Ông Nguyễn Danh Màu, một người dân sống tại tổ 7, thôn 4 (xã Biển Hồ - TP Plâycu) gần 30 năm đã khẳng định: "Tại khu mộ này, bà con vùng lân cận đã trồng hoa màu hàng chục năm nay mỗi khi mực nước cạn và cũng chẳng ai một lần đề cập đến vấn đề còn mộ phần trong lòng nước.

Còn những ụ đất mà ông Quách Trọng Hoan cho là mộ để đóng cọc và thắp nhang chỉ là trong quá trình canh tác bà con làm cỏ gom lại để lấy đất sản xuất và lâu ngày hình thành những mô đất nhấp nhô thôi. Chính người dân trong thôn chúng tôi cũng rất ngạc nhiên khi cho rằng ở khu mộ cũ này vẫn còn hàng trăm hài cốt chưa được di dời...".

Chiều 14/2, phóng viên đã gặp gỡ và trao đổi với ông Quách Trọng Hoan, khi ông mang một mớ cọc tre để tiếp tục tìm mộ tại khu này. Ông nói và chỉ tay về phía dưới mép nước của lòng hồ: "Phía dưới mép nước này vẫn còn khá nhiều mộ chưa được di dời và trách nhiệm của một người dân như tôi cần phải tìm cho bằng được để vong linh của những người quá cố được siêu thoát...". Khi được hỏi, cơ sở nào để ông phát hiện và khẳng định tại đây vẫn còn hàng trăm ngôi mộ chưa được bốc dỡ, ông chỉ biết trả lời “tâm linh mách bảo”.

Trao đổi về vấn đề ô nhiễm nguồn nước, ông Hà Quang Khanh, Giám đốc Công ty TNHH MTV cấp nước Gia Lai cho rằng vị trí ở chỗ cho là “nghĩa địa được phát hiện” ở hồ B, trong khi đó hồ B lại thấp hơn hồ A gần 1 mét. Khoảng cách từ nghĩa địa đến trạm bơm cấp nước sinh hoạt đặt tại hồ A hơn 2.000 m nên nguồn nước từ hồ B không thể đến được khu vực nhận nước sinh hoạt. Do đó, dù có hài cốt cũng không ảnh hưởng đến nguồn nước đơn vị cung cấp cho nhân dân.

Trước hết phải khẳng định rằng, việc làm của ông Quách Trọng Hoan là sai pháp luật, bởi ông không khai báo với chính quyền địa phương mà tự động khoanh từng mô đất gọi là ngôi mộ, thắp nhang và loan tin rộng rãi gây mất trật tự công cộng ở địa phương.


Còn để trả lời câu hỏi nơi đây có “hàng trăm ngôi mộ” hay không, chính quyền địa phương cần bảo vệ hiện trường và các ngành chức năng sớm “vào cuộc” để có kết luận rõ ràng cho nhân dân yên tâm hơn.

Nguyễn Hoài Nam