05:22 12/05/2015

Sự thất bại của các nước vùng Vịnh tại Yemen

Những diễn biến trên chiến trường Yemen từ trước tới nay đã cho thấy sự thất bại của các quốc gia vùng Vịnh và sự lãnh đạm của khu vực đã gây ra các cuộc xung đột như thế nào.

Những diễn biến trên chiến trường Yemen từ trước tới nay đã cho thấy sự thất bại của các quốc gia vùng Vịnh và sự lãnh đạm của khu vực đã gây ra các cuộc xung đột như thế nào. 

Để cứu Yemen, cộng đồng quốc tế và khu vực cần phải xem xét lại các biện pháp trung gian hòa bình của mình. Hiến pháp dự thảo và đề xuất liên bang hóa các khu vực của Yemen không phải là giải pháp vì không nhận được sự đồng thuận tại quốc gia này.

Thiệt hại dân sự là kết quả rõ ràng nhất của những cuộc dội bom xuống Yemen do liên quân thực hiện. Ảnh: AFP/TTXVN


Cuối tháng 3/2015, liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu đã dội bom xuống Yemen trong một nỗ lực nhằm đẩy lùi nhóm phiến quân Houthi theo dòng Shi'ite và đồng minh của họ là cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh. Mục tiêu của liên minh là buộc phiến quân Houthi phải thoái lui và làm suy yếu quyền kiểm soát của ông Saleh. Tuy nhiên, tới nay, kết quả rõ ràng nhất của cuộc chiến là "sự tàn phá dân sự". Ít nhất đã có 1.000 người dân Yemen thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương, hàng trăm nghìn người đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Cho dù các quốc gia vùng Vịnh thành công trong việc đẩy lùi phiến quân Houthi, song sự can thiệp của họ tại Yemen thực tế là một dấu hiệu của sự thất bại, nhất là đối với Saudi Arabia. Trên thực tế, quốc gia giàu có nhất trong thế giới Arập đã phải dội bom vào một quốc gia nghèo nhất để thay đổi thực trạng chính trị tại đây. Một số người thậm chí còn cho rằng cuộc khủng hoảng hiện tại ở Yemen là hậu quả trực tiếp của sự bị động của các quốc gia trong khu vực trong nhiều năm qua. Sáu quốc gia Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã ủng hộ sáng kiến của Liên hợp quốc năm 2011 tại Yemen sau "Mùa Xuân Arập" nhưng không đầu tư một cách đầy đủ vào tiến trình chuyển giao chính trị tại quốc gia này. Nhiều thập kỷ qua, Yemen đã nhiều lần đề nghị gia nhập GCC nhưng đều bị từ chối mà không có lý do chính thức, có thể vì Yemen quá nghèo và là nước Cộng hòa duy nhất trong câu lạc bộ các nền quân chủ.

Giờ đây, để giúp Yemen tìm lối thoát khỏi vũng lầy, cộng đồng quốc tế và khu vực cần phải xem lại các biện pháp trung gian hòa bình của mình. Hiến pháp dự thảo và cả đề xuất liên bang hóa Yemen đều không nhận được sự đồng thuận cũng như sự ủng hộ của công chúng Yemen. Trên thực tế, sự phản đối của phiến quân Houthi đối với các giải pháp chính trị đó đã giúp họ củng cố và gia tăng quyền lực. Hơn nữa, việc tạo ra một quốc gia mới - thông qua một hiến pháp mới hoặc liên bang hóa - sẽ không thể hoạt động được cho tới khi các thể chế nhà nước hoạt động trở lại. Một kế hoạch hòa bình phải dựa trên thực tế, chứ không phải thổi phồng thành một kế hoạch tham vọng thái quá cho tương lai.

Quan trọng hơn là các cường quốc khu vực, nhất là các nước vùng Vịnh, cần phải đánh giá lại chính sách của họ đối với Yemen. Thay vì tạo ra một trật tự khu vực mới mà về bản chất là nhằm tập trung vào ngăn chặn Iran, các quốc gia GCC cần phải là một mô hình cho sự hợp tác khu vực. Điều này không thể xảy ra nếu Yemen bị gạt ra bên lề của GCC. Và điều đó cũng chắc chắn không xảy ra nếu như chính sách của GCC đối với Yemen bị định hình bởi các động cơ giáo phái. Phiến quân Houthi có thể phải bị trừng phạt vì các hành động của họ, chứ không phải vì giáo phái của họ.

Ngoài ra, các nhân tố trung dung hơn - chẳng hạn như Oman và Liên minh châu Âu (EU) - cũng cần phải can dự vào các kế hoạch hòa bình, cả cấp độ quốc tế và khu vực. Họ có thể yêu cầu một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và bảo đảm rằng có đủ lượng lương thực và thiết bị y tế, thuốc men được đưa tới quốc gia này. Các nhân tố trung dung này cũng cần đổi mới cam kết của mình đối với Yemen bằng cách đặt những ưu tiên kinh tế và địa phương lên trên những sự ganh đua ảnh hưởng tại khu vực. Vấn đề thiết yếu nhất của Yemen tại thời điểm hiện tại là hơn một nửa dân số của họ đang đói khát. Vì thế, ưu tiên không phải là việc "bẻ tay" Iran thông qua sự tàn phá Yemen.


Lê Dương (Theo "Foreign Affairs")