02:23 26/02/2012

Sự hy sinh thầm lặng của những “chiến sĩ áo trắng”

Hiện tượng bệnh nhân hoặc thân nhân người bệnh đe dọa tinh thần và tính mạng của người thầy thuốc đang có xu hướng tăng. Do đó, bên cạnh sự tôn vinh thì những người thầy thuốc rất cần sự sẻ chia và bảo vệ của toàn xã hội.

Hiện tượng bệnh nhân hoặc thân nhân người bệnh đe dọa tinh thần và tính mạng của người thầy thuốc đang có xu hướng tăng. Do đó, bên cạnh sự tôn vinh thì những người thầy thuốc rất cần sự sẻ chia và bảo vệ của toàn xã hội.

Áp lực luôn cận kề

Không chỉ đối mặt với nguy cơ lây nhiễm nhiều bệnh dịch nguy hiểm, người thầy thuốc còn chịu rất nhiều áp lực khác trong quá trình khám chữa bệnh.

Đối diện hiểm nguy

Theo nhận định của các chuyên gia y tế, khoa hồi sức cấp cứu  là nơi căng thẳng nhất so với các khoa, phòng khác trong các bệnh viện. Bởi lẽ, đây là nơi thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân nặng, trong tình trạng thập tử nhất sinh, thậm chí là đã tử vong trước khi đến viện. Thân nhân đi kèm người bệnh trong các trường hợp này thường ở trạng thái căng thẳng, sẵn sàng “bùng nổ” bất cứ lúc nào. Rất nhiều người khi vừa vào đến khoa cấp cứu là la hét, quát tháo, gây áp lực cho nhân viên y tế. Lắm khi, cán bộ y tế vừa phải tiến hành cấp cứu, thao tác kỹ thuật chuyên môn để cố gắng cứu sống người bệnh, vừa phải nghe thân nhân của họ chửi rủa, thậm chí dọa nạt, đánh đập.

Cán bộ y tế chăm sóc điều trị người bệnh tại khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN


Tại BV Việt Đức, các cán bộ, nhân viên Khoa Cấp cứu còn vô cùng căng thẳng vì không ít lần phải cấp cứu cho những “đại ca giang hồ” gặp nạn sau những vụ hỗn chiến. Đi theo những “đại ca” đó là cả chục đàn em bừng bừng sát khí, nhiều tay hung hãn, trút giận cả lên cả BS và nhân viên y tế. “Bản thân tôi cũng đã từng bị  “đầu  gấu” hành hung khi đang chăm sóc thân nhân họ”, Ths Nguyễn Xuân Vinh, Điều dưỡng trưởng tại Khoa Can thiệp tim mạch, BV Việt Đức tâm sự.

BS Nguyễn Thị Đức Hiền, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Nội, BV Xanh Pôn cho biết, tại BV cũng thường xảy ra những tình huống tương tự. “Một lần, khi tiếp nhận một bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, tiên lượng có thể tử vong đột ngột,  kíp trực đã tiến hành ngay việc thăm khám và triển khai các biện pháp cấp cứu cần thiết. Nhưng khi một nữ y tá lấy máu để làm xét nghiệm thì bỗng nhiên bệnh nhân đó đột ngột ngừng tim (vì diễn biến của bệnh). Thế là, người nhà bệnh nhân xông vào đấm đá nữ y tá đó túi bụi”, BS Hiền chia sẻ.

Thoáng chùng giọng, BS Hiền kể tiếp: “Dù bị đánh rất đau nhưng nữ y tá đó vẫn không dám bỏ chạy vì vẫn phải ở lại tham gia cấp cứu cho bệnh nhân cùng các đồng nghiệp của mình. Kết quả, bệnh nhân đã được cứu sống. Sau đó, người nhà bệnh nhân xin lỗi vì hành động đã gây ra, nhưng vết thương về thể xác và nỗi đau về tinh thần cho nhân viên y tế thì ai có thể bù đắp được?”.

Khả năng lây nhiễm dịch, bệnh cao

Ngoài nguy cơ bị người bệnh hoặc gia đình họ đe dọa tới tinh thần, tính mạng, cán bộ, nhân viên ngành y còn luôn phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm và lây nhiễm các bệnh viêm gan B, HIV, SARS, cúm A/H1N1, lao, não mô cầu...

“Số lượng nhân viên y tế Việt Nam bị phơi nhiễm trong quá trình công tác tương đối nhiều, nhưng đến nay vẫn chưa có thống kê chính xác. Tại Khoa Hồi sức cấp cứu Nội, BV Xanh Pôn cũng đã có trường hợp cán bộ y tế bị phơi nhiễm bệnh từ bệnh nhân”, BS Hiền khẳng định.

PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ cho hay: Dù các cán bộ y tế dự phòng luôn thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng hộ cá nhân theo đúng quy trình phòng chống lây nhiễm, nhưng còn rất nhiều bệnh dịch không thể phòng ngừa hoàn toàn bằng các biện pháp phòng bệnh đặc hiệu. Bởi vậy, đã có những trường hợp cán bộ sau khi đi chống dịch về thì lại bị mắc bệnh rất nặng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

“Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ đã từng mất đi một cán bộ do mắc bệnh sốt xuất huyết thể rất nặng sau khi đi chống dịch trở về và không cứu chữa được. Người cán bộ ấy khi đó mới 26 - 27 tuổi”, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển thoáng buồn nhớ lại.

Theo phản ánh của nhiều y, BS, điều mà họ thấy buồn và lo lắng hơn cả là trong năm 2011 xuất hiện khá nhiều vụ việc thân nhân bệnh nhân có hành động hành hung bác sĩ trong khi họ đang cứu chữa cho người bệnh. Đó là trường hợp người nhà bệnh nhân rượt đuổi, đe dọa các BS Khoa cấp cứu, BV Đa khoa tỉnh Bình Phước (7/9), rồi vụ việc đâm chết bác sỹ Phạm Đức Giầu và đâm trọng thương một bác sỹ khác tại Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư, tỉnh Thái Bình (16/8),  hay trường hợp con trai của một bệnh nhân đã chửi bới, đánh đập 2 bác sĩ Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai (2/3)...

Theo BS Nguyễn Thị Đức Hiền, để hạn chế những vụ việc đáng tiếc nêu trên, cần phải tuyên truyền để nhân dân hiểu rằng: Người bệnh có quyền được chăm sóc, chữa trị, nhưng cũng có nghĩa vụ phải tôn trọng cán bộ y tế,  nội quy BV... Có như vậy mới tránh được tình trạng có những người bệnh hoặc gia đình bệnh nhân cho rằng mình có “quyền được chửi rủa”, còn nhân viên y tế thì bị xúc phạm đe dọa tính mạng như hiện nay”, BS Hiền đề xuất.

Phương Liên