04:23 01/04/2011

Sự hình thành Cơ quan tình báo Liên bang Đức - Kỳ cuối: Từ Tổ chức Gehlen trở thành Cơ quan tình báo liên bang

Tháng 6/1946, Gehlen được đưa từ Fort Hunt về Camp King tại Đức và chỉ 1 tháng sau, cơ quan tình báo lục quân Mỹ thành lập Tổ chức Gehlen, do Gehlen đứng đầu và Mỹ cấp kinh phí.

Tháng 6/1946, Gehlen được đưa từ Fort Hunt về Camp King tại Đức và chỉ 1 tháng sau, cơ quan tình báo lục quân Mỹ thành lập Tổ chức Gehlen, do Gehlen đứng đầu và Mỹ cấp kinh phí. Tổ chức này hoạt động với tư cách là một tổ chức tình báo, hợp tác với người Mỹ, ban đầu nhận nhiệm vụ từ phía Mỹ cho tới khi nước Đức có chính phủ. Khi đó, chính phủ Đức sẽ quyết định tiếp tục công việc của tổ chức này hay không.

Gerhard Wessel, nguyên sĩ quan Đức Quốc xã, sau kế nhiệm Gehlen làm Chủ tịch BND từ 1968 tới 1978.

Từ ngày 6/12/1947, Tổ chức Gehlen được chuyển tới Pullach và trụ sở chính của BND vẫn còn ở đó cho tới ngày nay. Từ ngày 1/7/1949, Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) tiếp quản Tổ chức Gehlen. Và Tổ chức Gehlen thực hiện nhiệm vụ gián điệp cho CIA cũng như cho nhà nước CHLB Đức mới được thành lập. Tổ chức này có cơ cấu giống như tổ chức tiền nhiệm Quân đội nước ngoài miền Đông dưới thời Hitler: Gehlen làm chỉ huy, Gerhard Wessel phụ trách việc phân tích, đánh giá tin tức, còn Hermann Baun phụ trách mạng lưới gián điệp.

Họ cũng áp dụng các phương pháp quen thuộc là thẩm vấn có hệ thống các tù binh, công nhân lao động cưỡng bức trước đây và những người tị nạn trong các trại đón tiếp. Bản thân Reinhard Gehlen thì ngay từ đầu đã hiểu rằng tổ chức của mình là hình thức ban đầu của một tổ chức tình báo Đức sẽ được thành lập một lúc nào đó. Các nước đồng minh không cho Konrad Adenauer, Thủ tướng đầu tiên của CHLB Đức, lựa chọn một bộ máy an ninh riêng. Ông Adenauer hiểu rằng không thể có một tổ chức tình báo độc lập của Tây Đức cũng như một quân đội độc lập. Vì vậy, cuối cùng ông chấp nhận việc tiếp nhận Tổ chức Gehlen và cải tổ thành cơ quan tình báo Đức.

Sau khi bùng nổ cuộc chiến tranh Triều Tiên ngày 20/6/1950, Gehlen tăng cường tiếp xúc với chính phủ Adenauer và đảng SPD đối lập. Thông qua các thành viên là Heusinger, Speidel và Foerth, Gehlen tham gia vào việc lên kế hoạch tái vũ trang nước Đức. Gehlen đã biết cách tổ chức để chỉ trong 10 năm đầu tiên sau chiến tranh đã nhanh chóng xây dựng được một cơ quan tình báo chuyên nghiệp, thông qua việc tuyển mộ những nhân viên mật vụ có quá khứ Quốc xã như Heinz Felfe. Tuy nhiên, phải 10 năm sau, người ta mới phát hiện ra Felfe là điệp viên hai mang của Liên Xô.

Ngày 1/4/1956, Cơ quan tình báo Liên bang Đức (BND) đã chính thức ra đời từ Tổ chức Gehlen và Gehlen được bổ nhiệm làm Chủ tịch cho tới năm 1968 với bí danh là "Tiến sĩ Schneider". Với sự chuyển đổi công tác mật vụ về kỹ thuật và theo tấm gương của CIA của Mỹ, việc thu thập thông tin ngày càng được áp dụng nhiều bằng phương tiện kỹ thuật. Chỉ trong một thời gian ngắn, BND đã trở thành cơ quan mật vụ lớn nhất châu Âu.

Trụ sở cơ quan BND tại Pullach.


Trong khi đó, tại Mỹ người ta đã chuẩn bị cho một cuộc xung đột vũ trang ở châu Âu và bắt đầu tìm kiếm những đội quân hỗ trợ thích hợp. Một sĩ quan CIA khi đó đã nhận xét: "Điều nhất thiết là chúng tôi sử dụng bất kỳ một ai, dù chúng tồi tệ tới đâu, miễn là họ chống cộng". Chúng tìm kiếm trước hết những người tị nạn từ các nước Đông Âu, với mục tiêu huấn luyện để khi Mỹ tiến đánh đòn hạt nhân phủ đầu, chúng sẽ gây ra một cuộc chiến tranh du kích ở sau chiến tuyến của Nga. Những thành viên SS trước đây, những kẻ hợp tác với Quốc xã ở Lítva, Extôni, Crôatia, Hunggari, Rumani và Ucraina được coi là những kẻ chống cộng kịch liệt nhất, nhiều người trong đó đang bị truy nã vì tội sát hại người Do Thái hoặc các loại tội phạm khác. Trên 12.000 người loại này được đưa sang Mỹ và sau 5 năm phục vụ trong quân đội Mỹ thì được nhận quốc tịch Mỹ. Một số người trong đó được đào tạo làm du kích ở Fort Bragg và như vậy là những người tiền thân của đội biệt kích Mũ Nồi xanh của Mỹ hiện nay. Theo một cách nào đó, chúng tiếp tục truyền thống của những lính đánh thuê nhập cư.

Tại Đức, người ta cũng tích cực tuyển mộ người chuẩn bị cho Thế chiến III. Để chuẩn bị cho chiến tranh du kích, những sĩ quan CIC - tổ chức tiền thân của CIA - đã tự đào tạo một đơn vị riêng, đó là Cơ quan phục vụ kỹ thuật của Liên đoàn Thanh niên Đức (BDJ). Những thành viên của tổ chức này, phần lớn là cựu chiến binh của SS hoặc quân đội Quốc xã, đã tập bắn súng máy, ném lựu đạn và sử dụng thuốc nổ ở Rừng Oden. Cơ quan phục vụ kỹ thuật cũng tiến hành các hoạt động gián điệp tại khu vực Đông Đức, nhưng coi nhiệm vụ chính của mình là trong trường hợp cần thiết sẽ thanh toán các chính khách cánh tả Tây Đức. Dưới sự chỉ dẫn của CIC, một số điệp viên đã thâm nhập SPD và lên kế hoạch sát hại trên 40 chính khách hàng đầu cánh tả. Khi sự việc bị phanh phui và gây ra một vụ bê bối lớn, CIC đã che giấu những người Đức chịu trách nhiệm chính, tịch thu hồ sơ của BDJ và từ chối giao nộp cho Cục Hình sự Liên bang.

Người ta có thể tranh cãi là những thành viên của Tổ chức Gehlen hoặc BDJ có phải là lính đánh thuê của Mỹ hay không, hay là những kẻ chống cộng cuồng tín muốn tiếp tục cuộc chiến của mình. Nhưng sau khi Đức Quốc xã thất bại, nhiều tên Quốc xã trước đây cảm thấy bơ vơ về chính trị, chẳng thích gì các đồng minh phương Tây cũng như người Nga. Đối với nhiều người thì thành công cá nhân quan trọng hơn là thế giới quan. Vì vậy, họ sẵn sàng bán năng lực của mình cho ai trả tiền nhiều hơn, có thể bảo vệ họ tốt hơn và mang lại cho họ những quyền lực mới, còn đó là ai chỉ là thứ yếu.

Vũ Long (Tổng hợp theo báo chí Đức)