11:13 21/11/2011

Sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm 10 - 50% chi phí sản xuất

Sau 5 năm thực hiện dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ” (PECSME), các doanh nghiệp tham dự án đã tiết kiệm được 232.0000 tấn dầu tương đương (TOE), giúp doanh nghiệp giảm 10 - 50% chi phí sản xuất...

Sau 5 năm thực hiện dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ” (PECSME), các doanh nghiệp tham dự án đã tiết kiệm được 232.0000 tấn dầu tương đương (TOE), giảm được tổng lượng phát thải nhà kính 944.000 tấn CO2, giúp doanh nghiệp giảm 10 - 50% chi phí sản xuất và nâng cao năng suất sản xuất đến 30%, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh, dự án PECSME được thực hiện trong 5 năm qua, với tổng kinh phí 28.769.000 USD, trong đó có 5.469.000 USD do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ không hoàn lại, còn lại là vốn đồng tài trợ từ các bộ, ngành, các địa phương và khu vực doanh nghiệp trong cả nước. Dự án PECSME đã kết nối và hỗ trợ 25 tỉnh, thành phố tham gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thực hiện ở 543 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong 5 ngành công nghiệp (sản xuất gạch, gốm sứ, giấy và bột giấy, dệt may và chế biến thực phẩm).


DN có thể tiết kiệm đến 5% chi phí sản xuất nhờ sử dụng năng lượng hiệu quả. Nguồn Internet.

Để thực hiện dự án này, một số công nghệ và giải pháp kỹ thuật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được đưa vào áp dụng phù hợp với đặc điểm và điều kiện thực tế của từng doanh nghiệp, bao gồm: thay thế lò thủ công truyền thống bằng lò liên tục kiểu đứng trong sản xuất gạch; thay thế lò than truyền thống bằng lò bông gốm dùng khí hóa lỏng trong sản xuất gốm - sứ; dùng kỹ thuật bảo ôn, thu hồi nước ngưng, thu hồi nước nóng, lắp biến tần điều khiển động cơ các loại, nâng cao hiệu suất vận hành của nồi hơi, cải tiến hệ thống chiếu sáng trong ngành giấy - bột giấy và ngành dệt...

Cũng theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, dự án PECSME thành công là nhờ lựa chọn được các công nghệ phù hợp để giới thiệu cho doanh nghiệp áp dụng một cách bài bản, khoa học và thực tiễn cao. Không chỉ vậy, dự án còn góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu của chương trình quốc gia về hợp tác giữa Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam . Đó là phát triển kinh tế dựa trên cơ sở sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm thiểu biến đổi khí hậu và giảm đói nghèo./.


Văn Xuyên