06:21 26/06/2012

“Stonehenge của Syria” cổ xưa hơn Kim tự tháp Ai Cập

Phế tích bí ẩn trên sa mạc của Syria có thể được xây dựng từ 10.000 năm trước, lâu đời hơn kim tự tháp cổ nhất của Ai Cập, nhưng các nhà khoa học thế giới không thể tiếp cận nơi đây để nghiên cứu do chiến sự tại khu vực.

Phế tích bí ẩn trên sa mạc của Syria có thể được xây dựng từ 10.000 năm trước, lâu đời hơn kim tự tháp cổ nhất của Ai Cập, nhưng các nhà khoa học thế giới không thể tiếp cận nơi đây để nghiên cứu do chiến sự tại khu vực.

Bãi đá cổ của Syria nằm gần tu viện Deir Mar Musa (ảnh).

Năm 2009, trong một chuyến thám hiểm nhằm tìm kiếm những tháp canh thời La Mã cổ đại, nhà khảo cổ học Robert Mason, thuộc Bảo tàng Royal Ontario (Canada) đã phát hiện một khu phế tích đá bí ẩn nằm trên vùng sa mạc gần tu viện cổ Deir Mar Musa, cách thủ đô Damascus 80 km về phía bắc. Tại đây, những ngôi mộ và công cụ đá, những vòng tròn đá hoặc dãy đá thẳng hàng được xếp trên mặt đất. Mason gọi những kiến trúc này là “Stonehenge của Syria” (Stonehenge – kỳ quan bãi đá cổ của Anh).

 

Hôm 25/6 vừa qua, trong một buổi thuyết trình tại Bảo tàng Semitic thuộc Đại học Harvard, ông Mason cho biết, những khối đá được sắp xếp đơn giản và nổi bật giữa quang cảnh sa mạc và thực sự đáng kinh ngạc bởi không có dấu hiệu của một nơi con người từng cư ngụ. “Những gì tôi phát hiện giống như một vùng đất dành cho người chết chứ không phải cho người sống”, Mason nói.

 

Theo ông Mason, tu viện Deir Mar Musa được xây dựng từ cuối thế kỷ 4 hoặc đầu thế kỷ 5 và hiện còn lưu giữ một số bích họa hình tượng Thiên chúa giáo có từ thế kỷ 11 và 12. 

Tu viện này có thể từng là một tháp canh thời La Mã cổ đại.

Nhưng bí ẩn trên sa mạc gần đó thì cổ xưa hơn rất nhiều. Các công cụ đá mà Mason phát hiện cho thấy, khu di tích này có thể có nguồn gốc từ thời kỳ Neolithic hoặc đầu thời Đồ Đồng, cách đây từ 6.000-10.000 năm, trong khi kim tự tháp cổ nhất của Ai Cập, Đại kim tự tháp Giza, được xây dựng khoảng 4.500 năm trước.

 

Mason cũng nhìn thấy những khối đá được xếp giống như bãi bẫy thú, mà ông gọi là “diều hâu sa mạc”, từng được sử dụng để bẫy linh dương gazen và các loài thú khác.

 

Nhà khảo cổ học người Canada cho rằng cần có thêm các cuộc điều tra để hiểu rõ hơn về những cấu trúc đá bí ẩn nơi đây. Tuy nhiên Mason không chắc liệu ông có thể quay trở lại khu di tích này hay không trong cảnh loạn lạc hiện nay ở Syria.

 

 T.H (Theo Foxnews)