12:09 28/12/2010

START mới có lợi cho Nga như thế nào?

Có thể thỏa thuận vũ khí hạt nhân mới giữa Nga và Mỹ được ca ngợi là mang tính lịch sử, song giới phân tích cho rằng tất cả những việc mà Nga thực sự phải làm là loại bỏ dần các đầu đạn và tên lửa vốn đã lỗi thời của kỷ nguyên Xôviết.

Có thể thỏa thuận vũ khí hạt nhân mới giữa Nga và Mỹ được ca ngợi là mang tính lịch sử, song giới phân tích cho rằng tất cả những việc mà Nga thực sự phải làm là loại bỏ dần các đầu đạn và tên lửa vốn đã lỗi thời của kỷ nguyên Xôviết.

Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới đã được Thượng viện Mỹ phê chuẩn ngày 22/12 sau nhiều tháng tranh luận gay gắt và hai ngày sau đó đã được Hạ viện (Đuma Quốc gia) Nga bước đầu tán thành. Hiệp ước này sẽ được đưa ra thảo luận trong hai buổi họp nữa ở Nga và chắc chắn sẽ có hiệu lực trong vòng vài tháng tới.


Hiệp ước START mới, có khả năng cắt giảm khoảng 1/3 số đầu đạn hạt nhân trong vòng 10 năm-Ảnh internet


START mới chỉ cho phép mỗi bên triển khai 1.550 đầu đạn hạt nhân, 700 tên lửa tầm xa - trong đó đã bao gồm cả tên lửa được phóng ra từ tàu ngầm - và máy bay ném bom hạng nặng. Hai bên cũng chỉ được phép có 800 bệ phóng và máy bay ném bom (đã được triển khai và chưa triển khai). Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng vấn đề thực sự của Nga là mức trần về số lượng tên lửa và bệ phóng này - mặc dù đã được hạ thấp - song vẫn là quá cao để Nga có thể theo kịp với Mỹ. Các tên lửa kỷ nguyên Xôviết như Saber SS-22 đã hết hạn sử dụng và nhiều thông số kỹ thuật cho thấy loại vũ khí này chẳng có tác dụng gì nếu đầu đạn hạt nhân của nó không hoạt động. Nhà bình luận quân sự có uy tín Alexander Golts nói: "START không phải là vấn đề chính. Vấn đề ở đây là Nga phải loại bỏ các vũ khí này vì nó đã 'lỗi thời' chứ không phải chi tiền để sản xuất".

Theo ước tính của "Nhóm các nhà khoa học nguyên tử", tính đến cuối năm 2009, Mỹ trên thực tế có 2.200 đầu đạn hạt nhân "sẵn sàng hoạt động" và hơn 2.500 đầu đạn dự trữ có thể được kích hoạt nếu cần thiết. Trong khi đó, Nga được cho là có tổng cộng 2.600 đầu đạn tầm xa "sẵn sàng hoạt động". Tuy nhiên, yêu cầu loại bỏ các tên lửa cũ không phải là điều duy nhất có lợi cho Nga. Các quy định mới cũng chỉ cho phép gắn một đầu đạn vào mỗi máy bay ném bom, mặc dù máy bay này có thể mang được nhiều đầu đạn hơn. Đây là điều mà Mátxcơva yêu cầu trong các cuộc đàm phán.

Trao đổi với hãng thông tấn RIA Novosti, Igor Korotchenko - biên tập viên của báo "Quốc phòng" - cho biết có lẽ hiện giờ, Nga chỉ có 390 tên lửa và máy bay ném bom vì họ muốn tiết kiệm tiền trước khi diễn ra đợt cắt giảm mới mang tính chiến lược vào năm 2020. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov không bình luận gì ngoài việc nêu ra các lợi thế của hiệp ước này khi ông điều trần trước quốc hội hôm 24/12. Phát biểu trước các nghị sỹ còn hoài nghi, ông Serdyukov nói: "Chúng ta sẽ không phải cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược của chúng ta. Chỉ có người Mỹ mới thực sự phải cắt giảm".

Anatoly Dyakov - Giám đốc Trung tâm Giải giáp ở Mátxcơva - nói: "Ông Serdyukov nói đúng. Nga đã đáp ứng chỉ tiêu về số bệ phóng vì nước này chỉ có 560 cái. Chúng ta có nhiều đầu đạn hơn. Tuy nhiên, nếu chúng ta không còn sử dụng các tên lửa SS-20 cũ - mỗi tên lửa mang 10 đầu đạn và đã được sử dụng quá hạn 10 năm - vậy thì chúng ta thực sự không cần phải cắt giảm nữa". Theo thỏa thuận giải giáp mang tính bước ngoặt năm 1987, các tên lửa SS-20 đã bị loại bỏ. Tuy nhiên, Trung tâm Thông tin Quốc phòng cho biết Nga hiện có 120 tên lửa SS-N-20 (tiền thân là tên lửa SS-20) đang được triển khai trên các tàu ngầm.

Việc cắt giảm vũ khí lần này cũng có lợi cho Nga vì START tập trung chủ yếu vào các vũ khí hạt nhân "chiến lược", được sử dụng để tiêu diệt một lượng lớn dân thường và vô hiệu hóa khả năng phát động chiến tranh của kẻ thù. Đây là những vũ khí được Mỹ lựa chọn sử dụng trong Chiến tranh Lạnh. Do đó, Mỹ có ưu thế chiến lược hơn Nga. Ngược lại, Nga lại có ưu thế hơn Mỹ về các vũ khí "chiến thuật" - được sử dụng trong các chiến dịch nhỏ hơn.

Người phát ngôn Nhà Trắng nói với "Thời báo New York Chủ nhật" rằng, Oasinhtơn sẽ tìm cách "khởi động các cuộc đàm phán" với Mátxcơva về vũ khí chiến thuật và các nhà lập pháp Nga cũng cho rằng các cuộc đàm phán đó có thể sắp diễn ra.

Chủ tịch Ủy ban các vấn đề đối ngoại của Thượng viện Nga, ông Mikhail Margelov, phát biểu trên đài "Tiếng vang Mátxcơva": "Tôi e rằng đây là điều mà Nga sẽ không thể né tránh". Tuy nhiên, ông nói thêm rằng "chúng ta nên kiên quyết ủng hộ START".

TTK (Theo AFP)