01:10 19/01/2015

Sri Lanka nhức nhối vì căn bệnh kỳ bí

Một căn bệnh kỳ bí liên quan đến thận đã khiến hàng nghìn nông dân Sri Lanka thiệt mạng đồng thời tạo nên nỗi sợ lớn đối với người dân địa phương.

Một căn bệnh kỳ bí liên quan đến thận đã khiến hàng nghìn nông dân Sri Lanka thiệt mạng đồng thời tạo nên nỗi sợ lớn đối với người dân địa phương.

Đã gần trưa nhưng hàng trăm người dân làng Rajanganaya vẫn kiên nhẫn đứng xếp hàng dưới bóng cây đa, đợi chờ đến lượt được 3 y tá lấy mẫu máu và nước tiểu xét nghiệm.

Người phụ nữ mắc căn bệnh lạ mệt mỏi sau khi đi khám.


Gần 1.000 người dân đã đi bộ đến đây và xếp hàng nhiều giờ dưới cái nắng gay gắt, tất cả không hẳn vì họ đang đau ốm mà phần lớn là do lo sợ rằng liệu họ có phải là nạn nhân tiếp theo của căn bệnh đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng.

Trong 20 năm, căn bệnh kỳ bí liên quan tới thận là nguyên nhân gây ra cái chết của 20.000 người và khiến 400.000 người đau yếu, người dân địa phương cho biết trung bình mỗi tháng có 10 người thiệt mạng.

Khi bệnh trở nên nghiêm trọng, bệnh nhân thường không thể đào thải chất lỏng và họ hạn chế uống nước tối đa trong khi cơ thể họ dần bị trữ nước dẫn đến tình trạng phù nề.

Nguyên nhân gây ra căn bệnh vẫn chưa được làm sáng tỏ trong khi có nghi vấn cho rằng nó bắt nguồn từ phương thức canh tác nông nghiệp tại đây và sự thiếu sót về y tế tại Sri Lanka đã dẫn đến nhiều khó khăn trong việc điều trị.

Điểm đặc thù là các trường hợp mắc bệnh chỉ xảy ra tại những khu vực khô cằn ở Trung Bắc nước này - nơi ngành nông nghiệp đã có nhiều biến đổi trong thập kỷ 60 và 70 với những kỹ thuật mới.

Một nông dân phun phân bón hóa học tại Padaviya, Sri Lanka.


Bà Kalyani Samarasinghe 47 tuổi, một người dân địa phương, nói với phóng viên hãng tin AP: “Trong một số trường hợp, bạn chỉ biết rằng một người chắc chắn đã chết vì căn bệnh này sau khi đã khám nghiệm tử thi”.

Đứng ở bên ngoài trung tâm y tế, bà Samarasinghe chia sẻ: “Nếu bạn bị đau bụng hoặc gặp một vài vấn đề nào đó thì bạn sẽ lo sợ rằng liệu mình có mắc phải căn bệnh đó không”.

Một báo cáo được công bố bởi tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2012 cho thấy nguyên nhăn căn bệnh có thể bắt nguồn từ thạch tín, phân bón hóa học.

Một căn bệnh tương tự đã khiến hàng nghìn nông dân ở Trung Mỹ, Ấn Độ và Ai Cập thiệt mạng và phần lớn đều cho rằng đó là do nông nghiệp.

Câu hỏi được đặt ra là liệu có phải kim loại đã ngấm vào đất và nước ngầm từ phân bón hóa học mà theo các báo cáo cho thấy có chứa chất kim loại catmi độc hại.

Bộ trưởng Nông nghiệp Sri Lanka khẳng định rằng các mẫu nghiên cứu và kiểm tra gần đây cho thấy hàm lượng nhiều chất trong phân bón hóa học vẫn ở trong ngưỡng cho phép.

Tuy nhiên, nông dân Sri Lanka vẫn thường xuyên sử dụng thừa thãi phân bón hóa học cho cánh đồng của họ trong khi hầu hết không mặc bất cứ trang phục bảo hộ nào.

Người dân tại Rajanganaya đợi chờ đến lượt khám bệnh.


Trong nhiều năm, WHO đã nghiên cứu nguồn nước tại địa phương và coi đó có thể là căn nguyên gây ra căn bệnh, đồng thời tư vấn cho chính phủ Sri Lanka nên cung cấp nước sạch an toàn đến người dân và hạn chế việc sử dụng chất hóa học trong nông nghiệp.

Thống kê cho thấy 15% người trưởng thành ở những vùng xuất hiện bệnh sẽ mắc căn bệnh này, trong đó phụ nữ mắc nhiều hơn và nam giới hơn 39 tuổi thường bị nặng hơn.

Hiện nay, do Sri Lanka không có chương trình hiến nội tạng nên nhiều bệnh nhân đã yêu cầu đăng trường hợp của họ lên báo để kêu gọi người hiến tặng thận.

Bộ Y tế Srilanka đang nỗ lực thực hiện các chương trình khám bệnh tại những khu vực xuất hiện bệnh và nhiều người dân hy vọng việc này có thể làm giảm các ca nhiệm bệnh. Tuy nhiên căn bệnh này thường không có triệu chứng cho đến khi vào giai đoạn cuối. Và nỗi lo sợ của người dân lại sâu xa hơn, bà Samarasinghe bộc bạch: “Mối lo chính của chúng tôi là những đứa trẻ, thế hệ sau này”.



H. Linh (Theo AP)