02:10 09/02/2011

Sốt phát ban sẽ biến chứng sang viêm não?

Gần 2 tháng trở lại đây, Bệnh viện Truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia liên tục tiếp nhận và điều trị cho những bệnh nhân bị sốt phát ban với các triệu chứng sốt cao, phát ban khắp người, ho... Liệu dịch sốt phát ban này có phải do virút sởi gây nên?

Gần 2 tháng trở lại đây, Bệnh viện Truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia liên tục tiếp nhận và điều trị cho những bệnh nhân bị sốt phát ban với các triệu chứng sốt cao, phát ban khắp người, ho...


Liệu dịch sốt phát ban này có phải do virút sởi gây nên? Khi nào người bệnh cần phải đến bệnh viện điều trị để tránh những biến chứng đáng tiếc?
ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia, đã trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề này:

Có phải tại Hà Nội đang bùng phát dịch sốt phát ban không, thưa BS?

Đúng là tại Hà Nội đang có dịch sốt phát ban. Trong dịp nghỉ Tết vừa rồi, lượng bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia tăng hơn so với mọi năm, trong số đó có nhiều bệnh nhân mắc dịch bệnh này. Nhưng để đánh giá chính xác về dịch có bùng phát hay không thì rất khó vì dịch sốt này diễn ra dai dẳng khoảng gần 2 tháng nay.

Điều trị cho bệnh nhân mắc sốt phát ban tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư (Hà Nội). Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Hơn nữa, không phải người bệnh nào cũng đến các cơ sở y tế để khám bệnh, đây cũng là bệnh không bắt buộc phải vào viện điều trị nên không thể thống kê chính xác được Hà Nội đã có bao nhiêu ca nhiễm bệnh.

Nhiều người dân lo ngại rằng đây là dịch sốt phát ban dạng sởi ở người lớn đã từng bùng phát tại Hà Nội năm 2009, điều đó có đúng không? Làm thế nào để phân biệt được sốt phát ban và sốt do sởi, thưa BS?

Các triệu chứng của bệnh sởi là sốt cao đột ngột, đau người, viêm đường hô hấp, ho, chảy nước mũi... Sau 2-3 ngày nổi ban ở mặt, gáy, sau đó lan ra khắp người và các ban bay dần sau khoảng 3 ngày.


Sau khi các ban bay hết vẫn để lại những vết thâm. Giai đoạn các ban lặn có thể để lại biến chứng, trẻ em hay viêm nhiễm đường hô hấp: Viêm phế quản phổi, người lớn là viêm não nhưng tỷ lệ thấp, chỉ khoảng 1/1.000.

Sốt phát ban do Rubella, do virút nói chung thì khác, có thể 1-2 ngày đã sốt và phát ban khắp người chứ không theo trật tự và để lại vết thâm như sốt phát ban dạng sởi.

Dịch sốt phát ban hiện nay có vẻ do virút, do Rubella là chính. Bởi lẽ, qua khám lâm sàng cho thấy, các ban xuất hiện không tuần tự, sau khi bay không để lại vết thâm như sởi.

Theo BS, có thể xác định nguyên nhân gây bệnh bằng phương pháp xét nghiệm không?

Xác định bệnh do virút gây nên là rất khó. Nếu xét nghiệm dưới hình thức xác định virút thì Việt Nam không có điều kiện để tiến hành. Nếu xét nghiệm về kháng thể thì phải xác định khi bệnh đã lui, nghĩa là chỉ có thể xét nghiệm ở bệnh nhân bị biến chứng, nằm viện dài ngày. Bởi vì, phải xét nghiệm cả giai đoạn đầu và cuối thì mới thấy được sự thay đổi về kháng thể và mới có thể khẳng định về nguyên nhân gây bệnh.

Có thể hiểu phát ban là một hội chứng, khi chưa tìm được nguyên nhân thì gọi chung là sốt phát ban (đại đa số sốt phát ban là do virút nhưng cũng phải chú ý phát ban do nguyên nhân khác như nhiễm vi khuẩn hoặc nhiễm độc thuốc gây dị ứng, sốt cao và phát ban).

Vậy người bệnh cần được điều trị như thế nào? Khi nào người bệnh cần phải tới cơ sở y tế để phòng những biến chứng đáng tiếc, thưa BS?

Sốt phát ban do virút chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Người bệnh được theo dõi điều trị và hỗ trợ bằng cách ăn uống đủ chất dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi phù hợp, uống đủ nước, theo dõi các biến chứng và nhất là biểu hiện về thần kinh.


Nếu người bệnh sốt quá cao, gây rối loạn về tri giác, trở nên chậm chạp, li bì, kích thích, vật vã… thì phải đến bệnh viện ngay để tránh biến chứng viêm não. Tại bệnh viện cũng đang điều trị cho một vài trường hợp sốt phát ban có biểu hiện viêm não.

Trường hợp bị ho nhiều thì phải chú ý xem đờm có vàng không, có khó thở không…? Nếu các cháu nhỏ xuất hiện những triệu chứng này thì nên đưa đến bệnh viện ngay để phòng biến chứng (có thể giai đoạn đầu do virút nhưng giai đoạn sau có thể bội nhiễm vi khuẩn, gây bệnh cảnh nặng hơn).

Dịch sốt phát ban do virút lây lan qua đường hô hấp, virút phát tán qua đường hô hấp vào không khí, những người không có miễn dịch hoặc miễn dịch kém thì khả năng lây nhiễm cao. Do đó, người bệnh cần đeo khẩu trang, tránh đến chỗ đông người. Tốt nhất là nên cách ly người bệnh ở phòng riêng để tránh lây bệnh cho cộng đồng.

Người dân có thể phòng bệnh sốt phát ban dạng sởi và Rubella bằng cách tiêm chủng. Loại vắcxin đang sử dụng phổ biến hiện nay là vắcxin phối hợp ngừa 3 bệnh: sởi, quai bị, Rubella.

Xin cảm ơn BS!

Phương Liên
(thực hiện)