01:15 21/01/2011

Sông Trăng

Mới thế mà đã hơn hai tháng tôi làm ở đây rồi. Công việc bắt đầu từ năm giờ chiều, mười giờ dọn dẹp rồi về nghỉ ngơi, chiều mai lại đến. Cứ vậy, tất tần tật mọi ngày trong tuần, kể cả thứ bảy, chủ nhật.

Mới thế mà đã hơn hai tháng tôi làm ở đây rồi. Công việc bắt đầu từ năm giờ chiều, mười giờ dọn dẹp rồi về nghỉ ngơi, chiều mai lại đến. Cứ vậy, tất tần tật mọi ngày trong tuần, kể cả thứ bảy, chủ nhật.

Cái tên thơ mộng của nhà hàng hẳn đến từ địa thế cạnh dòng sông đón gió lồng lộng, thấp thoáng xanh rờn trên mặt nước những đám lục bình trôi. Thực khách thường tìm mọi cách được ngồi ở chỗ sát mép sông, vừa tiện ngắm khung cảnh mây nước yên bình lại hít thở không khí trong lành lấp đầy lồng ngực. Những buổi tối quần quật với công việc chạy bàn, vẫn có đôi phút giây tôi lơ đãng “lo ra” ngắm nhìn sông nước. Và khi trông rõ ánh trăng trên cao rọi xuống loang đầy mặt nước sóng sánh, cảm giác chân tay như hoàn toàn giãn duỗi, dẫu cả người giờ này đã thấm mệt.

- “Nguyên! Đi lấy đá, em!”.

Giật mình trở về với thực tại, tôi vâng vâng dạ dạ.

Chạy vào khu bếp, mở thùng đá xúc từng đợt cho đến khi đầy xô, tôi không quên với tay lấy cái kẹp đá. Vừa bước ra thì đụng nhỏ Linh.

- “Anh Nguyên!”.

- “Gì em, xích ra anh lấy đá cho khách…”.

- “Hông!”.

- “Gì? Giỡn mặt hả?”.

- “Ừ đó, giỡn mặt đó, thì sao?”.

Tôi mặt nhăn mày nhó. Con nhỏ này thấy ghét ghê. Linh vào làm cùng một đợt với tôi, cũng chạy bàn lặt vặt. Nói vậy chứ, là con gái nên công việc của Linh nhẹ nhàng hơn tôi nhiều.

- “Thôi nha, anh đang làm!”.

- “He he, anh Nguyên, mai anh với em xin nghỉ một ngày đi coi ca nhạc không?”.

Nhỏ này khùng rồi. Xin nghỉ để đi coi ca nhạc? Hết biết nó luôn.

Tôi chạy ra khu của mình, gắp đá vào ly cho khách. Nhà hàng có tổng cộng bốn khu như vậy, gọi tắt thế này: “Sông một”, “sông hai”, “vườn”, “nhà lá”. Nghe thì khó hiểu, nhưng thật ra cũng chẳng có gì. “Sông một” và “sông hai” là đôi dãy bàn ngay dọc mép sông, nơi mát nhất và khung cảnh cũng đẹp nhất. Vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi hầu như lúc nào hai khu này cũng thường chật kín khách. Còn lại khu “vườn” nằm ở giữa quán, có tên vậy vì do nhiều cây cối, hoa cỏ. “Nhà lá” thì càng đơn giản hơn nữa. Chỗ ấy ở trong nhà, phía trên lợp lá cho ra dáng “miệt vườn”, nên gọi là “nhà lá”.

Khu “sông một” này ngoài tôi ra có thêm hai người nữa cùng phục vụ. Tôi chỉ là chân chạy bàn, việc “O-đờ”* là của anh Hoàng. Có thể nói anh là “sếp” của tôi, chỉ huy mọi công việc, tôi thực hiện theo. Nhưng để làm được “O-đờ” cũng chẳng dễ dàng gì. Phải có “thâm niên” phục vụ ở đây thời gian dài, thuộc hết các món trong me-nu, giao tiếp tốt, hoạt bát, nhanh nhẹn, vui vẻ.

Người còn lại làm cùng tôi chính là con nhỏ Linh.

- “Gắp đá cho khách bên đó nữa em!” – Anh Hoàng vỗ vai tôi chỉ qua bàn trước mặt.

- “Dạ, dạ!”.

Linh bưng mâm đồ ăn từ khu bếp lên. Tôi bỏ xô đá, lại đỡ cho nó.

- “Cảm ơn - “cưng” nha!”.

Tôi rùng mình:

- “Nhỏ này dạo này khùng thấy ớn!”.

- “Sao kêu tui khùng! Thấy ghét!”.

Tôi đặt cái mâm xuống, bưng đĩa đồ ăn lên cho khách. Linh phụ tôi dọn mấy chén nước chấm cùng đặt trên bàn.

- “Cái này là món gì vậy cháu?” – Một ông khách ngồi cùng mấy vị toàn đáng tuổi cha chú tôi lên tiếng hỏi.

- “Dạ đây là món giò heo chiên giòn, một trong những đặc sản của quán, mời các chú các bác cùng thưởng thức!” – Anh Hoàng nhanh nhảu trả lời vị khách ngay.

Ông già gật gù gắp một miếng nhai ngon lành.

Thứ bảy nên quán nườm nượp. Mai chủ nhật sẽ lại càng đông nữa. Cũng phải, làm việc cả tuần chỉ đến thứ bảy chủ nhật người ta mới có thời gian tụ tập gia đình bạn bè đi ăn nhà hàng. Vừa thưởng thức món ngon, vừa tận hưởng khung cảnh thiên nhiên cùng khí trời mát mẻ, khác hẳn những con đường bụi bặm ô nhiễm - “kinh niên” trong thành phố.

Rảnh tay, Linh lại quay sang tôi hỏi chuyện:

- “Mai anh Nguyên có đi học không?”.

- “Không em, mai chủ nhật mà! Học từ thứ hai đến thứ bảy thôi”.

- “Anh Nguyên giỏi thiệt nha. Vừa học vừa làm, em thì chịu thua…”.

- “Thì một thân một mình trên này, đi làm trang trải việc học chớ em. Ba má đâu có nuôi mình mãi được”.

Linh nhìn tôi bằng đôi mắt long lanh lắm.

- “Ngưỡng mộ anh Nguyên quá à!”.

- “Ngưỡng mộ gì trời…” – Tôi cười cười.

- “Ủa Nguyên, bữa em nói em học gì anh quên rồi?” – Anh Hoàng đứng gần nghe chuyện quay sang hỏi tôi.

- “Dạ, ngành môi trường, anh”.

- “Cha, nghe lạ ta. Rồi mốt ra làm gì em?”.

- “Chắc cải tạo thành phố giống không khí ở đây nè anh!”.

Anh Hoàng nghe xong phá lên cười, tôi cũng cười theo.

- “Ừ, coi bộ được đó em!”.

Linh khều tay tôi:

- “Anh Nguyên…”.

- “Gì em?”.

- “Lát anh cho em quá giang về nha”.

Tôi gật đầu: - Sẵn sàng thôi.

Nghỉ một chốc, đợt khách khác lại đến. Chúng tôi tiếp tục chạy tới lui bưng bê đồ ăn thức uống liên tục như thế cho tới khi quán đóng cửa, xúm nhau vào dọn dẹp, khiêng ghế cất bàn, quét sân, lau chùi, dọn rác, tắt đèn, quạt… Mười giờ rưỡi, cuối cùng cũng xong xuôi. Bấy giờ anh Hoàng mới gọi:

- “Hai đứa lấy tiền - “típ” nè!”.

Ngày nào cũng vậy, cuối buổi là ba anh em ngồi lại chia tiền - “típ” với nhau. Tiền này do khách - “bo”, sau khi đã thanh toán xong hóa đơn, nếu họ cảm thấy hài lòng vì được phục vụ tốt. Có hôm gặp khách - “sộp”, mấy anh em chia nhau mỗi người cũng được hơn trăm nghìn. Nhưng bù lại lắm ngày sang mùa mưa gió, quán chẳng có mấy khách, mỗi đứa bỏ túi được mười nghìn đã là mừng.

- “Hôm nay cũng khá! Mỗi người được tám chục”.

Mồ hôi mồ kê túa ra. Mệt quá trời. Tôi chạy vào bếp lấy chai nước tu ngon lành.

- “Anh Nguyên, ăn đi rồi về!”.

Linh mở bọc lấy ra cái giò heo chiên giòn còn nguyên. Tôi lắc đầu:

- “Thôi, anh mệt lắm ăn không nổi, em ăn đi…”.

Khách hay gọi nhiều nhưng dùng rất ít. Có lúc khách ra về hết rồi, tới phiên tôi dọn dẹp mới để ý mấy món ăn trên bàn vẫn nguyên vẹn như chưa hề đụng đũa. Thấy hoang phí nên đám phục vụ chúng tôi thường gói lại mang về chứ không đổ đi.

- “Ăn chút đi anh, ngon lắm!”.

- “Thôi, về chưa em, để anh đi lấy xe”.

- “Anh đi lấy xe đi, em ra liền!”.

Anh Hoàng đang ngồi gần đó hút thuốc. Tôi vẫy tay:

- “Anh Hoàng ơi, em về”.

- “Ừ em về, mai gặp nha”.

Tôi bước ra chỗ gửi xe, đi ngang cái biển đề chữ - “Nhà hàng Sông Trăng” to đùng, gặp chú bảo vệ.

- “Về hả con? Bữa nay chạy mệt nghỉ ha!”.

- “Dạ, con về nha chú!”.

Chú bảo vệ tên Sơn. Mấy anh chị vào trước bảo tôi rằng chú làm ở đây lâu lắm rồi, nghe đâu từ tận những ngày đầu quán mới mở. Không như bọn tôi, hết giờ được về nghỉ, chú phải túc trực ở quán, ngủ đêm lại luôn. Gọi là ngủ chứ mấy khi chú được yên giấc thực sự, chập chà chập chờn, vì chỉ cần sơ sẩy là bọn ranh ma trộm cắp lập tức có dịp - “hành sự”. Chú chẳng vợ con gì, một mình mãi thế gắn bó với quán đến hôm nay.

Đạp mãi cái xe Cub cà tàng mới chịu nổ cho. Linh chạy ra, õng ẹo:

- “Anh Nguyên… đẹp trai!”.

- “Nhỏ này khùng quá rồi nha. Lên xe, em, trễ rồi”.

Đường về khuya rợn gáy với hàng tá xe tải lao nhanh bạt mạng.

- “Ghê quá anh Nguyên ơi!”.

- “Nhà em xa vậy mà ngày nào cũng đạp xe xuống tận đó đi làm hả?”.

- “Dạ. Mà xe em bị mất rồi. Hôm nay em phải đi xe buýt đó anh…”.

Tội nghiệp con nhỏ. Cứ tưởng tượng ra Linh đạp từng vòng xe về nhà trong đêm khuya khoắt một thân một mình, tôi đã phát sợ. Càng rùng mình hơn khi lâu nay mình nào hay nào biết, dửng dưng với nó khôn cùng. Đôi lúc còn cảm thấy chạnh lòng, bởi việc nặng nhọc toàn đến tay mình, trong khi nó nhẹ nhàng thảnh thơi, bưng mâm rót nước chẳng tốn hơi sức gì.

- “Ủa, hồi chiều em rủ anh mai đi xem ca nhạc hả, ở đâu vậy?” – Tôi quay lại vờ hỏi han.

- “Gần nhà em đó anh. Có bao giờ mấy đứa tụi mình được giải trí gì đâu…”.

Phải rồi. Tối mai: Chủ nhật, người ta cùng gia đình bạn bè người thương thảnh thơi đi quán xá nhà hàng, cà phê, tụ điểm ca nhạc, sân khấu, karaôkê… Trong khi tôi và nhỏ tối tăm mặt mũi bán thời gian cùng sức lực ít ỏi để kiếm sống, bươn chải qua ngày. Một phút giải trí còn không có, huống chi… một ngày chủ nhật.

- “Em trọ với ai?”.

- “Mấy đứa bạn, mà tụi nó về quê gần hết rồi…”.

- “Sao vậy?”.

- “Thì sống không nổi, trên thành phố cái gì cũng đắt đỏ mà anh”.

Tôi đưa Linh về tận nhà. Đêm khuya khoắt. Trời buốt lạnh.

- “Cảm ơn anh Nguyên. Anh đi về cẩn thận nha, đường khuya… ghê lắm!”.

- “Trời, xá gì. Làm sao bằng em về một mình được”.

Linh lưỡng lự nhìn tôi như muốn gửi trao điều gì. Bấy giờ tôi mới nhận ra, đôi mắt em rất đẹp. Đẹp lắm, như là… Tôi chợt hình dung những vệt loang đáy nước của ánh trăng đêm vằng vặc. Ngày nào mà chẳng bỏ ra một hai phút tôi lặng im ngắm nhìn.

- “Anh về nha. Mai gặp lại…”.

Đường về một mình, tôi lại mải mê suy nghĩ. Nhìn trời, trăng đêm nay tròn quá.

Tự nhiên thấy mình rưng rưng khôn tả, chẳng hiểu sao. Trăng là cảm hứng muôn đời của trăm nghìn thi sĩ. Nhưng trăng ơi, sao lúc nào cũng chỉ sáng mỗi một mặt? Còn nửa bên kia mịt mù tăm tối, trăng cất đi đâu?

Dắt xe vào nhà, khóa cửa, tôi gục mặt xuống giường. Đâu đó, tiếng ngâm thơ văng vẳng:

…Thuyền ai đậu bến Sông Trăng đó

Có chở Trăng về kịp tối nay…?

3/2010 * Order: ở đây chỉ người phục vụ làm công việc ghi lại các món ăn thức uống khách yêu cầu vào phiếu cho nhà bếp thực hiện

Truyện ngắn của Lưu Quang Minh