08:15 13/08/2014

Sống chung với… động đất

Động đất đã trở thành “Chuyện thường ngày ở huyện Bắc Trà My”, một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, nơi xây dựng nhà máy thủy điện Sông Tranh và con đập bằng công nghệ bê tông đầm lăn gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua.

Động đất đã trở thành “Chuyện thường ngày ở huyện Bắc Trà My”, một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, nơi xây dựng nhà máy thủy điện Sông Tranh và con đập bằng công nghệ bê tông đầm lăn gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua.


Trận động đất xảy ra vào rạng sáng ngày 14/7 với cường độ hơn 2,6 độ Richter đã khiến cho tình trạng lo ngại của người dân nơi đây lại tiếp tục tăng lên.

 

Bà Đinh Thị Hoa, thôn 4, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam phản ánh tình trạng động đất với PV TTXVN.

Vừa tới đầu thôn 4, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là nỗi lo sợ hiện rõ trên khuôn mặt của nhiều người dân về trận động đất vừa mới xảy ra. Vẫn chưa hết bàng hoàng, chị Đinh Thị Xuân cho hay: Người dân ở đây nghe tới động đất là không ai dám đi làm rẫy, thậm chí đi ngủ còn không dám. Mỗi khi có động đất, các đồ dùng trong nhà rung lắc dữ lắm, mái nhà lợp tôn rùng rùng ghê lắm. Động đất có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào nhưng thường xảy ra vào ban đêm và buổi sáng nên bà con ai cũng sợ.


Tại xã Trà Đốc, nơi đặt “đại bản doanh” của thủy điện Sông Tranh, anh Phạm Qúy Xiếc, một người dân trong xã cho hay: Bà con ở đây đã quen với động đất rồi. Sau trận động đất mạnh vào năm 2013, các cấp chính quyền, các ngành chức năng cũng như nhà máy thủy điện Sông Tranh đã thường xuyên tuyên truyền giải thích về hiện tượng động đất và hướng dẫn bà con cách phòng tránh nên mỗi khi có động đất xảy ra bà con không còn hoảng loạn như những năm trước. Tuy nhiên do thời gian gần đây các vụ động đất liên tiếp xảy ra vào lúc nửa đêm về sáng nên bà con không thật sự yên tâm sinh hoạt và sản xuất để phát triển kinh tế gia đình.


Ông Hồ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Trà Đốc cho biết: Tình hình động đất trên địa bàn khu vực thủy điện Sông Tranh đã diễn ra từ 4 năm nay nhưng xuất hiện nhiều nhất là trong vòng hơn một tháng qua. Trước và sau mỗi trận động đất, chính quyền và các ngành đoàn thể đều có mặt kịp thời ở các khu vực dân cư để kiểm tra tình hình đồng thời tuyên truyền, giải thích cho bà con bớt hoảng sợ và yên tâm sinh hoạt và sản xuất, đặc biệt là không nghe lời kích động xúi giục của kẻ xấu lợi dụng hiện tượng động đất để gây rối trật tự trên địa bàn. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, động đất liên tiếp xảy ra nên bà con rất hoang mang.

Chúng tôi đề nghị các cấp chính quyền cần sớm cử chuyên gia vào tận nơi để nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và có kết luận rõ ràng, công khai, minh bạch rằng động đất thường xuyên xảy ra trên địa bàn là do hiện tượng tự nhiên gây ra hay là do công trình thủy điện và lòng hồ thủy điện gây ra. Trên cơ sở đó, chúng tôi đề nghị với các cơ quan chuyên môn, chính quyền Nhà nước cấp trên xem xét quyết định các vấn đề có liên quan đến động đất và thủy điện đều dựa trên cơ sở lợi ích của người dân, lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương phải được đặt lên hàng đầu, Chủ tịch UBND xã Trà Đốc Hồ Văn Lợi kiến nghị.


Ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng ban tìm kiếm cứu nạn cứu hộ huyện Bắc Trà My cho biết: Trong vòng hơn một tháng qua, trên địa bàn huyện Bắc Trà My liên tiếp xảy ra các trận động đất. Do động đất thường xuyên xảy ra trong nhiều năm qua nên công tác chuẩn bị để đối phó với tình trạng này luôn được địa phương đặc biệt quan tâm. Về phía địa phương, chúng tôi thường xuyên duy trì đầy đủ các phương tiện cứu nạn cứu hộ để tiếp cận với hiện trường nơi xảy ra động đất một cách nhanh nhất, an toàn nhất.

Đối với bà con đồng bào sống trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng động đất, ngoài việc tuyên truyền kết hợp với tập huấn phòng ngừa thảm họa thiên tai, chúng tôi hướng dẫn bà con chuẩn bị lương thực, thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu để có thể sẵn sàng di chuyển đến chỗ ở an toàn. Về lâu dài, huyện Bắc Trà My đã kiến nghị với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, với Trung ương và các bộ ngành chức năng tiếp tục kiểm tra, khảo sát về tình hình động đất diễn ra liên tiếp trong thời gian qua và thông báo kết luận về tình trạng này để chúng tôi có cơ sở truyền đạt cho đồng bào. Chúng tôi kiến nghị các cơ quan chuyên môn có đánh giá một cách đầy đủ hơn, chính xác hơn về hiện tượng động đất trong khu vực thủy điện Sông Tranh, ông Huỳnh Ngọc Thiệu nhấn mạnh.


Trái với sự lo ngại của người dân và của chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Lân, Phó Giám đốc Công ty thủy điện Sông Tranh vẫn tự tin vì “toàn bộ các dư chấn về động đất trên khu vực thủy điện Sông Tranh đều nằm trong giới hạn thiết kế kỹ thuật cho phép”, ông Lân nhấn mạnh. Ông Lân cho biết thêm: Trước, trong và sau mỗi trận động đất, chúng tôi thường xuyên quan trắc, kiểm tra vận hành hồ đập 24/24 giờ. Mặt khác sau khi động đất, chúng tôi kiểm tra ngay điều kiện làm việc từ đập ngăn nước cho đến thiết bị cũng như lưu lượng nước thấm qua thân đập để báo các với các cơ quan có chức năng.

Cho đến thời điểm hiện nay, các trận dư chấn trên lưu vực hồ thủy điện Sông Tranh đều nằm trong giới hạn đã được thiết kế kỹ thuật tính toán trước đây cũng như tính toán của cơ quan chức năng. Ngoài kiểm tra thiết bị, an toàn hồ đập, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương đến các thôn bản để kiểm tra về mức độ thiệt hại do động đất gây ra đối với đồng bào trong khu vực để có sự hỗ trợ kịp thời. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đến thời điểm này, các dư chấn vừa qua đều là những dư chấn nhỏ, nằm trong giới hạn cho phép và cũng chưa có ảnh hưởng gì lớn đến nhà cửa cũng như đời sống và sản xuất của đồng bào.

Bài và ảnh: Đoàn Hữu Trung