01:19 21/01/2015

Sớm xây dựng đường ống số 2

Đường dẫn nước sạch sông Đà vừa qua lại bị vỡ, ảnh hưởng đến đời sống của hơn 70.000 hộ dân phía tây Hà Nội.

Đường dẫn nước sạch sông Đà vừa qua lại bị vỡ, ảnh hưởng đến đời sống của hơn 70.000 hộ dân phía tây Hà Nội. Nhưng điều đáng lo ngại hơn là liệu tình trạng này có tiếp diễn? Lãnh đạo Hà Nội sẽ xử lý thế nào để giải quyết triệt để tình trạng này để đảm bảo cuộc sống cho người dân?

Nỗi lo mất nước


Đến hôm nay, gia đình bác Nguyễn Văn Mạnh, phường Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn ám ảnh vì cảnh mất nước 3 ngày (từ 15-17/1/2015) do vỡ đường ống dẫn nước sông Đà lần thứ 10. “Trong thời gian đó, gia đình tôi phải mua nước đóng chai về nấu ăn, còn tắm giặt thì nhờ người nhà ở trong quận Hai Bà Trưng”, bác Nguyễn Văn Mạnh cho biết.

Các đơn vị hữu quan khắc phục sự cố vỡ đường ống dẫn nước sông Đà lần thứ 10.


Đó cũng là tình cảnh của hơn 70.000 hộ dân tại các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy... Bà Phùng Thị Lý (quận Bắc Từ Liêm) bức xúc: “Phía công ty nước sạch Vinaconex trước đây lấy lý do mùa hè, nhu cầu sử dụng nước cao, nên đường ống không chịu được áp lực.

Nhưng lần vỡ đường ống thứ 10 này lại xảy ra đúng vào mùa đông, thời điểm áp lực nước thấp, do nhu cầu tiêu thụ giảm, càng khiến người dân có cơ sở khẳng định chất lượng đường ống dẫn nước đã xuống cấp và mùa hè năm 2015 sẽ phải nơm nớp nỗi lo mất nước, nếu đường ống mới chưa đưa vào phục vụ”.

Đây là lần thứ 10 đường ống nước sông Đà gặp sự cố kể từ tháng 12/2012 đến nay, cho thấy năng lực tuyến đường ống dẫn nước sông Đà số 1 có nhiều hạn chế, nên tuyến ống dẫn nước số 2 cần sớm hoàn thành để giảm áp lực cho tuyến số 1 và phát huy công suất nước nhà máy sông Đà. Dự kiến tuyến đường ống số 2 sẽ vận dụng cơ chế đặc thù triển khai sớm để đưa vào sử dụng mùa hè 2015.

Xử lý căn cơ


 “Rút kinh nghiệm từ chất lượng đường ống số 1, khi thi công tuyến số 2, phía chủ đầu tư chỉ chọn một trong hai vật liệu là ống thép và ống gang nhằm hạn chế những khiếm khuyết của tuyến ống số 1.

Với vật liệu là ống thép, sẽ thi công lâu do phải hàn trong 2 ngày mới xong khớp nối; trong khi đó ống gang đắt hơn nhưng chất lượng tốt hơn, thi công nhanh hơn”, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty nước sạch Vinaconex (Viwasupco) đơn vị thi công đường ống nước sông Đà cho biết.

Theo Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), việc đường ống xảy ra vỡ liên tiếp là do chất lượng của ống không đồng đều. Tại một số vị trí của ống có hiện tượng bong rộp, tách lớp, một số chỉ tiêu cơ lý không đảm bảo dẫn đến suy giảm khả năng chịu lực cục bộ của đường ống. Đơn vị tổng thầu thiết kế còn thiếu kinh nghiệm trong việc lựa chọn các tiêu chuẩn áp dụng trong thiết kế tuyến ống nước sử dụng vật liệu ống composite cốt sợi thủy tinh...



Dự kiến tuyến ống số 2 sẽ được khởi công trước Tết Ất Mùi, sau đó sẽ triển khai đồng loạt toàn tuyến với 6 - 8 mũi thi công trong năm 2015. Tuyến ống dài 21 km và ống truyền tải có đường kính 1.800 mm.

Tổng mức đầu tư cho hạng mục tuyến ống nêu trên là khoảng 1.200 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của doanh nghiệp chiếm 15%, vốn vay 85%. Đến nay đã có ngân hàng cam kết cho chủ đầu tư vay 85% vốn để thực hiện dự án với thời gian dự kiến là 18 năm.

Với nhu cầu bức thiết hiện nay, chủ đầu tư đã chọn lựa phương án ống gang. Đây là vật liệu truyền thống có nhiều tính năng kỹ thuật ưu việt, được sử dụng trong nhiều dự án cấp nước của Việt Nam, có thời gian thi công ngắn, giúp cho dự án sớm được đưa vào khai thác để tăng sản lượng nước cấp về thành phố và hỗ trợ nâng cao độ an toàn cho tuyến ống số 1.

“Thủ tướng Chính phủ đã cho một số cơ chế đặc thù như chỉ định thầu một số gói thầu để làm nhanh, nhưng thủ tục tiến hành đầu tư cần có thời gian. Nguồn vốn triển khai đường ống số 2 hoàn toàn từ vốn doanh nghiệp và vay thương mại. Hiện nay, đơn vị đang tích cực hoàn thiện hồ sơ mời thầu triển khai xây dựng đường ống số 2".

"Khi có tuyến ống thứ 2, nếu tuyến ống thứ nhất gặp sự cố, thì sẽ có tuyến ống thứ 2 hỗ trợ, như vậy sẽ đảm bảo cấp nước liên tục cho người dân.

Đồng thời, đơn vị tiếp tục nghiên cứu sửa chữa đường ống số 1, đảm bảo hai đường ống hoạt động tốt, cung cấp đủ nước cho người dân”, ông Tốn cho biết.

Về phần mình, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết, việc giao cho Vinaconex tiếp tục đầu tư xây dựng tuyến ống nước sông Đà số 2 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vì vậy trách nhiệm của chủ đầu tư là phải thực hiện đúng tiến độ và cam kết về chất lượng.

“Tiền đầu tư đường ống là tiền của doanh nghiệp nên doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về lựa chọn đầu tư chất liệu gì.

Tuy nhiên, do tuyến ống khi xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn tới mất nước sạch ảnh hưởng sinh hoạt của người dân, nên thành phố đã có yêu cầu phải tập trung khắc phục kịp thời để đảm bảo cung cấp nước sạch cho nhân dân dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Các sở ban ngành hữu quan Hà Nội sẽ tham gia giám sát chất lượng trong quá trình thi công đường ống số 2 này”, đại diện lãnh đạo thành phố cho biết.


Ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: “Trách nhiệm thuộc về Vinaconex” Thực tế tuyến đường ống dẫn nước sông Đà đã bị vỡ 10 lần và nguyên nhân đã được cơ quan chức năng của Bộ Xây dựng chỉ ra là chất lượng đường ống dẫn nước không đủ tiêu chuẩn, hiện tượng vỡ ống nước đã được dự báo trước và sẽ còn tiếp tục nguy cơ bị vỡ các lần tiếp theo. Do đó, chủ đầu tư là Công ty Vinaconex cần sớm triển khai dự án đường ống dẫn nước sông Đà thứ 2. Thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ để dự án sớm triển khai và đưa vào sử dụng nhằm giảm áp lực cho tuyến số đường ống số 1. Trong thời gian chưa có tuyến ống số 2 hỗ trợ, đơn vị vận hành đường ống phải có giải pháp kỹ thuật để đảm bảo vận hành đường ống một cách tối ưu. Trách nhiệm để vỡ đường ống thuộc về Vinaconex. 


Ông Nguyễn Văn Bình, kỹ sư xây dựng: Giải pháp tất yếu là sử dụng tuyến ống mới Ở các nước tiên tiến trên thế giới, đường ống dẫn nước sinh hoạt đều sử dụng vật liệu chịu được áp lực cao, chứ không sử dụng vật liệu làm bằng sợi thủy tinh, vật liệu này chủ yếu sử dụng làm ống cống nước thải. Vật liệu không đảm bảo cộng với nền đất yếu không được xử lý triệt để, đã dẫn tới việc khắc phục vỡ ống đường dẫn nước chỉ là việc làm thụ động và sẽ còn tiếp tục vỡ nếu vẫn vận hành tuyến đường ống số 1 như hiện nay. Giải pháp tất yếu để ngăn chặn hiện tượng này là đưa tuyến ống mới sử dụng vật liệu là thép và gang. Vấn đề còn lại là do chủ đầu tư quyết định, căn cứ vào khả năng tài chính và thủ tục đầu tư nhanh gọn.


Ông Nguyễn Minh Anh, luật sư: Cần cơ chế giám sát Dự án này do doanh nghiệp triển khai và họ tuân theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là dự án ảnh hưởng tới cuộc sống nhiều người dân. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước có cơ chế giám sát tránh sự độc quyền và có trách nhiệm khi không làm tròn nghĩa vụ theo đúng cam kết.




Bài và ảnh: Đức Trung - Xuân Minh