10:00 06/10/2011

Sở hữu trí tuệ: Còn nhiều nút thắt

Luật Sở hữu trí tuệ ra đời trong bối cảnh Việt Nam đang trong giai đoạn đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).Tuy nhiên, quá trình áp dụng vào thực tiễn có nhiều điểm chưa phù hợp...

Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 19/11/2005 và có hiệu lực vào ngày 1/7/2006. Luật Sở hữu trí tuệ  ra đời trong bối cảnh Việt Nam đang trong giai đoạn đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm thúc đẩy hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, quá trình áp dụng vào thực tiễn có nhiều điểm chưa phù hợp trong hoạt động thực thi bảo vệ quyền tác giả, một số điều khoản quy định chưa rõ ràng trong vấn đề liên quan đến quyền tác giả, sở hữu công nghiệp ... Luật Sở hữu trí tuệ đã được sửa đổi năm 2009, nhưng thực tế cho thấy sau khi Việt Nam hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam từng bước vươn ra thị trường quốc tế thì các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ của Việt Nam tiếp tục bộc lộ những bất cập.

Nút thắt từ “Luật”

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 theo hướng bảo vệ lợi ích tổ chức, cá nhân Việt Nam trong hội nhập, sửa đổi một số điều khoản chưa tương thích với điều ước quốc tế đa phương... Trải qua thực tế hội nhập, Luật Sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiều những bất cập nên các DN Việt Nam thời gian qua đã liên tục gặp phải các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, ảnh hưởng đến quá trình phát triển, mở rộng của DN cũng như uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Lực lượng Thanh tra về quản lý các hoạt động xuất bản Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM phối hợp với PC 13 và các cơ quan chức năng địa phương tiến hành kiểm tra hành chính Công ty Cổ phần in Hoa Mai, phát hiện nhiều ấn phẩm có dấu hiệu vi phạm bản quyền. Ảnh Tràng Dương-TTXVN

LS.TS. Dương Tử Giang – Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh đã phân tích cụ thể, chi tiết các điều khoản, nội dung bất cập cần rà soát, đáng chú ý là các vấn đề: Phí và lệ phí nộp đơn giữa các tổ chức, cá nhân Việt Nam với các tổ chức, cá nhân người nước ngoài chưa phù hợp với thực tế của nhiều nước; các quy định liên quan đến sáng chế, cần bổ sung quy định về thời hạn nộp bản sao đơn ưu tiên là 3 tháng để phù hợp với điều ước quốc tế. Bên cạnh đó, các điều khoản liên quan đến nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp… cũng khiến không ít DN vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thạc sĩ Hoàng Thị Thanh Hoa, Cục Bản quyền tác giả cũng chỉ ra những bất cập liên quan đến bảo hộ quyền tác giả. Điều 39 Luật Sở hữu trí tuệ, các tác giả, chủ sở hữu quyền và các bên tham gia giao dịch đã đạt được tính mở nhưng điều 45 và điều 47 lại hạn chế quy định mở tại điều 39. Điều này hạn chế phần nào quyền tự do thỏa thuận hợp đồng của các bên tham gia giao dịch vì vậy cần có sự điều chỉnh để tạo sự linh động cho các bên tham gia giao dịch mà vẫn tăng tính khả thi cho pháp luật.

Bà Trần Thị Hương, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị: Tại Khoản 1 điều 154 Luật Sở hữu trí tuệ bỏ cụm từ “trừ tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam” vì nếu không bỏ cụm từ này thì Luật Sở hữu trí tuệ vẫn là quy định mang tính bảo hộ kinh doanh cho các tổ chức dịch vụ pháp lý trong nước, không phù hợp với nguyên tắc khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, vấn đề về nhãn hiệu liên kết trong Luật Sở hữu trí tuệ là thừa, cần xem xét loại bỏ, bởi trong thực tế quy định này không mang lại một giá trị nào cả, trong thẩm định việc chỉ ra nhãn hiệu liên kết hay không cũng không ảnh hưởng đến kết quả thẩm định.

Thương hiệu - Vấn đề cần quan tâm

Ông Lê Thế Bảo – Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam chia sẻ: Vấn đề sở hữu trí tuệ, ý thức về thương hiệu mới chỉ thực sự được quan tâm trong vài năm trở lại đây khi các doanh nghiệp (DN) Việt Nam hội nhập với thế giới. Thực tế cho thấy, các DN lớn của Việt Nam phần lớn là DN dịch vụ, ngân hàng, tài chính còn các DN sản xuất hiện rất ít và chỉ mới phát triển trong mấy năm gần đây nên ý thức về thương hiệu chưa được thực sự quan tâm đã dẫn đến việc chúng ta liên tục bị mất thương hiệu trên thị trường quốc tế. Hiện nay, kinh phí để xây dựng và phát triển thương hiệu đối với DN khá tốn kém nên nhiều DN mặc dù ý thức được nhưng thực tế thì vẫn “kệ”. Bên cạnh đó, các DN của Việt Nam đa phần là DN “mới lớn” lại trải qua thời kỳ bao cấp nên vấn đề này cần sự chung tay của tất cả nhà nước, DN, hiệp hội ngành hàng cùng với các cơ quan truyền thông để các DN Việt Nam có thể tránh được tình trạng tiếp tục mất thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Anh Ngọc, Công ty Investip, hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ chia sẻ: Nên chăng đưa một điều khoản ràng buộc trách nhiệm để bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ Việt Nam như: Ràng buộc UBND tỉnh, thành phố, huyện phải có trách nhiệm với việc các địa danh của mình bị quản lý đăng ký ở nước ngoài hay các công ty, tập đoàn lớn của nhà nước bị mất thương hiệu thì trách nhiệm thuộc về tổng giám đốc hoặc ban lãnh đạo...
Có nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, khi ý thức về thương hiệu đã được quan tâm thì các DN, tổ chức, cá nhân đều thừa nhận vấn đề khả quan nhất trong hành trình “đòi” thương hiệu là nhờ các văn phòng Luật trợ giúp, tuy nhiên, mức kinh phí “đòi” thương hiệu tương đối lớn nên cũng là vấn đề được “cân nhắc”.

Tuy nhiên, ông Nghiêm Quốc Bảo – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam và ông Đoàn Hồng Sơn, Công ty Luật IpMax cho rằng: Sở hữu trí tuệ là tài sản cá nhân nên cá nhân phải tự bảo quản, đăng ký. Các cơ quan chức năng chỉ đứng sau hỗ trợ DN chứ không thể làm thay DN, thương hiệu là tài sản của DN, nếu DN không chịu làm thì khi mất, thiệt thòi sẽ về phía DN. Hiện nay, số DN cả nước rất lớn, nên vấn đề xây dựng và bảo vệ thương hiệu phải xuất phát từ DN chứ cơ quan chức năng không thể “gõ” từng DN mà chỉ có thể hỗ trợ DN thông qua các lớp tập huấn thương hiệu, cách thức đăng ký bảo hộ thương hiệu...

Hoàng Linh