07:08 21/07/2011

Sở hữu nhà thu nhập thấp: “Liệu cơm gắp mắm”

Chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp tại đô thị do Chính phủ khởi xướng đã thu hút nhiều doanh nghiệp xây dựng nhập cuộc. Tuy nhiên, “bài toán hóc búa” đặt ra chính là với ngưỡng thu nhập “thấp” theo quy định, các đối tượng đủ điều kiện được mua...

Chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp tại đô thị do Chính phủ khởi xướng đã thu hút nhiều doanh nghiệp xây dựng nhập cuộc. Tuy nhiên, “bài toán hóc búa” đặt ra chính là với ngưỡng thu nhập “thấp” theo quy định, các đối tượng đủ điều kiện được mua lại khó có khả năng kinh tế để sở hữu một căn hộ dạng này với giá bán tạm tính (bao gồm VAT) khoảng 11 triệu đồng/m2 - mức giá khá thấp so với nhà thương mại.

Nhà thu nhập thấp vẫn phải tính đúng - tính đủ

Theo nhiều chủ đầu tư xây dựng nhà thu nhập thấp (NTNT) trên địa bàn Thủ đô, mức giá bán tạm tính khoảng 11 triệu đồng/m2 như một số dự án tại Hà Nội vừa công bố đã tương đối sát bởi với giá vật liệu xây dựng biến động mạnh như hiện nay, bài toán đạt lợi nhuận tối thiểu 10% cũng khó thành hiện thực cho dù dự án được ưu tiên quỹ đất sạch để xây dựng.

Tất cả những ưu đãi theo quy định như: Thuế, vốn và khoản tiền lớn nhất là đất sạch, chủ đầu tư sẽ không được tính vào giá thành xây dựng. Khi đó, giá bán NTNT phụ thuộc vào thiết kế, chi phí nhân công, vật liệu xây dựng và các chi phí phát sinh khác. Vì vậy, bài toán khó đặt ra với mỗi chủ đầu tư chính là phải chọn được thiết kế hợp lý nhất, loại vật liệu, công nghệ, thiết bị phù hợp nhất để sản phẩm xây dựng có giá thành thấp nhất nhưng chất lượng vẫn được đảm bảo. Các sản phẩm vật liệu sản xuất trong nước chính là một yếu tố quan trọng giúp giảm giá thành xây dựng.

Tuy nhiên, tùy từng vị trí xây dựng và thời điểm triển khai dự án, NTNT sẽ có giá bán khác nhau. Hai dự án NTNT Ngô Thì Nhậm và NTNT Kiến Hưng cùng do Vinaconex Xuân Mai làm chủ đầu tư là ví dụ rõ nhất. Theo đó, giá bán dự kiến tại dự án Kiến Hưng là 10,6 triệu đồng/m2, cao hơn 1,7 triệu đồng/m2 so với giá bán tại dự án CT1 - Ngô Thì Nhậm.

Ông Đặng Hoàng Huy - Tổng giám đốc Vinaconex Xuân Mai cũng cho hay: Mặc dù theo quy định, chủ đầu tư NTNT được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển nhưng trên thực tế hầu hết các chủ đầu tư đều phải tự thu xếp vốn vay từ ngân hàng thương mại với lãi suất không ưu đãi. Trong khi đó, Nghị định 71-CP về hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở đã quy định rõ: Chủ đầu tư chỉ được thu tiền khách hàng khi xây xong móng nhà. Theo đó, khó khăn càng nhân lên bởi loại hình NTNT thường kéo dài thời gian xét hồ sơ để chọn đúng đối tượng.

Với sức nóng của lãi suất ngân hàng như thời điểm vừa qua, và theo nguyên tắc “tính đúng, tính đủ” tất cả chi phí này đều trút lên giá nhà, ông Huy khẳng định.

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy: Kể từ khi Chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp tại đô thị được triển khai vào quý I/2009, đến nay cả nước mới có 5 dự án nhà ở công nhân và NTNT được vay vốn để thực hiện công trình với tổng số vốn 740,3 tỷ đồng.

Theo Bộ Xây dựng, sở dĩ số tiền được giải ngân quá ít so với số vốn các chủ đầu tư đã bỏ ra là do những vướng mắc về thủ tục khi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng dành cho phát triển loại hình nhà ở xã hội.

“Liệu cơm, gắp mắm”

Theo nhiều chuyên gia, giá NTNT đã được “tính đúng – tính đủ” nhưng nhiều người thuộc đối tượng này vẫn khó có khả năng mua được nhà bởi quỹ nhà còn thiếu và giá bán vẫn cao hơn tầm với.

Vì vậy, để mua được NTNT, các đối tượng đủ điều kiện cần phải “xếp hàng” chờ nguồn cung vì hiện nay danh sách các dự án NTNT đăng ký triển khai đang ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, mỗi hộ gia đình phải căn cứ vào “sức lực” của mình để có quyết định mua hợp lý nhất.

Với mỗi căn hộ dao động quanh mốc khoảng 700 triệu đến 1 tỷ đồng (tùy diện tích) và đóng theo tiến độ 2 - 3 năm thì khoản tiền dành mua NTNT là cả một ước mơ xa vời nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình hoặc vay mượn bạn bè... Còn nếu phải vay ngân hàng thì người dân sẽ càng khó khăn vì thủ tục và khó lòng chịu nổi mức lãi suất như hiện nay. Bởi vậy, ngay cả Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng cho rằng phải “liệu cơm – gắp mắm”. Do đó, loại hình thuê mua NTNT được nhìn nhận sẽ phù hợp với mức tiền và khả năng chi trả của đại bộ phận dân cư hiện nay.

Tuy nhiên, loại hình NTNT dành cho thuê mua sẽ không thể phát triển trừ khi Nhà nước tự bỏ vốn đầu tư xây dựng như thời kỳ bao cấp trước đây. Nhiều chủ đầu tư nhìn nhận: Sẽ chẳng có doanh nghiệp nào “đủ nhiệt” để “thả mồi – bắt bóng” bởi ngay cả với loại hình NTNT “mua đứt”, chủ đầu tư cũng đã phải “dài cổ” chờ vốn ưu đãi, rồi lại phải vất vả lựa chọn đối tượng để bán nhà và rồi lại tự phải giải quyết khi có khiếu kiện...

Để giải bài toán NTNT, mới đây, tại dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Xây dựng đang đề xuất Chính phủ cho phép hình thành Quỹ phát triển nhà ở và Quỹ tiết kiệm nhà ở. Nguồn vốn để hình thành Quỹ phát triển nhà ở sẽ căn cứ theo tình hình thực tế của địa phương để thành lập. Vốn hình thành quỹ này có thể từ các nguồn như: Tiền thu từ việc bán, cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, ngân sách địa phương hỗ trợ, huy động từ các nguồn hợp pháp khác, tiền hỗ trợ hay đóng góp từ nguyện từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đặc biệt, phương án trích tối thiểu 10% từ tiền sử dụng đất của các dự án phát triển nhà ở thương mại hay khu đô thị mới trên địa bàn cũng sẽ được tính đến. Cùng đó là Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ nhằm phục vụ cho các đối tượng gặp khó khăn về nhà ở được vay vốn mua nhà ở hoặc để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn xây dựng nhà ở xã hội. Đây cũng chính là cơ hội giúp cho người dân tiếp cận với nguồn vốn để có thể sở hữu NTNT.

Thu Hằng