07:23 11/07/2012

Sinh viên hết khóa học vẫn chưa ra trường

Khi mới bắt đầu vào đại học, sinh viên nào cũng mong muốn mau chóng học xong ra trường và kiếm cho mình một công việc ưng ý. Nhưng có một bộ phận sinh viên tuy đã hết thời gian của khóa học mà vẫn chưa thể ra trường.

Khi mới bắt đầu vào đại học, sinh viên nào cũng mong muốn mau chóng học xong ra trường và kiếm cho mình một công việc ưng ý. Nhưng có một bộ phận sinh viên tuy đã hết thời gian của khóa học mà vẫn chưa thể ra trường.


Không còn là cá biệt


Một trong những nguyên nhân chính khiến sinh viên chưa thể ra trường là do chưa đáp ứng đủ điều kiện nhà trường yêu cầu để có thể nhận bằng, chứng chỉ tốt nghiệp. Lý do chủ yếu của những sinh viên này là nợ môn. Vấn đề này có thể do năng lực và ý thức học tập, nhưng cũng có thể do điều kiện kinh tế (bỏ tiết học đi làm thêm nên không đủ thời gian học).

Một giờ học của sinh viên trường Đại học Xây dựng.


Xã hội ngày càng phát triển kéo theo vô vàn những hoạt động giải trí dễ lôi cuốn giới trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên. Đối với những sinh viên gia đình có “điều kiện”, họ thỏa sức vui chơi đua đòi, thậm chí kéo theo tệ nạn, cá biệt dẫn đến tội phạm.


T.B, sinh viên lớp báo ảnh thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một ví dụ. B là một trong những thành phần cá biệt trong trường vì dù đã hết khóa học một năm, nhưng B vẫn chưa thể ra trường vì còn nợ tới hơn 20 môn trong tổng số hơn 60 môn của 4 năm học. B tới lớp không bao giờ mang cặp, “hành trang” đến lớp của cậu ta chỉ là một quyển vở duy nhất cho tất cả các môn học. B không bao giờ ghi chép và nếu có ghi chép hay mang sách vở thì chỉ để đối phó. Thời gian rảnh, B dành cho việc chơi game và tụ tập cùng bạn bè. Trong một lần đi cùng B, bản thân người viết đã được chứng kiến B ngồi “hút pin” ("Pin" là cách gọi của một số loại ma túy có nguồn gốc tự nhiên, chủ yếu là tài mà...) cùng một nhóm bạn ở ven hồ Trúc Bạch. B còn sử dụng thuốc lắc cùng với chất kích thích tới nửa đêm nhưng gần như cha mẹ vẫn không quan tâm. Hậu quả từ nhiều lần sử dụng chất kích thích là những tổn thương về cả thể xác và tâm lý. Trên đầu B xuất hiện nhiều khoảng da đầu thâm đỏ, rụng tóc và tinh thần luôn bất an. Ỷ vào việc thu nhập từ nghề chơi nhạc (DJ) ở các quán bar và gia đình có điều kiện, B đã bỏ bê việc học nên nợ nhiều môn. Bản thân các môn học đại cương đơn giản như tin học, triết học hay pháp luật… B cũng không thể vượt qua do không đủ số điểm cần thiết. Thậm chí những môn giáo dục thể chất và quân sự B cũng không thể vượt qua.

Sinh viên cần tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa.


Một trường hợp khác là D.N, sinh viên của Trường Đại học Xây dựng. Hoàn cảnh của N rất khó khăn, cha N hay đau ốm, còn mẹ thì mất sớm nên kinh tế gia đình rất bấp bênh. Đặc biệt là thời gian gần đây sức khỏe của cha N có chiều hướng xấu và ông gần như không còn đủ sức để lao động nuôi sống gia đình. Vừa phải trang trải sinh hoạt cho cả nhà, lại vừa lo chi phí thuốc men cho cha nên N phải tìm việc làm thêm phụ giúp gia đình. Mặc dù số tiền N kiếm được không nhiều nhưng đó là một số tiền rất quan trọng. Chính vì vậy thời gian N dành cho việc học ngày càng ít đi, mặc dù anh đã qua 2 năm tốt nghiệp theo quy định, nhưng N vẫn còn nợ 20% trên tổng số môn học nên vẫn tiếp tục phải trả môn. Không riêng gì T.B và D.N mà rất nhiều sinh viên khác cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự.


Tình trạng không được ra trường đúng hạn của nhiều sinh viên ở Hà Nội không còn là cá biệt, và ngày càng gia tăng. Vì nhiều lý do chủ quan hoặc khách quan, các bạn trẻ bị ảnh hưởng khá nhiều từ gia đình và xã hội dẫn đến việc nợ môn, thậm chí bỏ học đang diễn ra hết sức phức tạp.


Những tấm guơng bình dị


Tuy nhiên, dù khó khăn nhiều bạn sinh viên vẫn học tập tốt. Bạn Đinh Quang Thuận sinh viên năm 4, Trường Đại học Văn hóa, vượt qua hoàn cảnh khó khăn không những vẫn học tốt, mà còn tham gia tích cực công việc đoàn, đội và là cán bộ lớp. Thuận phải làm việc rất vất vả nhưng vẫn dành thời gian cho việc học tập ở trường. Thuận cho hay: “Biết là vất vả đấy! Nhưng bố mẹ tôi ở nhà còn phải lo cho các em, nên tôi phải thu xếp thời gian để đi làm thêm tự trang trải cho cuộc sống bản thân và tiết kiệm tiền gửi về cho gia đình. Tôi cố gắng hoàn thành tốt khóa học để nhanh chóng tìm được công việc ổn định và cũng là để không phụ lòng người thân!”.


Cô Bùi Thị Thanh Hương Trưởng khoa Triết Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Hiện tượng sinh viên không ra trường được sau 4 năm học rất nhiều. Thậm chí có sinh viên nợ 18 môn, cá biệt có sinh viên nợ đến 24 môn. Mặc dù các giáo viên đã tạo điều kiện hướng dẫn ôn tập thêm ngoài giờ lên lớp, bạn bè cùng lớp giúp đỡ học nhóm… nhưng những trường hợp này vẫn không vượt qua mà phải thi lại với các bạn khóa sau. Một số sinh viên học năm thứ 3, 4 phải trả nợ môn năm thứ nhất, thứ hai. Trong đó có sinh viên hoàn cảnh gia đình không hề khó khăn, thậm chí kinh tế khá, nhưng do mải kiếm tiền thêm để ăn diện, vui chơi giải trí, bỏ bê việc học nên phải thi lại. Tuy nhiên, có nhiều sinh viên đã vượt qua được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, đã thi đỗ tốt nghiệp, là tấm gương sáng cho sinh viên nói chung. Sinh viên Nguyễn Văn Hùng lớp Triết 27, vừa đi học, vừa chạy xe ôm. Sinh viên Nguyễn Văn Nô vừa đi học, vừa đi làm là những ví dụ”.


Thầy Phạm Văn Khải Chủ nhiệm Bộ môn trang Thiết bị công trình thuộc Trường Đại học Đông Đô Hà Nội cho biết: “Phần lớn sinh viên của lớp tôi giảng dạy chưa chăm chỉ học tập và không dành thời gian đúng mức cho việc học trên lớp. Tất nhiên, không thể phủ nhận có những em học tập rất nghiêm túc, không những hoàn thành xuất sắc việc học trên lớp mà các em này còn giúp đỡ rất nhiều cho bài giảng thực tế của tôi, ví dụ như quá trình chuẩn bị slide và các file hướng dẫn 3d… Nhưng trong thực tế, những sinh viên như vậy hiếm gặp trong lớp mà phần lớn là các sinh viên thường xuyên xao nhãng việc học, nên nợ môn diễn ra phổ biến, ngay cả những môn học các em đã hoàn thành kết quả cũng không như ý, điển hình như các đồ án sinh viên được thể hiện rất sơ sài, thiếu đầu tư dẫn đến điểm số không cao mặc dù tôi đã hướng dẫn các em rất cụ thể".


Để chuẩn bị tốt hành trang khi ra trường, sinh viên cần định hướng cho mình mục tiêu để phấn đấu, hoàn thành tốt môn học để sớm ra trường và tìm được việc làm ổn định. Sinh viên cần khắc phục những khó khăn trước mắt để không phải học lại hoặc phải trả nợ môn, tránh gây lãng phí, tốn kém thời gian, tiền bạc và công sức của cha mẹ. Trong cuộc sống, nhiều các bạn sinh viên dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, phải đi làm thêm để lo việc học nhưng với nghị lực của bản thân, họ đã hoàn thành tốt kì thi của mình. Thậm chí có nhiều bạn còn giành được nhiều giải cao, học bổng của các nhà tài trợ, là tấm gương sáng cho sinh viên noi theo.

Bài và ảnh: Tuấn Anh