08:07 14/08/2014

Sinh ra như để cuộc đời có thêm nụ cười

René Goscinny đã rời bỏ những chuyến phiêu lưu cùng chàng cao bồi Lucky Lucke hay người hùng tí hon Asterix, cậu bé Nicolas hồn nhiên... song độc giả trên khắp thế giới vẫn mãi nhớ ông, nhà văn có khả năng làm người khác cười nhanh hơn cái bóng của mình.

René Goscinny là một nhà văn và biên kịch truyện tranh nổi tiếng người Pháp. Ông cũng là một trong những nhà văn Pháp được biết tới nhiều nhất trên thế giới với khoảng 500 triệu ấn bản được lưu hành dưới nhiều thứ tiếng.

Nhận xét về René Goscinny, cố nhà văn lừng danh Andre Malraux từng nói: Tôi viết về huyền thoại, nhưng anh tuyệt vời hơn, đã tạo nên huyền thoại”.


René Goscinny sinh ngày 14/8/1926. Với một giọng văn dí dỏm và tài chơi chữ thuộc loại vô địch, những tác phẩm nổi tiếng như Astérix, Lucky Luke, Iznogoud, Rantanplan, Little Nicolas… của Goscinny đã thu được rất nhiều bạn đọc trên khắp thế giới, đặc biệt  là bạn đọc nhí.


René Goscinny và nhân vật trong truyện Astérix do ông sáng tác.


Được ví là người làm người khác cười nhanh hơn cái bóng của mình, Goscinny sinh ra như để làm cuộc đời có thêm nụ cười. Với khiếu hài hước bẩm sinh, niềm vui của ông là làm cho người khác phải cười. Từ gia đình, đồng nghiệp đến độc giả, đã biết đến Goscinny thì đều bị ông bắt... phải cười.


Goscinny từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn: “Làm cho người khác cười là đam mê của tôi. Tôi luôn cố gắng ‘chọc cười’ bạn đọc qua từng trang sách một cách tự nhiên nhất”.


Từ lời thoại truyện tranh của Goscinny, hàng chục câu nói đã theo các nhân vật đi vào đời thực, thành một số thành ngữ pháp. Cậu út nhà Dalton với câu "Khi nào thì mình ăn?" trong mọi hoàn cảnh. Tể tướng xấu bụng Iznogoud với câu nói nổi tiếng “Ta muốn thành Hoàng thượng thế chỗ cho Hoàng thượng” đã trở nên rất quen thuộc với các chính trị gia. Đặc biệt hơn, câu slogan “bắn súng nhanh hơn cái bóng của mình” dành cho Lucky Luke không chỉ nổi tiếng mà đã được đưa vào từ điển của Viện Hàn lâm Pháp...


Cũng chỉ Goscinny mới có cái nhìn hài hước của trẻ con về người lớn khi vào vai bé Nicolas học sinh tiểu học, kể lại những chuyện thường ngày ở trường lớp, ở trại hè. Năm 2004, khi con gái ông tập hợp những truyện chưa in thành sách để in lại, 640.000 bản “Những mẩu chuyện chưa từng kể về cậu bé Nicolas” dày hơn 600 trang đã được bán hết ngay lập tức và trở thành cuốn sách bán chạy nhất trong năm.


Với bối cảnh học đường những năm 50 của thế kỉ XX, trẻ con chủ yếu vui đùa với hòn bi và trò rượt bắt, vậy mà Goscinny vẫn khiến các cô cậu bé thế kỷ XXI say mê Nicolas thì ông thật sự là một tượng đài trong văn học Pháp.




Gaulois Astérix và Obélix.


Và cũng là Goscinny đã đưa được độc giả chu du qua nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới qua bộ truyện tranh về hai nhân vật Asterix vàngôi làng bất khuất của người Gaulois. Cùng với nét vẽ sinh động của họa sĩ Albert Uderzo, hai gã Gaulois Astérix và Obélix trong bộ truyện tranh này đã nổi tiếng trên toàn thế giới.


Xuất hiện lần đầu tiên trên tạp chí Pilote ngày 29/10/1959, bộ truyện về Asterix có bối cảnh vào năm 50 trước Công nguyên, khi nhiều khu vực trên thế giới nằm dưới sự thống trị của quân La Mã. Nhưng ngôi làng nhỏ bé của người Gaulois vẫn kiên cường chống chọi với quân xâm lược.


Không chỉ tôn vinh tinh thần bất khuất của dân Gaulois, tổ tiên của người Pháp, câu chuyện về Asterix còn là minh chứng cho tình bạn đẹp đẽ trong sách và ngoài đời. Trong sách là tình bạn giữa hai nhân vật Asterix và Obelix, ngoài đời là giữa họa sĩ Albert Uderzo và tác giả Rene Goscinny.


Và cũng chính Goscinny, làm thay đổi quan niệm của người Pháp đối với truyện tranh. Từ chỗ xem thường thể loại này và những nghề liên quan (như họa sĩ, tác giả kịch bản truyện tranh…), nhờ công đầu của ông mà cả xã hội Pháp đã xác nhận đúng mức vị trí văn hóa quan trọng của truyện tranh và sự đóng góp cả về kinh tế-văn hóa của nền công nghiệp truyện tranh tiếng Pháp. 


Những thay đổi về vị trí của truyện tranh trong văn hóa Pháp được Goscinny tóm tắt ngắn gọn trong một lần trả lời phỏng vấn: “Tintin là bộ truyện tranh đầu tiên thực sự thành công, nhưng đã không tạo nên bước ngoặt như Astérix. Với Tintin, các vị phụ huynh vào thời đó sẽ nói: “Tôi không muốn con tôi đọc truyện tranh, trừ Tintin”. Nhưng từ khi Astérix xuất hiện, mọi chuyện thay đổi hoàn toàn, truyện tranh được các bậc phụ huynh xem như món ăn tinh thần không thể thiếu của con em mình”. Và cũng nhờ bệ phóng Astérix mà truyện tranh ngày nay được xem như nghệ thuật thứ 9.

 

Vào ngày 5/11/1977, René Goscinny đột ngột ra đi ở tuổi 51. Bạn ông là họa sĩ Mézières đã nhận xét một cách chua xót: “Chết vì lên cơn đau tim khi đang kiểm tra sức khỏe tại phòng khám của bác sĩ chuyên khoa tim mạch, trò đùa cuối cùng của Goscinny chăng?”.


Còn lại một mình, họa sĩ Albert Uderzo vẫn tiếp tục công việc đưa hai nhân vật nổi tiếng Asterix và Obelix đến với độc giả qua những chuyến phiêu lưu hài hước và kỳ thú.

 

Cho đến nay, câu chuyện về những cuộc phiêu lưu của các chiến binh thế kỷ thứ 1 trước Công nguyên đã được dịch sang 107 thứ tiếng, tiêu thụ 325 triệu ấn bản (trong đó có 200 triệu ở ngoài nước Pháp)…

 

Để tưởng nhớ đến nhà văn tài danh của nước Pháp, tên của Rene Goscinny đã được đặt cho nhiều trường học, thư viện trên đất Pháp; trường trung học Pháp duy nhất trên đất Ba Lan cũng được đặt theo tên ông.

 

Hơn 35 năm qua, kể từ ngày René Goscinny rời bỏ những chuyến phiêu lưu vượt không gian và thời gian cùng chàng cao bồi Lucky Lucke hay người hùng tí hon Asterix, cậu bé Nicolas hồn nhiên... song độc giả trên khắp thế giới vẫn mãi nhớ ông, nhà văn có khả năng làm người khác cười nhanh hơn cái bóng của mình.

 

 

Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN