08:09 03/08/2014

Siêu cường Mỹ đã lên tới đỉnh?-Kỳ cuối

Chìa khóa để ngăn chặn sự suy giảm-và có thể mở ra thời kỳ phục hưng của sức mạnh Mỹ-không chỉ đơn giản ở việc giải quyết các vấn đề thuộc về tài chính, năng suất của nền kinh tế và chi tiêu quân sự, mà cả trong những lợi thế cạnh tranh của Mỹ.

Chìa khóa để phục hồi và phục hưng sức mạnh

Chìa khóa để ngăn chặn sự suy giảm - và có thể mở ra thời kỳ phục hưng của sức mạnh Mỹ - không chỉ đơn giản ở việc giải quyết các vấn đề thuộc về tài chính, năng suất của nền kinh tế và chi tiêu quân sự, mà cả trong những lợi thế cạnh tranh của Mỹ, điều rất quan trọng.


Mỹ có một hệ thống chính trị mở mà lịch sử đã chứng minh khả năng tự thích ứng và điều chỉnh. Mỹ có một nền văn hóa có khả năng góp phần vào sự phát triển kinh tế, chấp nhận và kết hợp những giá trị trên toàn thế giới với sự linh hoạt, sáng tạo và đổi mới. Kết quả là, Mỹ vẫn là một điểm đến lâu dài cho đầu tư nước ngoài - một nguồn lực đáng tin cậy cho sự tăng trưởng và an toàn trong môi trường địa chính trị và kinh tế không ổn định.

Cụ thể, sự bùng nổ trong lĩnh vực sản xuất năng lượng và khả năng của Mỹ trong việc thu hút những nhân tài trên toàn thế giới có thể mang lại lợi nhuận lớn.

Năng lượng đang là một trong những chìa khóa phục hồi nền kinh tế Mỹ.


Cách đây gần một thập kỷ, năng lượng đã là một thách thức lớn với nước Mỹ. Hiện nay, sự kết hợp giữa khoan hàng ngang và ép thủy lực hay công nghệ “fracking” đã tạo ra một sản lượng lớn trong sản xuất khí tự nhiên và dầu mỏ. Giữa những năm 2007 – 2012, thị phần khí đá phiến trong sản lượng khí của Mỹ đã tăng từ 5 tới 45%. Hiệu quả của công nghệ “fracking” đã được cải thiện hàng năm, và ước tính trữ lượng thu hồi khí đá phiến tăng gấp đôi. Do việc sản xuất dầu cũng có thể được thực hiện bằng công nghệ fracking, nên sản lượng dầu thô cũng đã tăng cao trong 5 năm qua, sau 4 thập kỷ suy giảm.

Năm 2013, Mỹ đã vượt Nga để trở thành nhà sản suất khí và dầu lớn nhất thế giới. Trong 2 năm qua, Mỹ đã vượt Saudi Arabia để trở thành nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới. Nhập khẩu khí và dầu của Mỹ đã giảm mạnh mẽ trong 5 năm qua, góp phần làm giảm thâm hụt thương mại. Giá khí đốt tự nhiên ở Mỹ đã giảm, Mỹ sẽ sớm là một nước xuất khẩu ròng năng lượng.

Mỹ hiện nay có lợi thế độc quyền trong những ngành công nghiệp như sản xuất lọc hóa dầu, vốn có nhu cầu rất lớn trong lĩnh vực năng lượng. Hàng tỷ đô-la đầu tư đã đổ vào Mỹ, theo đó đem lại sức sống mới cho nền công nghiệp sản xuất. 2 triệu việc làm đã được tạo ra trong việc phát triển năng lượng khí đá phiến, và việc phục hồi nền công nghiệp năng lượng (những dịch vụ hỗ trợ và sản xuất đi kèm) đang bơm hàng trăm tỷ đô-la vào nền kinh tế Mỹ mỗi năm.

Cuộc cách mạng năng lượng cũng đã góp phần giảm đáng kể lượng khí thải các-bon ở Mỹ, trong khi lượng khí thải ở các quốc gia khác, có truyền thống là quốc gia “xanh” như Đức đã tăng mạnh. Theo Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ, chỉ trong năm 2012, khí thải các-bon đã giảm gần 3%, mức thấp nhất kể từ năm 1994 và so với mức cao nhất 12% năm 2007.

Sự độc lập thực sự về năng lượng-được xác định là tách khỏi sự tác động của thị trường năng lượng toàn cầu-là có thể. Mặc dù Mỹ không có được động lực trong việc sản xuất năng lượng như Nga, nhưng cuộc cách mạng năng lượng đã cho nước Mỹ một khả năng chiến lược quan trọng. Năm 2011, sự tăng trưởng trong sản lượng năng lượng ở Mỹ và Canada đã giúp làm dịu giá dầu toàn cầu khi nguồn cung từ Libya bị gián đoạn do cuộc xung đột tại nước này. Mỹ có thể sẽ trợ giúp tốt hơn cho các đồng minh thông qua đa dạng hóa những sự lựa chọn nguồn cung năng lượng, trong một số trường hợp, bảo đảm cho các đồng minh an toàn hơn từ các nguồn bảo đảm. Ví dụ, đối với Nhật Bản, nhập khẩu năng lượng từ Bắc Mỹ thì thích hợp hơn so với từ Trung Đông, vốn phải vận chuyển qua Biển Đông.

Nghĩ xa hơn, Washington phải thay đổi lối suy nghĩ về vị trí của mình trên thị trường năng lượng toàn cầu. Mỹ là một cường quốc năng lượng hàng đầu thế giới. Đã đến lúc phải thay đổi lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ và các các sản phẩm khí khác, nhiều loại trong đó đã có từ lệnh cấm vận của OPEC trong những năm 1970. Chính phủ Mỹ nên cho phép xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng tới những quốc gia mà Mỹ không có các thỏa thuận thương mại tự do, và hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô.

Một sức mạnh khác của Mỹ nằm ở nguồn lực con người-năng suất lao động, sự phát minh và khả năng làm chủ những khoa học công nghệ. Mỹ vẫn là một điểm đến đầy hấp dẫn cho những nhà khoa học, những người có kỹ năng và sự sáng tạo. Năm 2010, có hơn 165 triệu trong tổng số khoảng 700 triệu những người trưởng thành trên toàn thế giới tìm kiếm cơ hội di cư muốn chuyển đến Mỹ, đứng thứ 2 là Canada.

Những lợi thế của Mỹ trong cuộc chiến toàn cầu nhằm thu hút nhân tài bao gồm chính sách thu hút nhân tài và linh hoạt trong hệ thống Mỹ, đặc biệt là những trung tâm kinh tế như New York và thung lũng Silicon, và sức hút của một nền giáo dục có chất lượng cao. Nhiều trường đại học Mỹ có nhiều khả năng hơn các đối thủ tiềm năng ở nước ngoài, giúp cho những trường này có sức hút cao nhất, và điều này lại như một cái nôi cho những phát minh sáng chế.

Những tài sản vô giá đó đã khiến cho Mỹ luôn là điểm đến hấp dẫn cho những người nhập cư có kỹ năng cao, những người cung cấp một nguồn lực cần thiết cho sự phát triển kinh tế. Chuyên gia William Kerr tại Đại học Kinh doanh Harvard, thấy rằng những người nhập cư vào Mỹ từ Trung Quốc và Ấn Độ chiếm khoảng 15% số bằng sáng chế của Mỹ năm 2004, trong khi năm 1975, con số này chỉ 2%. Và Viện Brookings đã ước tính rằng ¼ công viêc kinh doanh trong lĩnh vực khoa học và công nghệ đã được bắt đầu ở Mỹ giữa những năm 1995  - 2005 có nguồn gốc từ người nước ngoài.

Liệu Tổng thống Obama có thể phục hưng được sức mạnh Mỹ?


Duy trì lợi thế của Mỹ về nguồn lực con người là rất quan trọng. Tuy nhiên, Mỹ đã không khai thác hết tiềm năng từ lợi thế này. Ví dụ, giải pháp của Mỹ về vấn đề thị thực H-1B  là rất hạn chế và gây nên tác hại. Mỹ thường xuyên giáo dục và đào tạo nhiều nghiên cứu sinh nhưng sau đó lại gây khó khăn cho việc những người này tìm cách ở lại đất nước. Mỹ nên chào đón và cố gắng giữ những lao động và những chủ doanh nghiệp thông minh và có kỹ năng. Hậu quả là rất rõ ràng: mỗi thị thực H-1B mà mỗi người lao động nhận được để gia nhập vào một công ty công nghệ cao sẽ tạo thêm được 5 việc làm cho nền kinh tế. Các quốc gia khác, như Canada và Australia đã thực sự hiểu được điều này. Họ đang thu hút những tài năng thông qua các chính sách khuyến khích nhân tài, điều sẽ mang lại tiềm năng về kinh tế rất lớn. Mỹ nên học hỏi kinh nghiệm từ các nước đó.

Nói rộng hơn, tăng cường xây dựng những trường đại học chất lượng tầm quốc tế và những trung tâm nghiên cứu là rất cần thiết để thu hút những nhân tài hàng đầu thế giới và để thúc đầy những phát minh sáng chế mà sẽ là động lực cho sự phát triển kinh tế trong thế kỷ 21. Kinh nghiệm của Mỹ trong thế kỷ trước đã chứng minh hiệu quả theo cấp số nhân của việc đầu tư và những nghiên cứu cơ bản. Không dành ưu tiên nguồn lực cho những tổ chức như Hiệp hội khoa học quốc gia, Viện nghiên cứu quốc gia về sức khỏe, và Cơ quan nghiên cứu quốc phòng là một việc thiếu khôn ngoan. Bên cạnh đó, Mỹ cũng nên tận dụng tối đa nguồn nhân tài trong nước.

Xây dựng những kỹ năng cho những thế hệ tương lai cũng rất cần thiết, đặc biệt trong tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, có lẽ điều quan trọng nhất mà Mỹ có thể làm đó là trung thực với chính bản thân mình về những thách thức mà nước Mỹ phải đối mặt và tính chất nghiêm trọng của những vấn đề có thể đe dọa tới nước Mỹ. Mỹ cần phải thôi nói về những ngoại lệ và tập trung nhiều hơn vào việc giải quyết những điều đó.

Nếu lựa chọn con đường thích nghi, cải cách và phục hồi năng lực sản xuất của nền kinh tế với quyết tâm cao, thì Mỹ sẽ có thể duy trì được sự thịnh vượng, sức mạnh và vì thế tiếp tục duy trì ảnh hưởng của mình trong tương lai trên toàn thế giới. Nếu không, những nguồn lực trong nước của sức mạnh Mỹ bị xói mòn nhanh chóng và gây ra những hậu quả nặng nề hơn những gì có thể dự đoán.


Công Thuận (Theo F.P)