08:12 18/08/2016

Siết chặt việc quản lý nhà bè

Vụ sập bè tại vịnh Vĩnh Hy tỉnh Ninh Thuận làm hai người tử vong, hàng trăm khách rơi xuống biển làm nhiều người băn khoăn về quy chuẩn an toàn kỹ thuật dành riêng cho loại hình kinh doanh này.

 Từ sau vụ tai nạn trên, không riêng gì tỉnh Ninh Thuận- nơi có rất nhiều nhà bè mà dân tự ý dựng lên để làm du lịch ở trong vịnh Vĩnh Hy, cũng như một số vũng đầm ven biển khác, mà ở hầu hết các địa phương khác trên cả nước, chính quyền, các cơ quan chức năng cũng "giật mình" bởi các nhà bè, nhà lồng mà người dân đã, đang kinh doanh quán xá, nhà hàng ở bên trên liệu có đảm bảo quy chuẩn cũng như sự an toàn?

Trên thực tế, hầu như bất kỳ tỉnh thành nào ở nước ta cũng đều có khá nhiều các nhà bè, quán hàng nổi được thiết kế, dựng bên trên mặt nước của sông, suối, hồ, đầm phá, vịnh biển... Với những tỉnh thành nằm ở ven biển, nơi có nhiều đầm phá, cửa sông thì số lượng các nhà bè, nhà lồng lại càng nhiều. Quả là đáng lo ngại khi chính quyền, các cơ quan chức năng bấy lâu nay đã bỏ ngỏ, nếu không muốn nói là đã thả lỏng, khi người dân muốn dựng nhà lồng, nhà bè như thế nào mặc ý, miễn sao là nó có thể nổi trên mặt nước và chứa được một số lượng người ngồi ở trên đó là được. 

Tôi đã từng có vài chuyến đi tới làng chài Cửa Vạn ở Quảng Ninh, thấy có tới hàng trăm ngôi nhà bè, nhà lồng nổi trên vịnh biển mà người dân ở đây dựng lên để vừa ở, vừa nuôi cá lồng và kinh doanh du lịch. Những nhà lồng, nhà bè ở đây to, nhỏ tùy theo mô hình thiết kế của chủ nhân, và các vật dụng để làm nổi ngôi nhà lồng, nhà bè chủ yếu là những chiếc thùng phi sắt, hay những chiếc thùng nhựa loại lớn. Nền của các nhà bè, nhà lồng đều là khung thép và những tấm sắt, thép, gỗ... Nói chung là những chiếc thùng nhựa, thùng phi có nhiệm vụ làm nổi ấy phải gánh chịu một trọng lượng không hề nhỏ. Nói chung thì cho dù những chiếc nhà bè, nhà lồng này được thiết kế to, rộng, chắc chắn đến như thế nào thì nó cũng chỉ tải trọng được một sức nặng nhất định, chứ không thể là thoải mái, nghĩa là chỉ với khoảng một lượng người, vật chất nhất định ở trên thì nó còn nổi, chứ chất chứa thêm nữa đến mức quá tải thì việc lật, chìm là điều khó tránh khỏi...

Tôi không biết được số lượng các nhà bè, nhà lồng hiện đang có trên các địa phương của cả nước là bao nhiêu, và số lượng các nhà lồng, nhà bè được cấp phép hoạt động chiếm bao nhiêu phần trăm, nhưng sau vụ sập nhà bè tại vịnh Vĩnh Hy mới đây thì chính quyền các địa phương, các cơ quan hữu quan cần phải nhanh chóng chấn chỉnh xiết chặt việc quản lý nhà bè, nhà lồng, nhất là với các nhà lồng, nhà bè kinh doanh quán hàng, làm du lịch. 

Việc đưa ra các quy định quy chuẩn cho các khung nhà bè, nhà lồng là rất cần thiết, đồng thời bắt buộc các nhà bè, nhà lồng phải tuân thủ không để lượng người cũng như sức nặng của vật chất lên đến mức quá tải trọng để tránh nhà bè, nhà lồng bị sập, lật, chìm. Ngoài ra, việc cấp phép hoạt động kinh doanh nhà bè, nhà lồng trên mặt nước cũng phải được siết chặt, chứ không dễ dãi hay "thả lỏng" như bấy lâu nay...
Nguyễn Việt Hà