04:07 10/04/2011

Siết chặt việc cấp phép khai thác mỏ đá

Trở về từ chuyến thị sát hiện trường vụ tai nạn sập mỏ đá Lèn Cờ, ông Nguyễn Anh Thơ, Chánh Văn phòng Cục An toàn lao động cho rằng: “Cần siết chặt việc cấp phép khai thác các mỏ đá, để đảm bảo chỉ các đơn vị đủ năng lực mới được triển khai hoạt động khai thác”.

Trở về từ chuyến thị sát hiện trường vụ tai nạn sập mỏ đá Lèn Cờ (xóm Hợp Thành, xã Nam Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An), ông Nguyễn Anh Thơ, Chánh Văn phòng Cục An toàn lao động cho rằng: “Cần siết chặt việc cấp phép khai thác các mỏ đá, để đảm bảo chỉ các đơn vị đủ năng lực mới được triển khai hoạt động khai thác”.

Phóng viên Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Thơ , Chánh Văn phòng Cục An toàn lao động về những cảnh báo từ vụ sập mỏ đá Lèn Cờ xảy ra sáng 1/4.

Thưa ông, việc tổ chức khai thác mỏ đá Lèn Cờ của Công ty TNHH Chín Mến đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn lao động trong khai thác và chế biến đá lộ thiên. Theo ông, ở vụ tai nạn này, hình thức xử lý nào đối với doanh nghiệp (DN) là thỏa đáng?

Việc xử phạt là đương nhiên. Tuy nhiên, với mức phạt tài chính về vi phạm an toàn vệ sinh lao động hiện hành là vài triệu đến vài chục triệu đồng thì chưa đủ sức răn đe. Trước kia, Công ty Chín Mến đã từng bị chính quyền địa phương phạt vì vi phạm quy định về an toàn vệ sinh lao động, không trang bị các phương tiện bảo hộ lao động cá nhân cho công nhân. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội của huyện cho biết mức phạt là 5 triệu đồng/lần. Nói chung, việc phạt tiền cũng có tính răn đe nhưng không hữu hiệu. Vì so với lợi nhuận mà DN thu được khi khai thác thì mức phạt này chẳng thấm vào đâu. Do đó, phạt không mấy tác dụng.

Muốn ngăn ngừa DN vi phạm, cần có những chế tài nghiêm khắc hơn, ví dụ như rút giấy phép khai thác, hoặc cấm khai thác, đóng cửa mỏ để tránh tai nạn tái diễn. Còn tùy mức độ vi phạm của DN, có thể phải xử lý hình sự.



 

Hiện trường vụ sập mỏ đá Lèn Cờ. Ảnh: Nguyễn Văn Nhật-TTXVN

Điều quan trọng bây giờ là siết chặt việc cấp phép khai thác các mỏ khoáng sản để đảm bảo các mỏ khoáng sản, đặc biệt là các mỏ đá phải được giao cho những đơn vị đủ năng lực triển khai, đảm bảo an toàn theo đúng quy định.

Hiện nay, cả nước có bao nhiêu mỏ khai thác đá quy mô tương tự mỏ Lèn Cờ, thưa ông?

Theo thống kê năm 2008, thì từ Hà Nam đến Phú Yên, có hàng nghìn mỏ đá đang hoạt động. Đến nay, do nhu cầu đá xây dựng ngày càng tăng nên thực tế sản lượng đá khai thác và số lượng các đơn vị khai thác đã tăng lên. Qua kiểm tra, thanh tra trong mấy năm gần đây, có đến hàng trăm mỏ đá quy mô tương tự như mỏ Lèn Cờ. Một số mỏ, quy mô có thể lớn hơn mỏ Lèn Cờ nhưng cách khai thác thì tương tự. Đa phần các DN không có đủ tiềm lực tài chính để đầu tư công nghệ khai thác đảm bảo an toàn như: Tổ chức thăm dò, làm đường lên mỏ, khai thác cắt tầng, tổ chức chế biến đá độc lập với khu vực khai thác...

Ông Nguyễn Anh Thơ, Chánh Văn phòng Cục An toàn lao động: Công ty Chín Mến không những sai sót trong tổ chức kỹ thuật khai thác mỏ, mà còn vi phạm nghiêm trọng ở phần tổ chức sản xuất nên vụ sập mỏ đá Lèn Cờ mới để lại hậu quả nặng nề đến thế. Theo quy định, khu vực chế biến phải nằm ngoài bán kính 300 - 500 m tính từ khu vực khoan, nổ mìn tùy quy mô. Nếu xảy ra tai nạn, những công nhân làm ở khu chế biến sẽ không phải hứng chịu hậu quả. Nhưng ở mỏ Lèn Cờ, DN đã tổ chức chế biến ngay tại chân mỏ. Điều này vi phạm nghiêm trọng quy định về khoảng cách an toàn. Thiệt hại về người và tài sản sẽ giảm đi đáng kể nếu như DN không tổ chức chế biến ngay tại chân mỏ đá. Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, trong số 18 nạn nhân thiệt mạng chỉ có 2 thợ khoan, 1 hoặc 2 thợ lái máy, 1 người là thợ sửa máy. Số nạn nhân còn lại đều là lao động nữ làm việc trong dây chuyền chế biến đá.

Năm 2007 và 2008, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn trong lĩnh vực khai thác đá. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra lao động thuộc ngành Lao động- Thương binh và Xã hội đã tiến hành kiểm tra, thanh tra, có phối hợp với ngành Tài nguyên - Môi trường, Công thương, Xây dựng và cũng đã kiến nghị các địa phương chấn chỉnh việc cấp phép khai thác mỏ đá. Các địa phương đã dừng khai thác một số điểm mỏ một thời gian nhưng sau đó lại tiếp tục cho khai thác...

Sau vụ tai nạn, Cục An toàn lao động có cách nào để cảnh báo, nhắc nhở những DN khai thác đá khác?

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ có công văn gửi các địa phương yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra về an toàn lao động trong các hoạt động khai thác mỏ nói chung, trong đó, tập trung hoạt động khai thác đá. Đồng thời, sẽ rút kinh nghiệm từ những vụ tai nạn, sự cố gần đây, xác định những nguyên nhân, vi phạm mà lâu nay các DN vẫn mắc phải.

Bộ sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật, quy chuẩn an toàn trong khai thác, chế biến khoáng sản đến các doanh nghiệp. Đồng thời có hướng dẫn để các địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra các hoạt động khai thác khoáng sản một cách nhanh và hiệu quả.

Chúng tôi cũng sẽ đề xuất để bổ sung các quy định pháp luật về trách nhiệm quản lý của các cơ quan hoặc đề nghị với các ngành: Tài nguyên - Môi trường và Công thương để thẩm định chặt chẽ hồ sơ của DN trước khi cấp giấy phép khai thác đá cho DN, đặc biệt chú trọng thêm vào vấn đề an toàn.

Mạnh Minh