08:09 02/08/2011

Siết chặt quản lý hoạt động thu mua nông sản, thực phẩm

Việc thu mua hàng hóa nông sản phải thực hiện theo cơ chế thị trường, phải thực hiện các quan hệ khách quan là thuận mua vừa bán, Nhà nước không can thiệp vào giá.

Ông Nguyễn Trí Ngọc (Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT): Việc thu mua hàng hóa nông sản phải thực hiện theo cơ chế thị trường, phải thực hiện các quan hệ khách quan là thuận mua vừa bán, Nhà nước không can thiệp vào giá.

Chúng ta cũng không thể sử dụng các hình thức hỗ trợ trực tiếp với DN trong nước và nông dân khi thu mua nông sản vì làm như vậy, cả nông dân và doanh nghiệp sẽ ỉ lại, trái với quy luật của thị trường. Để quản lý hoạt động thu mua nông sản, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc Quyết định 80 của Chính phủ về tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng và Thông tư 13/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn việc kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu về Việt Nam.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của Việt Nam, cho nên quan hệ với Trung Quốc trong tiêu thụ nông sản sẽ là định hướng mang tính chiến lược và lâu dài đối với hàng nông sản Việt Nam. Nhưng vấn đề là xây dựng chiến lược tiêu thụ, phân phối sản phẩm như thế nào để bảo vệ sản phẩm của Việt Nam, bảo vệ giá trị, thị trường và uy tín của sản phẩm. Không thể để phía nước ngoài mua cái gì cũng bán, họ bán cái gì rẻ cũng mua, như vậy là tự mình phá mình.

Thực tế, Việt Nam đã làm việc với Trung Quốc để tăng cường kiểm soát các quy định về nguồn gốc xuất xứ, tăng cường kiểm dịch hàng hóa cả đối với cửa khẩu chính ngạch và tiểu ngạch.

Tuy nhiên, quan hệ thương mại với Trung Quốc có hệ số rủi ro tương đối lớn. Vì vậy, để giảm bớt yếu tố rủi ro, tạo ra thị trường tốt cho sản phẩm nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã làm ba việc.

Thứ nhất là quy hoạch phát triển sản xuất các loại hàng hóa nông sản dựa trên tính toán đến nhu cầu của thị trường trong nước và nước ngoài, để đảm bảo ổn định đầu ra cho các mặt hàng nông sản, tránh tình trạng trồng - chặt, chặt - trồng. Thực tế, Bộ đã hướng dẫn các địa phương thực hiện quy hoạch chung và chi tiết, từ đó hướng dẫn cho người dân thực hiện.

Thứ hai, triển khai biện pháp nâng cao giá trị của sản phẩm, chất lượng, số lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ để tạo ra thương hiệu thực sự cho nông sản Việt Nam, khi có thương hiệu, giá trị sẽ cao hơn.

Thứ ba là tăng cường công tác xúc tiến thương mại, gồm dự tính, dự báo tìm kiếm thị trường, giới thiệu sản phẩm, định hướng cho sản xuất, từ đó ký kết hợp đồng ổn định cho các mặt hàng nông sản.

Ngoài ra, cần kiên trì thực hiện Quyết định 80 của Chính phủ về tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Tức là sản xuất, tiêu thụ hàng hóa phải có hợp đồng, thông qua hợp đồng để đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản Việt Nam. Tránh sự tùy tiện, được mùa mất giá, được giá mất mùa.

Ông Nguyễn Lộc An (Vụ phó Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương):

Công tác quản lý cách thức thanh toán trong hoạt động xuất nhập khẩu còn thiếu chặt chẽ (nhất là ở vùng biên giới) cũng tạo nhiều kẽ hở đối với hoạt động thương mại của các thương nhân Trung Quốc. Khi thanh toán giữa doanh nghiệp hai nước bằng đồng Nhân dân tệ hoặc đồng Việt Nam thì phải được qui đổi qua hệ thống ngân hàng. Hiện nay, việc đổi ngoại tệ khá dễ dàng, thậm chí ở biên giới còn có cả một chợ thu mua ngoại tệ "đen”. Cần thắt chặt việc thu đổi ngoại tệ thì mới có thể kiểm soát được việc thu mua hàng hóa.

Hoạt động xuất nhập khẩu chủ yếu xuất qua tiểu ngạch cũng sẽ rất khó quản lý. Chẳng hạn như với việc xuất khẩu thực phẩm, nếu xuất qua đường chính ngạch thì phải mất nhiều thủ tục, nhưng nếu qua đường tiểu ngạch mà là thương nhân biên giới thì chỉ cần giấy tờ đơn giản và mức đóng thuế cũng thấp hơn. Như vậy, Nhà nước mất thu thuế và lại khó kiểm soát, thậm chí có thể dẫn tới nguy cơ thiếu nguồn cung trong nước.

Để đảm bảo ổn định nguồn cung thực phẩm từ nay, nhiều ý kiến cho rằng, phải xem xét tăng thuế xuất khẩu thịt lợn, vì hiện thuế xuất khẩu thịt lợn đang là 0%. Bộ Công Thương cũng yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố theo dõi sát diễn biến thị trường thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ việc mua gom và xuất khẩu thực phẩm qua biên giới, để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Thu Hường - Hữu Vinh